EPU: Nâng cao hiệu quả hợp tác doanh nghiệp và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp
Hội nghị “Kết nối giải đáp thách thức phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” và Tọa đàm “Giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Trường Đại học Điện lực (EPU) và Doanh nghiệp” có sự tham dự của TS Đàm Quang Thắng - Chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệm đổi mới sáng tạo Quốc gia; đại diện Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ); PGS.TS Vũ Đình Ngọ- Chủ tịch Hội đồng trường EPU, PGS. TS Nguyễn Lê Cường- Phó Hiệu trưởng EPU, cùng đại diện lãnh đạo một số cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công Thương: Đại học Sao Đỏ, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Công nghiệp Việt - Hung... cùng các chuyên gia, cùng hơn 80 doanh nghiệp và cán bộ, giảng viên, sinh viên của Trường Đại học Điện lực.
Các đại biểu tham dự hội nghị |
Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS Vũ Đình Ngọ - Chủ tịch Hội đồng Trường EPU cho biết: Trường Đại học Điện lựcvinh dự được Bộ Khoa học và Công nghệ giao là tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ Đề án 844 “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Hoạt động này đã và đang góp phần đẩy mạnh sự hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp với mong muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước thông qua các hoạt động khích lệ, ươm tạo, khởi nghiệp, phát triển những công trình nghiên cứu khoa học thành sản phẩm thương mại hóa, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa.
“Điều đó cho thấy sự chủ động kết nối nền tảng trực tuyến hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Trường Đại học Điện lực với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, góp phần cung cấp, kết nối nguồn lực của hệ sinh thái; cung cấp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”- PGS.TS Vũ Đình Ngọ cho hay.
PGS.TS Vũ Đình Ngọ phát biểu tại hội nghị |
Trong những năm qua, phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ. Số lượng các startup tăng lên đáng kể, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ, y tế, giáo dục và nông nghiệp thông minh…. Những ý tưởng sáng tạo, đột phá đã và đang được ươm mầm, phát triển, góp phần không nhỏ vào sự đổi mới của nền kinh tế đất nước.
Phát biểu tại hội nghị, TS Đàm Quang Thắng, khi nhận nhiệm vụ của Đề án 844, nhà trường chưa có kinh nghiệm và chưa có nguồn lực mạnh để thực hiện, tuy nhiên với đội ngũ lãnh đạo Nhà trường tâm huyết, quyết tâm xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của nhà trường. Tinh thần lãnh đạo có kiên quyết và quyết tâm thì mới có thể thành công và tôi tin rằng EPU sẽ xây dựng thành công hệ sinh thái đổi mới của nhà trường gắn với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Quốc gia.
TS Đàm Quang Thắng phát biểu tại sự kiện |
Tuy nhiên, theo PGS.TS Vũ Đình Ngọ, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, do đó sự kiện là cơ hội để các bên cùng nhau trao đổi, lắng nghe những ý kiến đóng góp từ nhiều phía; từ đó tìm ra những giải pháp thiết thực và hiệu quả nhất để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Trường Đại học Điện lực luôn xác định rõ hợp tác giữa Nhà trường và doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Gắn kết đào tạo giữa Nhà trường và doanh nghiệp là yêu cầu khách quan, là xu hướng tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội, thực hiện định hướng mang tính thực tiễn của các chương trình đào tạo tại trường Đại học Điện lực và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Hội nghị với sự tham dự của hơn 80 doanh nghiệp cùng đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên EPU |
Với phương châm: “Nhà trường đào tạo cái xã hội cần mà không phải đào tạo cái Nhà trường có”, trong những năm qua, hoạt động hợp tác giữa EPU và doanh nghiệp là một trong những hoạt động quan trọng được Nhà trường quan tâm và đẩy mạnh. Hoạt động hợp tác doanh nghiệp được triển khai thực hiện một cách chặt chẽ, thường xuyên, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm.
Tọa đàm là cơ hội để EPU cùng các đối tác chia sẻ kinh nghiệm, lắng nghe những ý kiến đóng góp từ nhiều phía để tìm ra các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác giữa EPU và doanh nghiệp. Từ đó, cải thiện chất lượng đào tạo, nâng cao khả năng thích ứng của sinh viên với thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của doanh nghiệp.
Tại Tọa đàm, hai bên đã xác định được những cơ hội và phương thức hợp tác thông qua các hoạt động thực tập, nghiên cứu ứng dụng cũng như phát triển các chương trình đào tạo. Đồng thời, thảo luận về những khó khăn và thách thức hiện hữu, từ đó đề xuất các giải pháp để khắc phục; định hướng việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong thời kỳ kinh tế số...