Thứ ba 26/11/2024 14:33

Đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế

Trong năm 2021, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Ngày 6/1/2021, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021. Hội nghị là dịp để đánh giá các kết quả đã đạt được trong năm 2020, cũng như trao đổi, thảo luận, đưa ra các giải pháp triển khai hiệu quả nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao năm 2021.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao những đóng góp to lớn của ngành Khoa học và Công nghệ vào thành tựu chung của phát triển kinh tế - xã hội đất nước

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nêu bối cảnh năm 2020, toàn thế giới gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, suy thoái kinh tế chung. Trong bối cảnh đó Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thực hiện “mục tiêu kép” mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Vừa quyết liệt phòng, chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân.

Trong thành công này, khoa học và công nghệ có những đóng góp quan trọng khi kinh tế Việt Nam tăng trưởng dương 2,91%, là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Năng suất lao động được cải thiện, bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (4,3%/năm) và vượt mục tiêu đề ra (5%/năm).

Đưa ra dẫn chứng cụ thể, ông Lê Xuân Định - Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ - cho biết: Trong lĩnh vực nông nghiệp, khoa học và công nghệ đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Các chương trình sản phẩm quốc gia, chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen... được triển khai hiệu quả, góp phần duy trì xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực trong đại dịch Covid-19.

Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trang trại tiên tiến đã và đang làm chủ được quy trình công nghệ, giảm giá thành sản phẩm, nhân rộng các quy trình công nghệ chuyển giao cho người sản xuất ở tất cả các lĩnh vực trên các đối tượng cây con chủ lực, tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả kinh tế từ 15-30%, thúc đẩy sản xuất sản phẩm ở quy mô công nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội nghị

Trong lĩnh vực công nghiệp, đã chế tạo thành công nhiều thiết bị, dây chuyền sản xuất, chủng loại vật liệu mới phục vụ phát triển ngành cơ khí chế tạo, năng lượng, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp… Ở lĩnh vực y dược, các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công quy trình ghép chi thể từ người cho chết não, ghép ruột từ người cho sống, phẫu thuật tách cặp trẻ bị dính liền cơ thể.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Bộ Khoa học và Công nghệ đã huy động các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp triển khai các nhiệm vụ cấp bách với nhiều kết quả quan trọng như: Phân lập, nuôi cấy thành công virus; làm chủ công nghệ sản xuất bộ KIT phát hiện SARS-CoV-2 đạt tiêu chuẩn quốc tế; sản xuất vaccine phòng Covid-19 bằng công nghệ protein tái tổ hợp và thuốc kháng thể đơn dòng điều trị đặc hiệu Covid-19, trong đó vaccine Nanocovax đang thử nghiệm lâm sàng trên người tình nguyện…

“Trong năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp với mục tiêu đưa khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia” - Thứ trưởng Lê Xuân Định khẳng định, đồng thời chia sẻ, trong năm 2020, hệ thống pháp luật tiếp tục được hoàn thiện, tư duy quản lý khoa học và công nghệ đổi mới mạnh mẽ theo hướng phục vụ trực tiếp tăng trưởng kinh tế, phù hợp tình hình phát triển của đất nước và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Những đổi mới tích cực nhất tập trung vào hoàn thiện đầu tư và cơ chế tài chính, huy động nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ; hoàn thiện chính sách thu hút, sử dụng, trọng dụng cán bộ, đặc biệt là nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam; cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…

Đáng chú ý, năm 2020, Việt Nam tiếp tục giữ vững thứ hạng 42/131 quốc gia, vùng lãnh thổ về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu và tiếp tục được xem là hình mẫu của các nước đang phát triển khác trong việc thiết lập đổi mới sáng tạo như một ưu tiên quốc gia. Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) thường xuyên được rà soát, sửa đổi, bổ sung, cập nhật cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn và mức độ hài hòa với tiêu chuẩn hóa quốc tế (đến nay đã có 12.800 TCVN, tỷ lệ hài hòa trên 60%). Đồng thời, đã xử lý 68.971 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 8,3% so với năm 2019); cấp văn bằng bảo hộ cho 47.168 đối tượng sở hữu công nghiệp (tăng 15,6% so với năm 2019).

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao và ghi nhận sự chuyển biến trong hoạt động của Bộ Khoa học và Công nghệ, đã nhanh nhạy, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất (vaccine, kit thử phòng chống dịch...). Đồng thời, đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được trong giai đoạn trước để thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới sáng tạo; tập trung nghiên cứu, đề xuất cơ chế vượt trội, tháo những điểm ách tắc và minh bạch hơn nữa trong cơ chế tài chính…

Trong năm 2021, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau: Triển khai các chương trình, đề án trọng tâm của Chính phủ; tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ nghiên cứu phục vụ sản xuất và đời sống, đặc biệt là nghiên cứu sản xuất vaccine phục vụ công tác phòng, chống đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp trích lập và sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ để thúc đẩy mạnh việc đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ của doanh nghiệp, thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển, viện nghiên cứu, doanh nghiệp khoa học công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; thúc đẩy phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia và sự gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp và doanh nghiệp...

Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Bộ Khoa học và Công nghệ

Tin cùng chuyên mục

Dàn SUV châu Âu hạng sang cập bến thị trường Việt Nam dịp cuối năm 2024

EU và Trung Quốc tiến gần đến thỏa thuận xóa bỏ thuế quan đối với ô tô điện

Mẫu bán tải bán chạy tại Đông Nam Á cập nhật động cơ hybrid

Lượng ô tô nhập khẩu trong nửa đầu tháng 11 tăng mạnh

Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2024 diễn ra tại Hải Phòng

Cận cảnh 'cá voi bay' gây chú ý khi xuất hiện ở sân bay Nội Bài

Lô xe Omoda C5 chính thức cập cảng, sẵn sàng bàn giao cho khách hàng Việt

Vì sao xăng sinh học RON 92 E5 vẫn gặp thách thức tại thị trường Việt Nam?

Giám sát chương trình triệu hồi gần 2.700 xe Honda CR-V e:HEV RS để thay thế bơm nhiên liệu cao áp

ICT Competition 2024 - 2025 chính thức khởi động, nhiều cơ hội học tập cho sinh viên công nghệ

VinBigdata vào top 10 thế giới về công nghệ nhận diện khuôn mặt

Volvo Cars chính thức ra mắt mẫu xe thuần điện đầu tiên tại Việt Nam

40 năm ra đời APC UPS: Dấu son trên hành trình đổi mới sáng tạo bền vững

VinFast VF 3 tạo trào lưu cá nhân hoá xe mini tại Việt Nam như thế nào?

MSB hợp tác cùng Backbase, SmartOSC triển khai nền tảng ngân hàng tương tác

Khi cuộc đua ứng dụng AI tăng tốc, nhân tài là yếu tố tạo nên sự khác biệt

Năm 2030, lợi ích từ trí tuệ nhân tạo cho doanh nghiệp đạt 79,3 tỷ USD

Nguy cơ an ninh mạng vẫn là 'thảm hoạ' với sự tồn tại của doanh nghiệp

Hơn 49.000 xe Toyota bán ra thị trường trong 10 tháng qua

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần 19.500 máy bay mới