Giá gạo Việt Nam tăng lên mức cao trong hai tháng rưỡi qua
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên mức cao trong hai tháng rưỡi qua trong phiên ngày 30/9, trong bối cảnh nhu cầu trong nước tăng khiến chi phí thu mua tăng theo.
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại tỉnh An Giang. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN) |
Trong khi đó, mưa lớn ở các bang trồng lúa chính của Ấn Độ làm gia tăng lo ngại về tình hình mùa vụ tại nước này.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên khoảng 425-430 USD/tấn, mức cao nhất kể từ giữa tháng 7/2021, so với mức 415-420 USD/tấn trong tuần trước.
Các thương nhân cho biết nhu cầu trong nước đang tăng lên trong bối cảnh chính phủ thu mua gạo từ nông dân để tích trữ vào kho dự trữ quốc gia, dẫn đến mức giá gạo trong nước cao hơn. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu vẫn giảm.
Theo số liệu của chính phủ, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian từ tháng 1-9 đã giảm 9,5% so với cùng giai đoạn năm ngoái xuống 4,5 triệu tấn. Riêng xuất khẩu trong tháng 9/2021 được dự báo ở mức 530.000 tấn.
Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ giảm do đồng rupee yếu đi, bất chấp việc mưa lớn tại nước này làm gia tăng lo ngại về sản lượng lúa gạo.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ đã giảm xuống mức 358-363 USD/tấn so với mức 360-365 USD/tấn trong tuần trước.
Một nhà xuất khẩu tại Kakinada, bang Andhra Pradesh (Ấn Độ), cho biết mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày qua tại các bang phía đông và phía nam có thể làm ảnh hưởng đến vụ gieo mạ sớm của nước này.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được giao dịch ở mức 385-386 USD/tấn so với mức 380-386 USD/tấn trong tuần trước.
Các thương nhân cho biết nhu cầu đã cải thiện một chút nhưng chi phí vận chuyển đắt đỏ vẫn là một trở ngại cho xuất khẩu. Một thương nhân cho hay nhiều thương vụ đã bị đình trệ do chi phí vận chuyển quá cao.
Tại Bangladesh, giá gạo trong nước vẫn ở mức cao bất chấp sản lượng vụ Hè cao kỷ lục và khối lượng nhập khẩu gạo lớn.
Bangladesh, vốn là nhà sản xuất gạo lớn thứ ba thế giới, đã trở thành nhà nhập khẩu gạo lớn do nguồn dự trữ cạn kiệt và giá gạo trong nước tăng cao kỷ lục sau khi lũ lụt triền miên đã tàn phá vụ mùa trong năm 2020.