Gia tăng số ca mắc bệnh cúm A, nhiều trường hợp biến chứng nặng phải thở máy
Trong 2 tuần gần đây, nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân đến khám, chủ yếu được xét nghiệm và chẩn đoán mắc các bệnh cúm A. Đáng nói, có nhiều ca diễn biến suy hô hấp nặng, phải thở máy.
Thống kê của Bộ Y tế, qua giám sát các trường hợp mắc cúm cho thấy, các chủng virus cúm gây bệnh chủ yếu là: cúm A(H1N1), A(H3N2) và cúm B. Hiện chưa ghi nhận các chủng virus cúm có độc lực cao lây truyền từ gia cầm sang người, như: cúm A(H5N1), A(H5N6) hoặc A(H7N9).
Số ca mắc bệnh cúm A gia tăng mạnh trong 2 tuần gần đây |
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho hơn 10 ca mắc bệnh cúm A trong tình trạng nặng, có trường hợp nhiễm cúm A nguy kịch đang phải lọc máu, thở máy tại khoa Hồi sức tích cực.
Còn ở Bệnh viện Nhi Trung ương, trong số các trẻ đến thăm khám có chỉ định làm xét nghiệm mỗi ngày, có khoảng 100-150 trường hợp có kết quả mắc cúm, chủ yếu là cúm A, trong đó, 15% ca nặng phải nhập viện điều trị. Phần lớn trẻ mắc cúm nhập viện điều trị do bị biến chứng viêm phổi, phải thở oxy. Thậm chí có ca suy hô hấp, đang phải thở máy do nhiễm cúm trên nền bệnh tim và thuyên tắc động mạch phổi…
TS. Vũ Ngọc Long - Phó Trưởng phòng Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - thông tin: Từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm cho thấy tình hình bệnh cúm ở Việt Nam trong những tuần gần đây mặc dù có sự gia tăng ca mắc nhưng không phải là sự bất thường. Bởi lẽ, đây là khoảng thời điểm giao mùa Đông Xuân nên thời tiết thay đổi thất thường, lúc ấm, lúc lạnh thuận lợi cho bệnh đường hô hấp phát triển, trong đó có các tác nhân gây bệnh cúm.
Các chuyên gia cũng lưu ý, chưa có bằng chứng khoa học về việc người đã mắc Covid-19 sau đó mắc cúm A bệnh sẽ nặng hơn, tuy nhiên nếu cùng mắc một thời điểm sẽ có nguy cơ tiến triển nặng.
Không giống như cảm lạnh thông thường, bệnh cúm thường xảy ra với triệu chứng khởi phát đột ngột. Các dấu hiệu phổ biến của nhiễm trùng cúm bao gồm: Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi; đau đầu; sốt; đau cơ; mệt mỏi; đau họng; ho…
Các triệu chứng cúm A nhẹ có thể tự khỏi khi được nghỉ ngơi nhiều và uống đủ nước. Tuy nhiên, đối với ca nhiễm cúm nặng hơn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus để chống lại nhiễm trùng.