Giá vàng thế giới xuyên thủng ngưỡng 1.880 USD/ounce, vàng 9999 trong nước giảm sâu
Giá vàngthế giới đã liên tục tăng và vượt qua ngưỡng cao nhất trong vòng 7 tháng qua khi những dữ liệu vĩ mô mới nhất từ Mỹ cho thấy nền kinh tế và việc làm của quốc gia này có dấu hiệu hạ nhiệt. Các dữ liệu về khu vực dịch vụ và thị trường lao động tại Mỹ cho thấy những động thái tăng lãi suất liên tiếp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong vòng gần một năm qua đã phát huy tác dụng.
Cụ thể, Fed bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất vào tháng 3/2022 để kìm hãm lạm phát. Trong năm 2022, ngân hàng trung ương Mỹ nâng lãi suất tổng cộng 425 điểm cơ bản, đưa lãi suất điều hành lên 4,25-4,5%. Các đợt tăng lãi suất của Fed giúp thúc đẩy USD. Vào tháng 9 năm 2022, đồng USD đã vọt lên mức cao nhất 20 năm so với rổ tiền tệ. các chuyên gia cho rằng, đà tăng của USD khó có thể kéo dài trong năm nay. CrossBorderCapital dự báo chỉ số USD sẽ lao dốc 15-20% vào năm 2023.
Theo Trading Economics, giá vàng thế giới giao ngay này hôm nay 9/1 (giờ Việt Nam) đã xuyên thủng ngưỡng 1.880 USD/ounce và đánh dấu mốc cao nhất kể từ ngày 6/5. Trong hơn 15 tiếng vừa qua, giá của mỗi ounce vàng đã tăng 53,5 USD/ounce (từ 1.827 USD/ounce lên 1.880,5 USD/ounce). Vàng chủ yếu được giao dịch trên thị trường phi tập trung của London, thị trường kỳ hạn tại Mỹ và sàn giao dịch Thượng Hải.
Theo đó, thị trường kim loại quý hưởng lợi khi USD chịu sức ép lớn. Chỉ số USD - đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ lớn khác - đã rớt xuống 103,48 điểm. Các dữ liệu mới nhất trên thế giới chỉ ra tăng trưởng kinh tế và lạm phát tại Mỹ đang hạ nhiệt. Và điều này có thể cho phép Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bớt quyết liệt hơn trong việc tăng lãi suất, vốn sẽ thúc đẩy USD và giáng đòn lên những tài sản như vàng, dầu.
Giá vàng thế giới thiết lập mức cao nhất trong vòng 8 tháng |
Điển hình, theo báo cáo vừa được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm 6/1, nền kinh tế Mỹ có thêm 223.000 việc làm trong tháng 12/2022, thấp hơn mức tăng 256.000 việc làm vào tháng 11. Đây được cho là mức tăng hàng tháng thấp nhất trong vòng 2 năm. Thu nhập của người Mỹ cũng đang giảm tốc tăng trưởng. Thu nhập trung bình mỗi giờ tăng 0,3% so với tháng trước và 4,6% so với năm trước. Trong tháng 11, 2 mức tăng này lần lượt là 0,4% và 4,8%.
Ngoài ra, vòng xoáy lạm phát - tiền lương xảy ra khi người lao động muốn một mức lương cao hơn để trang trải chi phí sinh hoạt tăng cao trong thời kỳ lạm phát. Bên cạnh đó, chỉ số quản lý thu mua (PMI) từ Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ (ISM) chỉ ra các hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ đã lao dốc bất ngờ trong tháng 12. Đây là mức giảm lớn nhất trong vòng 2 năm rưỡi do nhu cầu suy yếu.
Trước đó, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 11 chỉ ra lạm phát trong khu vực dịch vụ vẫn tiếp diễn. Chỉ số giá tháng 11 của nhóm này tăng lần lượt 0,4% so với tháng trước đó và 11% so với năm trước đó. Giới quan sát từng lo ngại rằng tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ có thể thúc đẩy giá dịch vụ liên tục tăng, kéo lạm phát đi lên và khiến bài toán dành cho Fed càng thêm hóc búa.
Tính đến 16h chiều nay 9/1, giá vàng SJC tại Công ty SJC (Hà Nội) vẫn đang niêm yết ở mức 66,10 - 66,92 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng được điều chỉnh giảm 350.000 đồng cả 2 chiều mua vào - bán ra.
Giá vàng 9999 tại Tập đoàn Phú Quý niêm yết ở mức 66,20 - 67,00 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); tăng nhẹ 50 ngàn đồng/lượng ở chiều mua và bán. Giá vàng được điều chỉnh giảm 200.000 đồng cả 2 chiều mua vào - bán ra.
Giá vàng miếng tại Bảo Tín Minh Châu vẫn giao dịch ở mức 66,22 - 66,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); giá vàng có xu hướng đi ngang.
Giá vàng DOJI tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tiếp tục giao dịch ở ngưỡng 66,00 - 67,00 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng được điều chỉnh giảm 200.000 đồng cả 2 chiều mua vào - bán ra.