Gia Lai: Lực lượng bảo vệ rừng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức
Thời gian qua, lực lượng bảo vệ rừng tại tỉnh Gia Lai liên tục xin nghỉ việc, việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý lao động của các đơn vị còn vấp phải nhiều khó khăn. Việc thiếu nhân lực và ngày càng có nhiều người bỏ việc được cho rằng liên quan tới lương, chế độ đãi ngộ hay nguồn lực, kinh phí đầu tư cho công tác bảo vệ rừng chưa thực sự xứng đáng.
Theo thống kê, Gia Lai là địa phương có diện tích rừng hơn 649.996 ha, trong đó rừng tự nhiên là 478.687 ha, rừng trồng hơn 156.422 ha và rừng trồng chưa thành rừng là 14.887 ha. Với số lượng diện tích rừng lớn như vậy, song lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của các đơn vị vẫn còn thiếu so với quy định.
Gia Lai là địa phương có diện tích rừng lớn của cả nước với hơn 649.996 ha rừng. Ảnh: Hiền Mai |
Tại Hội nghị tiếp xúc và đối thoại giữa Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai, diễn ra ngày 29/10, đại diện các đơn vị đã bày tỏ nhiều trăn trở, khó khăn trong công tác bảo vệ rừng.
Ông Nguyễn Văn Chín - Trưởng ban quản lý Rừng phòng hộ Hà Ra (huyện Mang Yang) - cho rằng, cần xác định quản lý bảo vệ rừng là nghề có tính đặc thù nặng nhọc, độc hại và rất nguy hiểm. Từ đó, cán bộ, viên chức làm công tác quản lý bảo vệ rừng được hưởng chính sách phụ cấp ưu đãi như đối với cán bộ, công chức kiểm lâm.
“Những người thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn, vất vả, không có ngày nghỉ hằng tuần, lễ, tết trọn vẹn. Họ phải thường trực 24/24 giờ, luôn phải đối mặt với hiểm nguy, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động có thể xảy ra bất cứ lúc nào vì phải đi lại tuần tra đêm tối, đèo dốc, trơn trượt. Lực lượng bảo vệ rừng thường xuyên phải làm việc ngoài trời, tiếp xúc với côn trùng và vi sinh vật gây bệnh. Mỗi khi chữa cháy hay ngăn chặn các đám cháy có nguy cơ cháy lan vào rừng, họ phải chịu đựng hơi nóng của lửa và khí độc CO2. Nhiều khi còn phải đối mặt với lâm tặc manh động, dễ bị các đối tượng hành hung, gây thương tích và làm thiệt hại tài sản của cá nhân và gia đình” - ông Chín chia sẻ.
Lực lượng bảo vệ rừng cho rằng, cần xác định quản lý bảo vệ rừng là nghề có tính đặc thù nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm. Ảnh: Hiền Mai |
Còn ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang đề nghị không áp dụng chỉ tiêu giảm biên chế đối với các Ban quản lý Rừng phòng hộ, đặc dụng. Cần áp dụng định suất biên chế lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng để có đủ nhân lực bố trí thường trực 24/24 giờ làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, ngay cả khi có người nghỉ ốm đau, thôi việc. Chỉ như vậy, mới có lực lượng đủ mạnh tham gia tuần tra bảo vệ rừng, truy quét lâm tặc ngăn ngừa tình trạng xâm hại đến tài nguyên rừng.
Bày tỏ trăn trở về việc tuyển dụng công chức kiểm lâm, viên chức bảo vệ rừng, ông Nguyễn Thái Lai - Phó Trưởng phòng Tổ chức, tuyên truyền và xây dựng lực lượng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai) - cho biết, áp lực và trách nhiệm của lực lượng bảo vệ rừng lớn trong khi thu nhập thấp, cơ chế chính sách chưa tương xứng so với đặc thù công việc dẫn đến không tuyển dụng đủ số biên chế công chức theo yêu cầu.
"Công việc giữ rừng, bảo vệ rừng trở nên khó khăn khi thiếu hụt nhân lực. Tại các hạt kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng, lực lượng chuyên môn đang phải làm việc gấp nhiều lần so với nhiệm vụ quy định" - ông Lai bày tỏ.
Áp lực và trách nhiệm của lực lượng bảo vệ rừng lớn trong khi thu nhập thấp, cơ chế chính sách chưa tương xứng so với đặc thù công việc. Ảnh: Hiền Mai |
Ông Nguyễn Đình Tiến - Giám đốc Sở Nội vụ, thông tin: Năm 2024, UBND tỉnh đã tuyển dụng 101 chỉ tiêu công chức, trong đó chuyên ngành Kiểm lâm là 32 chỉ tiêu. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã tiến hành làm việc với các ban quản lý để rà soát số lượng và nhu cầu để xây dựng kế hoạch tuyển dụng 48 chỉ tiêu đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng còn thiếu. Đối với các đơn vị công lập tự chủ, trên cơ sở đề án vị trí việc làm cần xác định số lượng người, công việc thực hiện để trình cấp có thầm quyển xem xét số lượng người còn thiếu để hợp đồng thực hiện các nhiệm vụ.
Liên quan tới vấn đề này, ông Hồ Văn Niên - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai - cho biết: "Cần có giải pháp khắc phục để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đề nghị các ngành tổng hợp, đề xuất. Các chính sách đặc thù phải đảm bảo đúng theo các quy định và phù hợp với những vấn đề thực tiễn của địa phương. Có như thế mới tăng cường được công tác quản lý bảo vệ rừng".