Giá sắt thép hạ nhiệt, cơ hội đẩy mạnh hiệu quả đầu tư xây dựng
“Ngành sắt thép được coi là kim chỉ nam cho các hoạt động công nghiệp và đầu tư xây dựng phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trước áp lực về nguy cơ suy thoái và những vết nứt trong chuỗi cung ứng toàn cầu, giá vật liệu xây dựng đang phải đối diện với nhiều biến số khó lường. Trong bối cảnh đó, để giữ vững đà tăng trưởng, các doanh nghiệp Việt Nam cần duy trì tầm nhìn trong trung và dài hạn, kết hợp với sử dụng các công cụ bảo hiểm giá để hạn chế tối đa rủi ro từ thị trường”, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hoá Việt Nam đánh giá.
Giá quặng sắt thế giới giảm 20% từ đầu quý II
Trong quý II, thị trường sắt thép trên thế giới liên tục phải chịu sức ép sau hàng loạt những thông tin tác động tiêu cực lên giá các hợp đồng kỳ hạn. Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), chỉ số MXV-Index Kim loại đã giảm hơn 20% kể từ đầu tháng 4 tới nay. Đáng chú ý, trong cùng giai đoạn nêu trên, giá quặng sắt được liên thông với Sở Giao dịch Singapore (SGX) cũng đã lao dốc hơn 20%, xuống còn khoảng 110 USD/tấn.
Bài toán kiềm chế lạm phát tại những nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn đang là tâm điểm của các nhà đầu tư trong thời gian gần đây. Hàng loạt các Ngân hàng Trung ương lớn, dẫn đầu là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục có những động thái nâng lãi suất, thắt chặt tiền tệ nhằm bình ổn giá cả leo thang, nỗ lực đem lại sự cân bằng cho cán cân cung cầu của nền kinh tế. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi sự đánh đổi về mục tiêu tăng trưởng, khi các doanh nghiệp đối diện với chi phí vay cao hơn, khiến năng lực sản xuất bị giới hạn. Kéo theo đó là sự sụt giảm trong nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào. Với vai trò chủ lực cho lĩnh vực công nghiệp và đầu tư xây dựng, ngành sắt thép đang trực tiếp đối diện với thách thức không nhỏ.
Theo MXV, hơn 50% nhu cầu về sắt thép được sử dụng cho xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, lĩnh vực bất động sản, vốn là đòn bẩy cho sức bật tăng trưởng kinh tế đang gặp nhiều thách thức trước bóng đen suy thoái toàn cầu. Dữ liệu từ đầu năm đến nay cho thấy doanh số bán nhà và số giấy phép xây dựng tại Mỹ liên tục sụt giảm, gián tiếp ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ sắt thép và gây áp lực đến giá.
Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc vẫn đang ảnh hưởng tới cán cân cung cầu tại quốc gia tiêu thụ sắt thép lớn nhất thế giới này. Các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất sau khi Thượng Hải gỡ bỏ phong toả hồi cuối tháng 4 với hi vọng những kích thích của Chính phủ sẽ hỗ trợ kinh tế tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, các ca nhiễm mới tiếp tục xuất hiện, trong khi nhu cầu vẫn đang chịu tổn thương, đã khiến thị trường thép rơi vào trạng thái dư cung. Lợi nhuận biên của các doanh nghiệp sản xuất suy yếu và sản lượng do đó bị cắt giảm, trực tiếp khiến cho giá quặng sắt lao dốc trong những phiên giao dịch gần đây. Trong 2 tuần giữa tháng 6, giá quặng sắt SGX đã ghi nhận chuỗi 8 phiên giảm liên tiếp.
Việt Nam và sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu
Trong những năm gần đây, ngành sản xuất thép trong nước đang có những bước tiến rõ rệt và hạn chế sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Ngành thép Việt Nam cũng đã gặt hái được thành tựu to lớn khi lần đầu tiên trong lịch sử xuất siêu thép vào năm 2021 và xuất khẩu sang hơn 30 quốc gia trên toàn thế giới. Cụ thể, xuất khẩu thép xây dựng năm 2021 của nước ta đã tăng gấp 1,5 lần so với năm 2020, tương ứng với mức tăng khoảng 2,2 triệu tấn. Trong 4 tháng đầu năm nay, sản lượng thép tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 11,433 triệu tấn.
Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam |
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, ngành nguyên vật liệu xây dựng tại Việt Nam vẫn đang còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu thô nhập khẩu, điển hình nhất là quặng sắt, thép phế liệu, hay than mỡ luyện cốc. Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam - cho biết: “Nguồn cung quặng sắt trong nước chỉ đủ đáp ứng 30% nhu cầu tiêu thụ cho sản xuất thép nội địa, trong khi chi phí cho quặng sắt chiếm 20 - 30% giá vốn của thép thành phẩm. Những biến động của giá thế giới sẽ tác động rất nhiều tới ngành nguyên vật liệu xây dựng trong nước và do đó, trực tiếp ảnh hưởng tới hoạt động công nghiệp, đầu tư xây dựng”.
Theo Bộ Công Thương, trong năm 2022, Việt Nam tiếp tục phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép bao gồm khoảng 18 triệu tấn quặng sắt, 6,5 triệu tấn thép phế liệu và 6,5 triệu tấn than cốc luyện mỡ. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu được đặt trong muôn vàn thách thức từ căng thẳng địa chính trị, yếu tố dịch bệnh phức tạp hay lo ngại về tăng trưởng chậm lại, việc tăng cường tự chủ đối với ngành nguyên vật liệu xây dựng nói chung và sắt thép nói riêng tại Việt Nam trở thành yếu tố then chốt cho phát triển kinh tế xã hội.
Giá thép trong nước liên tục điều chỉnh giảm
Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng trở lại đây, giá thép trong nước đã có 6 lần điều chỉnh giảm với tổng mức giảm khoảng 2,5 triệu đồng/tấn, hiện đang dao động trong khoảng 16,6 - 17 triệu đồng/tấn do giá quặng sắt liên tục lao dốc. So với mức giá tăng vọt hồi đầu năm khiến cho hàng loạt các nhà thầu thi công phải trì hoãn các dự án và “gồng mình” vì chi phí, giá thép hạ nhiệt sẽ mang lại cơ hội đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng. Theo kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn 2022 - 2023 có tổng quy mô lên tới 347.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 4,2% GDP năm 2021. Trong đó có tới 16 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm tính đến cuối năm nay. Trong bối cảnh giá sắt thép bắt đầu hạ nhiệt, sẽ góp phần hỗ trợ cho hoạt động đầu tư xây dựng sau khoảng thời gian gián đoạn vì dịch bệnh.
Tuy nhiên, trái ngược với sắt thép, giá một số vật liệu xây dựng khác vẫn đang trên đà tăng mạnh. Điển hình là xi măng đã có 3 lần tăng giá kể từ đầu năm 2022 sau khi giá than đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái do nguồn cung thắt chặt. Giá cát bê tông cũng tăng lên hơn 20% so với hồi đầu tháng 6/2021. Các vật liệu xây dựng khác như gạch, đá cũng biến động tăng nhẹ so với năm trước. Những diễn biến trái chiều đối với giá vật liệu xây dựng vẫn sẽ tạo ra thách thức lớn trong tiến trình phục hồi tăng trưởng của nước ta.
Bên cạnh đó, áp lực suy thoái kinh tế không chỉ ảnh hưởng tới các nền kinh tế đầu tàu mà còn gây ra hiệu ứng domino đối với các quốc gia đang phát triển. Nhu cầu suy yếu trên thế giới sẽ khiến xuất khẩu sắt thép gặp nhiều áp lực, và điều này đòi hỏi chất lượng thép trong nước phải được chú trọng nâng cao. Muốn vậy, việc đầu tư cho dây chuyền công nghệ sản xuất cần phải được thúc đẩy, và chính điều này cũng sẽ là chìa khoá giải quyết cho bài toán tự chủ nguồn nguyên liệu thô và mang lại hiệu quả kinh tế to lớn cho ngành vật liệu xây dựng tại Việt Nam.