Thứ ba 17/12/2024 03:54

Giải pháp nào giúp thu hút vốn FDI vào bất động sản Việt Nam?

Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, doanh nghiệp Việt Nam cần nhận diện các cơ hội và thách thức để có thể thu hút FDI vào lĩnh vực bất động sản.

Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp thu hút vốn FDI vào bất động sản tại Việt Nam

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính lũy kế đến tháng 10 năm 2024, cả nước có 41.501 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 492,26 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt gần 316,76 tỷ USD, bằng 64,3% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Lĩnh vực bất động sản Việt Nam có sức thu hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư nước ngoài, dòng vốn FDI vào Việt Nam có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ. Từ mức tổng vốn đầu tư FDI vào bất động sản đạt 671 triệu USD năm 2010, đến tháng 10 năm 2024, đã tăng lên gấp gần 108 lần, đạt 72,35 tỷ USD, chiếm 14,7% tổng vốn FDI đăng ký của cả nước.

Riêng 10 tháng năm 2024, vốn FDI vào bất động sản đạt 5,226 tỷ USD chiếm 26,7% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam. Nguồn vốn FDI chủ yếu đổ vào 2 lĩnh vực chính là bất động sản công nghiệp và dùng để chuyển nhượng, mua bán và sáp nhập (M&A) các dự án. Về quy mô dự án, phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam là doanh nghiệp có quy mô lớn, với hình thức ngày càng đa dạng và chất lượng hơn.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh đã chỉ ra những thuận lợi và thách thức trong thu hút vốn FDI đối với các doanh nghiệp bất động sản. Ảnh Diệu Phú

Tại diễn đàn “Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển” diễn ra sáng ngày 16/11, chuyên gia kinh tế PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh đã chỉ ra những thuận lợi và thách thức trong thu hút vốn FDI đối với các doanh nghiệp bất động sản. Từ đó, chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp để doanh nghiệp Việt tận dụng lợi thế, thu hút FDI trong thời gian tới.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động, Việt Nam vẫn là điểm sáng thu hút vốn FDI nhờ sự ổn định chính trị kinh tế vĩ mô và môi trường kinh doanh được cải thiện. Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, bất động sản là một trong những lĩnh vực hưởng lợi từ "làn sóng" FDI này.

Bên cạnh đó, theo định hướng tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng với vị trí địa lý kinh tế thuận lợi, Việt Nam cũng tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do với những cam kết sâu rộng đã tạo cho môi trường kinh doanh và đầu tư của Việt Nam nhiều lợi thế cạnh tranh so với các nước khác trong khu vực.

Tiếp đó, môi trường kinh doanh và chính sách thu hút FDI ngày càng hoàn thiện và phù hợp với thông lệ quốc tế. Các chính sách phát triển của Việt Nam thời gian tới vẫn có nhiều ưu đãi cho nguồn vốn FDI với những quy định ưu đãi thay đổi cụ thể theo từng trường hợp khi việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu được nhiều quốc gia thực hiện.

Tiềm năng đầu tư bất động sản còn rất lớn và hệ thống pháp lý trong lĩnh vực này ngày càng hoàn thiện. Cùng với đó, tốc độ đô thị hóa và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam là điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình bất động sản mới. Tính hấp dẫn còn thể hiện ở khả năng sinh lời trong lĩnh vực bất động sản ở Việt Nam cao so với các nước và vùng lãnh thổ như: Thái Lan, Singrapore, Hồng Kông (Trung Quốc) do mặt bằng giá bất động sản đang thấp hơn. Ngoài ra, Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng. Đây là cơ hội để thu hút vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản.

Bên cạnh những cơ hội, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, vẫn còn một số khó khăn, thách thức đối với việc thu hút vốn FDI như một số vấn đề pháp lý về bất động sản và thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc, chưa rõ ràng, các chính sách thu hút vốn FDI trong giai đoạn hiện nay cần có sự thay đổi, các nhà đầu tư nước ngoài có thể cho rằng các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam không đủ nguồn lực để thực hiện dự án đúng kế hoạch...

Giải pháp nào giúp thu hút vốn FDI vào bất động sản Việt Nam?

Để giải quyết các "điểm nghẽn" cản trở dòng vốn FDI chảy vào thị trường bất động sản, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đã đề xuất năm giải pháp mang tính chiến lược.

Để thu hút FDI vào bất động sản, Việt Nam cần ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện hệ thống pháp lý, hoàn thiện quy hoạch, xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch và ban hành các chính sách ưu đãi phù hợp. Ảnh: S.T

Thứ nhất, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định các cân đối lớn của nền kinh tế, đẩy mạnh phục hồi kinh tế, kiểm soát lạm phát, giữ ổn định tỷ giá hối đoái với USD, giữ nhịp độ tăng trưởng cao là nền tảng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng. Đây là tiền đề cần duy trì để Việt Nam thu hút nhiều hơn vốn FDI. Đồng thời, ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi tăng trưởng và kiểm soát lạm phát tạo cơ sở cho thị trường bất động sản phục hồi, tăng tính hấp dẫn nhằm thu hút vốn FDI.

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống pháp lý và đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục hành chính về bất động sản. Trước mắt, sớm ban hành các văn bản pháp lý hướng dẫn chi tiết nội dung các luật liên quan mới ban hành, làm cơ sở để các doanh nghiệp bất động sản và nhà đầu tư nước ngoài yên tâm hoạt động. Tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý còn tồn đọng như quy hoạch, hình thành bảng giá đất mới theo Luật 2024, đấu thầu đất đai… Chú trọng đến việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, kịp thời giải quyết các vướng mắc, kiến nghị từ phía doanh nghiệp.

Thứ ba, cần hoàn thiện và sớm ban hành công khai quy hoạch chi tiết phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng miền và cả nước trên cơ sở khoa học, thực tiễn. Trên cơ sở đó, giữ ổn định lâu dài quy hoạch, kế hoạch các dự án đầu tư để các nhà đầu tư an tâm tính toán hiệu quả lâu dài của dự án, yên tâm đầu tư vốn vào nền kinh tế và lĩnh vực bất động sản.

Thứ tư, xây dựng môi trường kinh doanh bất động sản thuận lợi, minh bạch và công bằng đối với các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài. Cần có chính sách nhằm khuyến khích sự phát triển, cũng như giám sát thị trường bất động sản và hoạt động kinh doanh bất động sản. Thực hiện quản lý cung - cầu các loại hình bất động sản phù hợp với từng thời kỳ phát triển của thị trường, kịp thời điều chỉnh khi có sự dư cung hay sự tăng giá quá mức ở các loại hình bất động sản trên thị trường. Thực hiện tái cơ cấu thị trường bất động sản phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của người tiêu dùng.

Thứ năm, cần tiếp tục nghiên cứu để ban hành các chính sách ưu đãi bổ sung nhằm thu hút vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản phù hợp cam kết quốc tế, pháp luật Việt Nam và đảm bảo lợi ích hài hòa của nhà đầu tư trong và ngoài nước, đảm bảo lợi ích của Nhà nước theo hướng giảm dần ưu đãi thuế, kết hợp với ưu đãi cắt giảm chi phí đầu tư, chính sách ưu đãi về đất đai và hỗ trợ về đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, điện…

Phương Cúc
Bài viết cùng chủ đề: vốn FDI

Tin cùng chuyên mục

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

Indochina Kajima khởi công dự án văn phòng hạng A tại khu trung tâm mới phía Tây Hà Nội

Sun Group khởi công tổ hợp nghỉ dưỡng - giải trí - thương mại trị giá 13.000 tỷ đồng tại Phú Quốc

Bất động sản Cần Thơ – tâm điểm chuyển dịch mới của giới đầu tư

Cách xây dựng văn hóa doanh nghiệp sáng tạo của ROX Group

Chuyên gia hiến kế bịt kẽ hở trong đấu giá đất

Dòng tiền bất động sản có xu hướng dịch chuyển vào Nam

Nhìn lại 30 năm thăng trầm của thị trường bất động sản Việt Nam

Hà Nội: Khởi công xây dựng dự án nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Hạ Đình

Căn hộ 'chiếm sóng' bất động sản cho thuê

Quy hoạch Thủ Thiêm thúc đẩy các dự án bất động sản hạng sang tăng giá trị

Hội nghị bất động sản Việt Nam 2024: Điểm nhìn từ thị trường

Từ vụ bất thường đấu giá đất ở Sóc Sơn: Nghiêm trị nếu có chiêu trò đầu cơ, trục lợi

Lễ ký hợp đồng giữa EXIMRS và VSIP Hải Phòng - Sẵn sàng bứt phá và nâng tầm sống mới

Dự án đáng sống 2024 vinh danh Đô thị nghỉ dưỡng của Sun Group Hà Nam

Thắp sáng TP. Tân Uyên tại lễ ra mắt dự án Truc Quyen Land

Nhiều yếu tố đang hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi

Khám phá không gian tiện nghi tại dự án chung cư hạng sang The Nelson

Van Phuc City mở ra cơ hội sở hữu những căn biệt thự, nhà phố 'cuối cùng'

Bất động sản xanh lên ngôi - xu hướng tất yếu của thị trường