Giá xăng dầu hôm nay 22/7: Giảm mạnh 3 USD/thùng
Theo Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), giá dầu giảm mạnh trong phiên giao dịch hôm qua, khi tâm lý thị trường chịu ảnh hưởng tiêu cực trước nhu cầu có nguy cơ sụt giảm. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI giảm 3,53% xuống 96,35 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 2,86% xuống 103.86 USD/thùng.
Một loạt các thông tin tiêu cực hôm qua đã gây sức ép cho giá dầu, khiến cho giá WTI tiếp tục đánh mất cơ hội lấy lại cột mốc 100 USD/thùng. Báo cáo tuần của EIA hôm thứ 4 cho thấy tồn kho xăng tăng trở lại 3,5 triệu thùng trong tuần kết thúc 15/07, bất chấp đây là mùa cao điểm đi lại tại Mỹ; tiếp tục là yếu tố gây sức ép cho giá dầu trong cả tuần. Nhu cầu tiêu thụ xăng giảm sẽ là yếu tố khiến cho nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu đầu vào như dầu thô suy yếu theo.
Báo cáo EIA cho thấy góc nhìn cụ thể đối với tình hình thị trường tại Mỹ, do đó giá WTI chịu ảnh hưởng mạnh hơn và chênh lệch giữa Brent và WTI ngày càng nới rộng trong các phiên gần đây, khiến cho giá Brent vẫn vững vàng trên cột mốc 100 USD/thùng.
Bên cạnh đó là các thông tin tiêu cực về tình hình Covid-19 tại Trung Quốc, với số ca lây nhiễm liên tục duy trì ở mức cao khiến cho Ngân hàng phát triển châu Á cắt giảm dự báo GDP của Trung Quốc trong năm 2022 từ 5,2% xuống 4,6%. Tăng trưởng kinh tế chậm lại là một trong các nguyên nhân có thể khiến cho tiêu thụ dầu của Trung Quốc sụt giảm trong cuối năm.
Cùng với đó là thông tin Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, mặc dù trước đó đưa ra tín hiệu với thị trường là 25 điểm cơ bản cũng gây sức ép lên các tài sản tài chính. Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên trong vòng 11 năm của ECB. Lãi suất tăng có thể khiến các nhà đàu tư ngần ngại trong việc tăng các vị thế mua.
Bên cạnh đó, thông tin Libya tăng sản lượng trở lại cũng là yếu tố gây sức ép lên giá dầu. Theo dự tính, Libya sẽ tăng sản xuất từ 700.000 thùng/ngày lên 1,2 triệu thùng/ngày trong vòng 7-10 ngày, sau thời gian dài phải chịu tình trạng bất khả kháng.
Giá dầu thô đã giảm tới hơn 3 USD trong phiên giao dịch ngày 21/7 bởi nhiều yếu tố, trong đó có sự tăng của dự trữ xăng của Mỹ, lo ngại gia tăng về nhu cầu dầu sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất tới 50 điểm phần trăm và nguồn cung dầu đang dần được khôi phục ở Libya cũng như dòng khí đốt đến châu Âu đã được nối lại sau thời gian bảo trì của đường ống dẫn dầu Nord Stream.
Đặc biệt trong phiên giao dịch, cả hai mặt hàng dầu thô Brent và WTI đều đã có thời điểm chịu mức giảm hơn 5 USD.
Theo số liệu của chính phủ Mỹ, giá xăng giao sau đã giảm xuống 3,15 USD, giảm 13 cent, tương đương 3,8% sau dữ liệu cho thấy dự trữ xăng của Mỹ đã tăng 3,5 triệu thùng trong tuần trước, vượt xa dự báo của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò trước đó là chỉ tăng 71.000 thùng.
Trong nước, liên Bộ Tài chính - Bộ Công Thương vừa điều hành giá bán lẻ xăng dầutrong kỳ điều chỉnh từ 15h ngày 21/7.
Sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá bán lẻ xăng E5 RON 92 còn 25.073 đồng/lít (giảm 2.715 đồng); còn xăng RON 95 là 26.070 đồng/lít (giảm 3.605 đồng).
Giá các mặt hàng dầu cũng đồng loạt giảm. Dầu diesel giảm 1.735 đồng, còn 24.850 đồng một lít. Dầu hoả hạ 1.099 đồng một lít, còn 25.240 đồng. Dầu mazut là 16.540 đồng một kg, tương đương mức giảm 1.164 đồng.
Đây là kỳ giảm giá thứ ba liên tiếp của giá xăng, dầu trong nước từ đầu tháng 7 đến nay. So với cuối tháng 6, mỗi lít RON 95-III rẻ hơn 6.800 đồng; E5 RON 92 hạ 6.230 đồng; dầu diesel là 5.160 đồng...