Giải pháp nào cho ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam
Diễn đàn có sự tham gia của hơn 150 các nhà khoa học của hơn 20 đơn vị trong Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng các nhà khoa học, quản lý của: Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Viện Di truyền Nông nghiệp, Trường Đại học Mở, các Viện và Trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam…
Nhựa (polyme) được sử dụng ngày càng nhiều trong đời sống kinh tế, xã hội và môi trường do giá rẻ và tiện ích cao nên loại vật liệu này được sản xuất với khối lượng rất lớn. Do đó, rác thải nhựa đã và đang gây ra nhiều ảnh hưởng đến toàn bộ sự sống trên hành tinh, đặc biệt là ở đại dương bởi tính chất khó phân hủy của chúng. Rác thải nhựa đang là vấn đề mang tính thời sự, đòi hỏi các cơ quan chức năng có thẩm quyền phải đưa ra những quyết định thay đổi một cách có hệ thống bằng việc xây dựng chính sách phù hợp; đầu tư vào nghiên cứu khoa học trong việc xử lý loại rác thải này. Đồng thời, khuyến cáo người dân sử dụng các loại vật liệu thay thế có khả năng phân hủy sinh học.
Phát biểu tại diễn đàn, PGS.TS Phan Ngọc Minh – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam khẳng định: Đây là chủ đề nóng không chỉ của cộng đồng xã hội, người dân mà còn của Chính phủ. Là cơ quan nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trực thuộc Chính phủ nhiều năm qua Viện Hàn lâm đã đi tiên phong trong nhiều đề tài nghiên cứu về xử lý rác thải nhựa và vật liệu mới có thể thay thế các sản phẩm nhựa có tính phân hủy sinh học. “Diễn đàn là những giải pháp quan trọng góp phần xây dựng cơ sở khoa học vững chắc, tạo nền tảng để tạo nền công nghệ phù hợp với tiềm năng nội lực cao của KHCN Việt Nam. Điều này sẽ góp phần giảm thiểu tác động xấu của rác thải nhựa lên môi trường nói chung và biển nói riêng; đồng thời định hướng cho cộng đồng sử dụng các loại sản phẩm nhựa có khả năng phân hủy sinh học”- PGS.TS Phan Ngọc Minh cho biết.
GS. Bram Brouwer- Giám đốc điều hành của BE-Basic Foundation, Hà Lan chia sẻ tại Diễn đàn |
Chia sẻ tại diễn đàn, GS. Bram Brouwer- Giám đốc điều hành của BE-Basic Foundation, Hà Lan cho biết: Để giảm thiểu rác thải nhựa, tại Hà Lan và châu Âu đã nghiên cứu và đã đưa ra các vật liệu thay thế có khả năng phân hủy sinh học, phát triển kinh tế dựa trên nền tảng sinh học mà hiện tại chúng tôi đang triển khai Cụm hóa chất kiến tạo, nhựa sinh học và các hợp chất chứa các chất có chức năng sinh học từ sinh khối mà chúng tôi gọi là FDCA. Các ứng dụng nhiều hơn của FDCA sẽ cho chúng ta các cơ hội tăng trưởng bền vững trong nền kinh tế sinh học.
Sản phẩm túi phân hủy sinh học và sản phẩm thay thế được Tập đoàn An Phát Holdings giới thiệu tại Diễn đàn |
Diễn đàn giới thiệu một số kết quả mà Viện Công nghệ Sinh học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), Viện Kỹ thuật Nhiệt đới, Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Tổ chức Kinh tế nền tảng Sinh học – Hà Lan và châu Âu (Biobased Economy - the Netherlands & Europe) đã đạt được trong thời gian vừa qua về tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa và các giải pháp nhằm xử lý rác thải nhựa thông qua cơ chế sinh học.
Đặc biệt tại diễn đàn, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà- Viện Công nghệ Sinh học đã chia sẻ nghiên cứu “Khả năng phân hủy sinh học plastic bởi các tác nhân sinh học khác nhau cung cấp cơ sở khoa học để thiết kế, xây dựng công nghệ xử lý phù hợp đối với ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam” – đây là nghiên cứu đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 3 Bằng Độc quyền sáng chế đầu năm 2019. Nghiên cứu này giúp cho các doanh nghiệp sản xuất bao bì trong định hướng sản xuất theo hướng phân hủy sinh học và người tiêu dùng có thông tin chính xác khi sử dụng sản phẩm và cơ quan xử lý rác có phương pháp xử lý rác thải nhựa, ni-lông phù hợp, hiệu quả.
Tại Diễn đàn, các nhà khoa học tham dự đã thống nhất về thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa hiện nay trên thế giới và ở Việt Nam và những hậu quả, hệ lụy của hệ sinh thái, sức khỏe cộng đồng do loại hình ô nhiễm này gây ra. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng thống nhất các kết quả nghiên cứu liên ngành trình bày trong Diễn đàn là những giải pháp quan trọng góp phần xây dựng cơ sở khoa học vững chắc, tạo nền tảng để tạo nền công nghệ phù hợp với tiềm năng nội lực cao của KHCN Việt Nam.