Giá gạo tăng nóng, cổ phiếu nhóm lương thực ra sao?Giá gạo tăng từng giờ: Doanh nghiệp không đầu cơ, găm hàng |
Trong khi một số tỉnh, thành trên cả nước giá gạo có biến động mạnh thì tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh giá gạo không tăng đột biến.
Sáng 13/8, theo ghi nhận của phóng viên tại các chợ dân sinh trên địa bàn TP.Vinh (Nghệ An) cho thấy giá gạo có biến động nhẹ và không ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung.
Theo đó, các tiểu thương ở chợ dân sinh ở TP. Vinh cho biết, bình thường mua gạo Khang Dân chỉ 10.500- 11.000 đồng/kg, nhưng hiện tăng lên 12.500 đồng/kg; gạo 504 tăng từ 13.000 đồng/kg lên 14.500 đồng/kg… Theo các tiểu thương này dự báo, giá gạo sẽ còn tăng nhưng vẫn ở trong mức “chịu được” của người dân.
Giá gạo trên địa bàn Nghệ An có tăng nhưng không cao |
Bà Nguyễn Thị Kiều chủ cửa hàng bán gạo ở chợ Vinh cho biết tuần qua giá gạo đã có biến động nhẹ. Theo bà Kiều nhiều loại gạo ngon giá không tăng nhiều, trong khi gạo thường giá có tăng cao. “Do giá lúa gạo tăng nên giá nhập về cũng tăng từ 22.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg. Sau khi tính các khoản chi phí, hiện tại tôi bán lẻ với giá 30.000 đồng/kg. Hiện tại giá gạo ST25 bán lẻ đã xấp xỉ 40.000 đồng/kg”- bà Kiều nói.
Trong khi đó, nhiều ngày qua bà Hồ Thị Hương, cửa hàng bán gạo tại chợ Vườn Ươm TP. Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, giá gạo tại địa phương này cũng có nhích lên. Theo bà Hương giá lúa Thái Xuyên 111, TBR225 mua vào 8.000 đồng/kg thì hiện đã tăng lên 8.500 đồng/kg; nếp các loại bình quân 8.000- 8.200 đồng/kg. Vì vậy giá gạo cũng nhích lên nhưng không cao.
Đại diện Công ty lương thực Thanh Nghệ Tĩnh cho biết vẫn đảm bảo nguồn cung lúa gạo tại thị trường Nghệ An và các tỉnh lân cận. "Kế hoạch thu mua, dự trữ và cung ứng phục vụ thị trường trong mọi tình huống vẫn được công ty triển khai bình thường"- đại diện công ty này nói thêm.
Mỗi năm Nghệ An có sản lượng lúa đạt trên 1,1 triệu tấn |
Trao đổi với Phóng viên Báo Công Thương ngày 13/8, ông Cao Minh Tú - Phó giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho biết, giá gạo những ngày qua có biến động trên cả nước là do thị trường xuất khẩu, nhất là các tỉnh phía Nam. Trong khi đó, tại Nghệ An gạo chủ yếu tiêu thụ nội địa, xuất khẩu không nhiều nên giá có biến động nhưng không tăng cao bất thường.
Theo ông Cao Minh Tú, trước những biến động về giá gạo, để đảm bảo ổn định thị trường gạo trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Sở Công Thương đã đề nghị các doanh nghiệp đầu mối cung ứng đảm bảo giữa xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng nội địa, duy trì mức dự trữ và lưu thông đúng quy định.
Trong khi đó, đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh cũng đề nghị tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, các hệ thống đại lý, cửa hàng và mạng lưới phân phối, điểm bán bình ổn thị trường và chấp hành đầy đủ quy định về trưng bày hàng hoá bán theo đúng giá quy định.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nghệ An hiện trên địa bàn có trên 91.000 ha lúa xuân và khoảng 81.000 ha lúa hè thu. Mỗi năm Nghệ An có sản lượng lúa đạt trên 1,1 triệu tấn. Trong đó, phục vụ nhu cầu lương thực trong dân chỉ chiếm khoảng 1/3, số còn lại được bà con bán cho các doanh nghiệp, thương lái thu mua và bán lẻ. Giá lúa gạo tăng những ngày qua trước hết đã đem lại lợi ích cho nông dân, một số hộ vẫn đang găm giữ lúa hy vọng giá tiếp tục tăng. Dự báo mức tăng giá lúa gạo từ nay đến cuối năm vẫn duy trì sẽ là tín hiệu vui với nông dân Nghệ An khi bước vào thu hoạch lúa vụ mùa sắp tới. |