Trước đó, hôm 22/3, Fed thông báo nâng lãi suất tham chiếu thêm 25 điểm cơ bản (0,25%). Đây là lần nâng lãi thứ 9 liên tiếp của cơ quan này, bất chấp các biến động gần đây trong hệ thống ngân hàng toàn cầu. Chủ tịch Fed - Jerome Powell thậm chí ám chỉ Fed có thể tiếp tục nâng lãi và đưa mức trần lên cao hơn dự kiến nếu cần thiết. Ngay trong họp báo sau đó, người đứng đầu Fed cho rằng giới chức không có dự định giảm lãi năm nay.
Giới phân tích nhận định, quan chức Fed đang tham gia một ván cược đầy rủi ro, rằng dù biến động gần đây trong ngành ngân hàng có thể làm chậm lại nền kinh tế nhưng không thể xảy ra khủng hoảng tài chính quy mô lớn. Fed cho rằng, khác với năm 2007, việc nâng cao tiêu chuẩn về thanh khoản, vốn, cùng các biện pháp hỗ trợ ngân hàng mạnh tay thời gian qua, sẽ khoanh vùng được vấn đề hiện tại.
Theo CNN, sự hỗn loạn của thị trường ngân hàng 2 tuần gần đây khiến sự lo ngại Fed sẽ không chỉ đẩy nền kinh tế vào suy thoái, mà còn khiến thêm nhiều nhà băng sụp đổ. Tuy nhiên, quyết định hôm 22/3 của Fed đã gửi đi thông điệp rõ ràng rằng ổn định giá cả vẫn là ưu tiên hàng đầu. Quan chức Fed dự báo lãi suất vào khoảng 5,1% cuối năm nay, đồng nghĩa tăng thêm một lần với mức 25 điểm cơ bản nữa.
Tình hình hiện tại cho thấy, họ không nhất thiết phải làm điều này để hạ nhiệt nền kinh tế. GDP thực của Mỹ ước tính tăng 0,4% năm nay, giảm so với dự báo trước đó là 0,5%. Tỷ lệ thất nghiệp cuối năm sẽ vào khoảng 4,5%, tăng so với 3,6% tháng trước.
Nhận định về giá vàng trong tương lai, các chuyên gia cho rằng, các nhà đầu tư bán lẻ sẽ chuyển sang mua vàng trong bối cảnh lạm phát cao và chứng khoán suy yếu.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, Mỹ có thể rơi vào suy thoái vào đầu năm 2024 và giá vàng sẽ trở lại mức cao nhất kể từ năm 2020 vào cuối năm nay. Vàng dự kiến sẽ dần hướng tới phạm vi 2.055 - 2.075 USD/ounce - vùng kháng cự quan trọng.