Đường dây nóng 1900888655 của Tổng cục QLTT sẵn sàng nhận các cuộc gọi tố cáo lợi dụng đại dịch để trục lợi
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, ngày 1/2, Việt Nam đã ghi nhận thêm 1 trường hợp dương tính với chủng mới của virus Corona, nâng số người nhiễm loại virus nCoV này ở Việt Nam lên 6 người, trong đó có 4 người Việt Nam. Sợ bị lây lan, người dân đổ xô đi mua các loại khẩu trang y tế, dung dịch sát khẩn, khiến cho các cửa hàng kinh doanh thuốc, thiết bị y tế lúc nào cũng quá tải người dân tới hỏi mua. Nhiều cửa hàng thuốc đã đẩy giá lên theo từng khung giờ. Mặt hàng khẩu trang, dung dịch sát khẩn trong các kho được mang ra tiêu thụ một cách nhanh chóng, thậm chí nhiều nơi còn thông báo “cháy hàng”.
Lực lượng QLTT kiểm tra, xử lý tại địa điểm kinh doanh không thực hiện niêm yết giá và bán giá cao hơn bình thường (Ảnh: Cục QLTT Lạng Sơn) |
Trước tình hình trên, ngày 31/1/2020, Tổng cục QLTT đã hỏa tốc chỉ đạo bằng Công văn số 149/TCQLTT-CNV yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường phòng chống dịch nCoV, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa là trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh của virus Corona. Đồng thời, phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh của virus corona để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả là hàng hóa dùng để phòng, chữa bệnh. Trường hợp nếu phát hiện các hành vi nói trên có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật.
Sau khi nhận được chỉ đạo từ Tổng cục QLTT, Cục QLTT các tỉnh, thành phố đã nhanh chóng vào cuộc kiểm tra. Điển hình, ngay sáng 31/1/2020, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Nội) đã kiểm tra 6 cơ sở kinh doanh mặt hàng khẩu trang y tế tại trung tâm phân phối dược phẩm và trang thiết bị y tế HAPU- số 01 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Qua kiểm tra, Đội QLTT số 1 phát hiện hầu hết các cơ sở kinh doanh không niêm yết giá. Bước đầu có dấu hiệu găm giữ hàng hóa.
Cũng trong tối và đêm ngày 31/1, Đội QLTT số 1 bất ngờ kiểm tra 2 cơ sở kinh doanh thiết bị y tế tại phường Ngọc Khánh. Tại thời điểm kiểm tra, các cơ sở kinh doanh mặt hàng khẩu trang cao hơn từ 5 – 7 lần so với ngày thường.
Tại Lạng Sơn, ngay chiều 31/1, lãnh đạo Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn cũng trực tiếp chỉ đạo Đội QLTT số 1 (phụ trách địa bàn thành phố Lạng Sơn) đồng loạt ra quân tuyên truyền, kiểm tra, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc, vật tư y tế chú trọng đến mặt hàng khẩu trang y tế liên quan đến phòng, chống dịch bệnh của virus Corona. Theo đó, đơn vị đã thực hiện kiểm tra, rà soát, tuyên truyền tại các cửa hàng thuộc tuyến đường Trần Đăng Ninh, Lê Lai, Bà Triệu. Kết quả, đơn vị đã phát hiện và xử lý 02 cơ sở không thực hiện niêm yết giá bán khẩu trang và bán khẩu trang với mức giá từ 200.000 đồng đến 250.000 đồng (cao hơn khoảng 200-300% so với thông thường – bán với mức giá 50.000 -70.000 đồng/hộp).
Đội QLTT số 3 (huyện Trảng Bom và Thống Nhất) thuộc Cục QLTT Đồng Nai cũng vừa kiểm tra, xử lý 3 nhà thuốc trên địa bàn vi phạm niêm yết và găm hàng, đẩy giá đối với mặt hàng khẩu trang y tế. Đội QLTT số 2 (TP. Tuy Hòa, huyện Phú Hòa) thuộc Cục QLTT Phú Yên tiến hành kiểm tra 6 điểm kinh doanh lớn của TP. Tuy Hòa, không phát hiện trường hợp găm hàng, đầu cơ để trục lợi, nhưng giá bán mặt hàng khẩu trang đã tăng đột biến. Đại diện đoàn kiểm tra đã nhắc nhở cơ sở kinh doanh thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Đồng thời các cơ sở kinh doanh cũng chấp hành ký cam kết không găm hàng, đầu cơ tích trữ, đảm bảo quyền lợi người mua hàng đối với các mặt hàng khẩu trang y tế, sản phẩm sát khuẩn tay chân miệng trong thời gian khởi phát dịch bệnh.
Tại Quảng Ninh, Cục QLTT Quảng Ninh cũng chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường công tác phối hợp phòng, chống đối với dịch bệnh tại địa bàn và khẳng định, đây là nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh việc phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm bán không đúng giá niêm yết của các cơ sở kinh doanh y tế, thiết bị y tế, đồng thời yêu cầu ký cam kết bán đúng giá, lực lượng QLTT còn vận động các doanh nghiệp phát khẩu trang miễn phí cho người dân trên địa bàn.
Trong buổi sáng ngày 1/2/2020, 10.000 khẩu trang và 3.000 gel rửa tay miễn phí đã được QLTT Hà Tĩnh và các doanh nghiệp phát ra (Ảnh: Cục QLTT Hà Tĩnh) |
Lực lượng QLTT Hà Tĩnh tham gia cùng doanh nghiệp phát khẩu trang miễn phí cho người dân trên địa bàn (Ảnh: Cục QLTT Hà Tĩnh) |
Sáng ngày 1/2/2020, lực lượng QLTT tỉnh Hà Tĩnh đã cùng 10 doanh nghiệp trên địa bàn phát ra gần 10.000 khẩu trang và 3.000 gel rửa tay cho người dân. Ông Nguyễn Thừa Đoàn – Phó Cục trưởng Cục QLTT – cho biết, ngoài việc tổng kiểm tra, chúng tôi muốn vận động các doanh nghiệp dành một phần để phát miễn phí cho người dân. Để những người chưa mua được sẽ có ít nhất 01 cái sử dụng. Điều đó cũng thể hiện được tinh thần tương thân tương ái, một miếng lúc đói bằng cả gói lúc no; nghiêm cấm các hành vi lợi dụng tình trạng thiên tai, dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, nâng giá, ép giá nhằm trục lợi, gây rối loạn thị trường và tạo tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng.
Cục QLTT Đà Nẵng trong sáng ngày 1/2 cũng triển khai toàn lực lượng tiến hành tuyên truyền, ký cam kết đối với các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa là sản phẩm thiết bị vật tư y tế, sản phẩm bảo vệ sức khỏe dùng cho việc phòng bệnh trong đó chủ yếu là khẩu trang, nước sát trùng và găng tay y tế phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về Giá, cụ thể: Thực hiện việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết; Không tăng hoặc giảm giá hàng hóa bất hợp lý; Không đưa tin thất thiệt về thị trường, giá cả hàng hóa; Không gian lận về giá; Không lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa bất hợp lý.
Theo kế hoạch, cơ quan QLTT sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động ký cam kết chấp hành pháp luật và kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở kinh doanh hàng hóa liên quan đến các mặt hành phòng chống dịch bệnh của virus Corona.
Mọi thông tin về hành vi vi phạm cung cấp theo số điện thoại đường dây nóng của Tổng Cục Quản lý thị trường 1900.888.655.