Thứ tư 27/11/2024 14:32

Gia Lai: Truyền lửa cho thế hệ trẻ giữ văn hóa cồng chiêng

Tại tỉnh Gia Lai, nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa xoang cho các bạn trẻ đã được mở để bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng.

Nỗ lực bảo tồn văn hoá truyền thống

Cũng như nhiều địa phương khác tại tỉnh Gia Lai, huyện Chư Păh luôn chú trọng nỗ lực bảo tồn và phát huy văn hoá các dân tộc trên địa bàn, đặc biệt giữ gìn văn hoá cồng chiêng.

Nghệ nhân Alíp dạy các bạn trẻ xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) học đánh cồng chiêng

Điển hình như tại xã Chư Đang Ya hiện có 5 làng đồng bào dân tộc thiểu số. Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Jrai, thời gian qua, xã Chư Đang Ya đã phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai và các Trung tâm đào tạo nghề mở các lớp truyền dạy cồng chiêng và múa xoang, thu hút đông đảo các bạn trẻ tham gia.

Trong những ngày diễn ra lớp truyền dạy cồng chiêng và múa xoang truyền thống, khuôn viên nhà văn hóa xã Chư Đang Ya nhộn nhịp, đông vui. Người đến để học, người đến để cổ vũ, động viên con em mình. Khi tiếng cồng chiêng vang lên thì tất cả hòa vào nhịp chiêng, lắc lư theo điệu xoang mời gọi.

Nghệ nhân Alíp cho hay, tôi cố gắng hướng dẫn và truyền dạy tất cả những gì mình biết về kỹ thuật đánh cồng chiêng, múa xoang cho lớp trẻ. “Đây là di sản cha ông để lại, tôi mong lớp trẻ sẽ đam mê với nghệ thuật truyền thống vì bây giờ ít người muốn học, người dạy cũng ít dần đi. Tôi sợ phong tục của dân tộc mình mất đi nên cứ ở đâu mở lớp, ai muốn học tôi đều đi đến để dạy.” – Nghệ nhân Alíp nói thêm.

Trước đây, việc học cồng chiêng của người dân xã Chư Đang Ya chủ yếu xem và nghe người già trong làng biểu diễn rồi bắt chước. Từ ngày chính quyền địa phương vận động tham gia học tập, người dân đã tiếp cận những kỹ năng cơ bản về diễn tấu cồng chiêng và những điệu múa xoang truyền thống như ru em, già làng kể chuyện, mừng nhà mới….

Anh Nới-Làng Wet, xã Chư Đang Ya, một trong những học viên có năng khiếu và đam mê cồng chiêng nhất trong lớp học đợt này. Anh Nới chia sẻ, sau khóa học, anh sẽ tiếp tục tham gia lớp trình diễn cồng chiêng chuyên sâu tại Trường Cao đẳng Gia Lai để có thể đứng lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ. “Bản thân tôi sẽ cố gắng học hỏi kinh nghiệm từ lớp cha ông để lại, nhất là học những bài đánh cồng chiêng, bài xoang có nguy cơ thất truyền, từ đó lưu lại để truyền đạt cho con em mình sau này”. - Anh Nới nói thêm.

Các học viên lớp học cồng chiêng, múa xoang xã Chư Đang Ya-huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai)

Ông Nguyễn Văn Nội - Chủ tịch UBND xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh cho biết, đến bây giờ kỹ năng đánh cồng chiêng của 5 làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã đã rất thuần thục và rất hay. Những đội cồng chiêng, múa xoang này sẽ là những hạt nhân phục vụ tại các lễ, tết, lễ hội được tổ chức trên địa bàn.

"Thắp lửa" tình yêu cồng chiêng cho giới trẻ

Khác với cách làm của mở các lớp dạy cồng chiêng và múa xoang, những người cao tuổi, già làng, nghệ nhân tâm huyết ở làng Kte-kchăng (xã Đak Song, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) lại chọn việc khơi dậy tình yêu, niềm đam mê đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ để những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc không bị mai một.

Theo đó, năm 2018, anh Đinh A Lênh và già Đinh Blin cùng với một vài nghệ nhân của làng bàn nhau về việc thành lập đội chiêng thanh-thiếu niên để khơi dậy tình yêu âm nhạc dân tộc trong lòng thế hệ trẻ. Đồng thời hi vọng các thành viên của đội chiêng nhí, sẽ đứng lên thay thế những người nghệ nhân lớn tuổi truyền dạy lại cho các thế hệ sau để lưu giữ văn hóa dân tộc.

“Những ngày đầu thành lập, đội chiêng nhí chỉ có 4 cháu đi học. Tuy số lượng rất ít nhưng chúng tôi vẫn mang chinh, chiêng ra để dạy cho chúng cách đếm nhịp, thẩm âm, cách đánh nhạc,… Cũng từ đó, người làng bắt đầu động viên con trẻ đi học nhiều, đến nay đội chiêng nhí đã có 16 cháu tham gia, hầu hết là các cháu học lớp 6-9. Đàn ông trong làng sẽ dạy các cháu nam đánh chiêng, còn đàn bà thì sẽ dạy cho các cháu nữ múa xoang” - Anh Đinh A Lênh cho biết.

Anh Đinh A Lênh-hướng dẫn các em nhỏ đánh chiêng

Nghe lời kêu gọi của những nghệ nhân trong làng tham gia học đánh chiêng, em Đinh Hoàng đến nay đã thành thạo trong việc đánh chiêng, gõ trống, em Đinh Hoàng chia sẻ, từ nhỏ em thấy các ông, các chú trong làng đánh chiêng trong những ngày lễ hội em thích lắm. Năm 2018, nghe các chú kêu gọi học đánh chiêng, em cũng xin bố mẹ để tham gia vào lớp này.

“Ban đầu học em thấy cũng khó, nhưng khi quen rồi thì đội chiêng chỉ cần nhìn nhau, nghe theo tiếng nhạc là vào nhịp rất dễ. Ngoài đánh chiêng ra em còn được các ông, các chú dạy đánh trống, khi đội chiêng đi biểu diễn thì em sẽ nhận nhiệm vụ này”. – Em Hoàng bộc bạch.

Được sự dìu dắt, dạy dỗ của những người tâm huyết với văn hóa cồng chiêng mà đến nay đội chiêng nhí của làng Kte-Kchăng đã thuộc và biết đánh rất nhiều bài chiêng quan trọng trong đời sống tinh thần của người Ba Na như lễ cúng mừng lúa mới, lễ bỏ mả… Cùng với đội chiêng lớn, đội chiêng nhí cũng tham gia vào rất nhiều hoạt động văn hóa cồng chiêng do huyện, tỉnh tổ chức.

Nói về mong muốn trong thời gian tới, anh Đinh A Lênh bộc bạch: Tôi mong muốn thời gian tới các nét văn hóa dân tộc như cồng chiêng, múa xoang, đan lát, dệt vải, tạc tượng… ngày càng phát triển hơn nữa. Bản thân tôi cũng luôn cố gắng tạo nên nguồn cảm hứng, lan tỏa đến các thế hệ trẻ trong làng cùng chung tay bảo tồn văn hóa dân tộc ngay tại chính mảnh đất mình sinh ra, để văn hóa người Ba Na luôn trường tồn với thời gian.

Phúc Lâm
Bài viết cùng chủ đề: tỉnh Gia Lai

Tin cùng chuyên mục

Thừa Thiên Huế: Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế là Di sản tư liệu thế giới

Thừa Thiên Huế: Công nhận Tri thức may, mặc áo dài Huế là di sản văn hoá phi vật thể

Di sản văn hoá: Định hình bản sắc, thúc đẩy phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên mới

Thị trường đồ trang trí Noel 2024: Đa dạng mẫu mã, không biến động giá

Cà Mau: Khai mạc Hội đua vỏ lãi tại thị trấn biển lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long

Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII: Lan tỏa giá trị tri thức trong đời sống

Triển lãm tranh cổ động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Cà Mau: Khánh thành công trình xây dựng Cụm Tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra Bắc 1954

Hội thảo '200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - Tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử'

Sắp diễn ra triển lãm tranh 'Tôi vẽ Hà Nội' và sự thăng hoa ngành công nghiệp văn hóa đương đại

Họa sĩ Quỳnh Thơm: Kết nối giá trị văn hóa truyền thống giữa dòng chảy đương đại

Sắp diễn ra Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Long An lần thứ 2 năm 2024

Hà Nội nên có thêm Phố “Hàng Phở” hoặc Phố “Phở Gánh”

Phú Thọ: Tu bổ di tích Đình Hội

Phát huy nguồn lực văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước

Ra mắt cuốn sách ‘Logistics - Hành trình khát vọng’

Khai mạc Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII

Tối nay (7/11): Khai mạc Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII

Quảng Nam: Kỷ niệm 120 năm ngày sinh nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Trác

Mãn nhãn với những tiết mục biểu diễn tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai, Gia Lai