Giá trị Sa Huỳnh
TS. Đoàn Ngọc Khôi bên mộ chum mới được khai quật, nét đặc trưng của Di chỉ Văn hóa Sa Huỳnh |
Văn hóa đặc sắc
TS. Đoàn Ngọc Khôi cho biết: Di chỉ Văn hóa Sa Huỳnh được hình thành trong giai đoạn kim khí (gần như cùng thời với Văn hóa Đông Sơn (miền Bắc) và Văn hóa Đồng Nai (hợp thành Văn hóa Óc Eo sau này). Văn hóa Sa Huỳnh phía Bắc giáp Văn hóa Đông Sơn, Nam giáp Văn hóa Đồng Nam, Tây giáp khu vực rừng núi (Tây Nguyên ngày nay) và phía Đông tiến ra các đảo ven bờ như: Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Phú Quý, Phú Quốc… Bản thân Văn hóa Sa Huỳnh có hai nét đặc trưng là luyện kim khí sắt ở trình độ cao với nhiều loại hình dao, giáo, rựa… Thời kỳ đó, đã có chế tác thủy tinh đạt đến trình độ cao như khuyên tai 3 mũi nhọn, hạt chuỗi.
Người Sa Huỳnh xưa cư trú ở 2 vùng cửa biển để mở rộng giao thương, khai thác thủy - hải sản và vùng rìa núi (rìa Quảng Nam và Tây Nguyên ngày nay) là điểm trung chuyển, thông thương hàng hóa từ vùng thấp lên vùng cao.
Văn hóa Sa Huỳnh có nền văn minh đồ gốm đặc trưng. Thời kỳ tiền Sa Huỳnh có gốm Long Thạnh, Bình Châu rất tinh vi, được tô nhiều màu đặc trưng; đến giai đoạn Sa Huỳnh thì phổ quát hơn. Trong các loại di sản Sa Huỳnh để lại, mộ chum được xem là sản phẩm độc đáo, như mộ chum hình trứng, sau đó phát triển thêm hình cầu, hình trụ, hình quả đào, chum lồng…
TS. Khôi cho rằng, trong Văn hóa Sa Huỳnh, truyền thống mộ táng được xem là đặc trưng nhất, qua một số lần khai quật vào năm 1090, 1923, 1934 và một số lần về sau hàng loạt mộ chum được chôn trong cồn cát, mộ chum của cư dân hải đảo chôn trên cồn cát từ ngoài du nhập vào. Bởi thế, người Pháp định nghĩa Văn hóa Sa Huỳnh là mộ chum, văn hóa của cư dân hải đảo được chôn trên cồn cát…
Hướng đến tương lai sáng
Ông Cao Văn Chư - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao - Du lịch Quảng Ngãi - cho rằng, Sa Huỳnh là vùng đất có nhiều nét đẹp hiếm có, vùng thiên nhiên kỳ lạ, nơi tập trung Văn hóa Sa Huỳnh sâu sắc. Hiện, tỉnh đang phối hợp với Công ty Đoàn Ánh Dương khảo sát, xây dựng dự án Bảo tồn phát huy không gian Văn hóa Sa Huỳnh và hướng tới lập thủ tục đề nghị UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới…
Sa Huỳnh được xem là khu trọng điểm du lịch phía Nam tỉnh Quảng Ngãi bởi địa thế hết sức thuận lợi, địa thế biển gần sát đường giao thông, hải sản phong phú, thiên nhiên đa dạng, đặc biệt, tâm điểm của di chỉ Văn hóa Sa Huỳnh. Tuy nhiên, theo ông Chư, thời gian qua, mới chú trọng đến công tác bảo tồn là chính, chưa quan tâm nhiều đến phát huy giá trị Văn hóa Sa Huỳnh; việc đầu tư chưa đồng bộ, kết nối còn thiếu nên giá trị Văn hóa Sa Huỳnh vẫn còn ít người biết đến. Bên cạnh đó, hiện cửa biển Sa Huỳnh phục vụ hàng nghìn tàu, thuyền nhưng chưa được đầu tư xứng tầm, hạ tầng phục vụ du lịch còn thiếu, đường vào khu vực Nhà bảo tàng và khu vực khai quật quá hẹp và chưa được đầu tư đi vào khu di chỉ khó khăn.
“Ở Quảng Ngãi, không có nơi nào phát triển du lịch thuận lợi bằng Sa Huỳnh nên sự quảng bá rất quan trọng, cần thực hiện thường xuyên, chuyên nghiệp; dịch vụ du lịch đồng bộ. Chú ý nét riêng biệt hiếm có ở Sa Huỳnh sẽ phát huy những giá trị tích cực tại vùng đất này. Tiềm lực của tỉnh Quảng Ngãi còn ít, rất cần Trung ương quan tâm đầu tư hơn nữa để về lâu dài khu vực này sẽ trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách thập phương” - ông Chư nhìn nhận.
Sa Huỳnh hôm nay |
Theo ông Trần Em - Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ - khu vực phía Nam Quảng Ngãi được đầu tư ít và lệch so với khu vực khác nên phát triển chậm. Tại Sa Huỳnh, nhiều nhà đầu tư muốn vào nhưng do hạ tầng đầu tư chưa bài bản, lượng khách vắng, sản phẩm du lịch chưa phát huy xứng tầm nên vùng Sa Huỳnh chưa được nhiều người biết… Đây cũng chính là những trăn trở của địa phương.
Ông Trần Phước Hiền - Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ngãi - cho biết, hiện ở Sa Huỳnh nhà đầu tư đang khảo sát nghiên cứu mô hình nuôi trồng thủy sản (hải sâm) kết hợp năng lượng sạch ở đầm nước ngọt An Khê ở xã Phổ Khánh và đầm nước mặn ở xã Phổ Thạnh. Quảng Ngãi đang đề nghị Bộ Công Thương đưa bổ sung quy hoạch năng lượng. “Sa Huỳnh là biển và nhiều gió nên rất thuận lợi cho việc đầu tư năng lượng sạch như điện mặt trời, điện gió. Với vị trí và điều kiện thuận lợi, đầu tư năng lượng sạch khu vực này phát huy hiệu quả, giải quyết vấn đề môi trường, việc làm” - ông Hiền nhìn nhận.
Tại Việt Nam, nhiều cuộc hội thảo, nghiên cứu, khai quật đã khẳng định thêm giá trị về Văn hóa Sa Huỳnh. Mới đây, Nhà nước đã đầu tư 30 tỷ đồng tôn tạo khu di chỉ Văn hóa Sa Huỳnh, xây dựng Nhà bảo tàng, khu trưng bày về Văn hóa Sa Huỳnh. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đang trình Chính phủ công nhận Văn hóa Sa Huỳnh là Di tích quốc gia đặc biệt. Tuy nhiên, theo TS. Đoàn Ngọc Khôi, hiện nay, có yếu điểm là miền Trung kéo dài, di sản Văn hóa Sa Huỳnh nằm rải rác, mỗi địa phương có cách làm khác nhau nên chưa tập trung về một mối. “Cần đẩy mạnh nghiên cứu Văn hóa Sa Huỳnh một cách bài bản; có đội ngũ nghiên cứu chuyên sâu, xứng tầm; đầu tư các hệ thống bảo tàng, trưng bày di sản Văn hóa Sa Huỳnh…” - TS. Khôi kiến nghị.
Văn hóa Sa Huỳnh có nhiều yếu tố để lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới bởi không gian, di tích gốc tại chỗ được bảo tồn tốt, cộng đồng ý thức bảo vệ di sản… |