Giá heo hơi hôm nay 17/8: Ghi nhận mức cao nhất 71.000 đồng/kg
Giá heo hơi hôm nay tại khu vực miền Bắc đi ngang trên diện rộng và dao động trong khoảng 65.000 - 71.000 đồng/kg.
Theo đó, mức giá cao nhất khu vực hiện tại là 71.000 đồng/kg được ghi nhận tại Hưng Yên và thành phố Hà Nội. Thấp hơn một giá, hiện Bắc Giang, Thái Bình đang được thương lái thu mua ở mức 70.000 đồng/kg. Các địa phương Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang lần lượt ghi nhận mức giá heo hơi ở mức 69.000 đồng/kg, 68.000 đồng/kg và 68.000 đồng/kg. Mức giá thấp nhất khu vực 65.000 đồng/kg được ghi nhận tại Hà Nam. Các địa phương còn lại trong khu vực, giá heo hơi hôm nay dao động trong khoảng 66.000 – 67.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay 17/8: Ghi nhận mức cao nhất 71.000 đồng/kg |
Cùng chung xu hướng thị trường với khu vực miền Bắc, tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, giá heo hơi hôm nay đi ngang và dao động trong khoảng 58.000 - 67.000 đồng/kg. Trong đó, các địa phương gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi và Lâm Đồng hiện thu mua heo hơi với giá 66.000 đồng/kg. Cao hơn một giá, các địa phương gồm Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định và Khánh Hòa đang giao dịch tại mốc cao nhất khu vực là 67.000 đồng/kg. Đây cũng là mức giá cao nhất khu vực. Trong khi đó, Đắk Lắk tiếp tục thu mua heo hơi với giá 58.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực.
Tại khu vực miền Nam, giá heo hơi hôm nay tiếp tục tăng nhẹ ở một vài tỉnh thành và dao động trong khoảng 62.000 - 70.000 đồng/kg. Cụ thể, cùng tăng 2.000 đồng/kg, các địa phương Bến Tre và Cần Thơ được các thương lái thu mua lần lượt ở mức 65.000 đồng/kg và 66.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại không ghi nhận sự biến động về giá, trong đó, Bình Phước, Tây Ninh và Vũng Tàu đang thu mua heo hơi với giá 62.000 đồng/kg, không đổi so với hôm qua. Đây cũng là mức giá thấp nhất khu vực. Các địa phương gồm TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Kiên Giang, Đồng Nai và Long An duy trì giao dịch trong khoảng 63.000 - 64.000 đồng/kg. Cà Mau hiện là địa phương có mức giá heo hơi cao nhất khu vực 70.000 đồng/kg.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 7 tháng năm 2022, Việt Nam chi gần 2,7 tỷ USD để nhập khẩu một số mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính như ngô, đậu tương. Trong khi lượng nhập khẩu giảm thì trị giá nhập khẩu các mặt hàng này lần lượt ở mức tương đương và tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, khối lượng đậu tương nhập khẩu tháng 7/2022 ước đạt 250.000 tấn với trị giá đạt 189,4 triệu USD, đưa tổng khối lượng và trị giá nhập khẩu đậu tương 7 tháng năm 2022 đạt 1,3 triệu tấn và 893,6 triệu USD, tương đương về khối lượng và tăng 22,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Brazil, Mỹ và Canada là 3 thị trường cung cấp đậu tương chính cho Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 với 99,2% thị phần.
Với mặt hàng ngô, ước khối lượng nhập khẩu tháng 7/2022 đạt 500.000 tấn với trị giá đạt 191,7 triệu USD, đưa tổng khối lượng và trị giá nhập khẩu ngô 7 tháng năm 2022 đạt 5,1 triệu tấn và 1,8 tỷ USD, giảm 21,9% về khối lượng nhưng tương đương về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.