Dự thảo Nghị quyết PERU/RWANDA: Việt Nam sẵn sàng đàm phán
Là đối tác quốc tế, hỗ trợ Việt Nam xây dựng các nội dung phục vụ cho công tác đàm phán, thời gian qua Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) đã có nhiều hoạt động cụ thể. Ông Phạm Mạnh Hoài - Quản lý Chương trình Đối tác và Chính sách Nhựa của WWF-Việt Nam - cho biết: WWF đang hỗ trợ phía Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện các nghiên cứu rà soát các chính sách trong nước về quản lý, giảm thiểu ô nhiễm nhựa và đánh giá khả năng hội nhập của các chính sách hiện hành cấp quốc gia với các quy định tiềm năng sẽ được xây dựng trong thỏa thuận toàn cầu.
Xử lý rác thải nhựa - trách nhiệm không của riêng ai |
Theo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài Nguyên và Môi trường), năm 2021, tổng cục đã chủ động tham gia các hoạt động, cuộc họp trong khuôn khổ Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc. Tổng cục đã cùng các đơn vị đồng cấp của 3 nước: Đức, Ecuador và Ghana trao đổi kế hoạch đồng tổ chức Hội nghị Bộ trưởng về Rác thải đại dương và ô nhiễm nhựa nhằm góp phần xây dựng một thỏa thuận toàn cầu đã diễn ra vào tháng 9/2021.
Đến nay, về cơ bản, hồ sơ Đề án trình Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thành. Trên quan điểm quán triệt chủ trương, đường lối và định hướng về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; nhất quán đường lối đối ngoại; bảo đảm quyền và lợi ích của Việt Nam; tuân thủ các cam kết quốc tế; thực hiện các chiến lược quản lý chuỗi giá trị nhựa và quản lý rác thải nhựa đại dương. Theo đó, mục tiêu của Đề án nhằm, chuẩn bị và tham gia đàm phán, tiến tới phê duyệt bởi cấp có thẩm quyền; nâng cao năng lực cán bộ; thúc đẩy hoạt động đàm phán; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tranh thủ tối đa sự ủng hộ trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, cũng theo ông Phạm Mạnh Hoài, một số công tác Việt Nam cần sớm được triển khai như: Đồng đệ trình Dự thảo Nghị quyết UNEA 5.2, do Peru, Rwanda và EU khởi xướng về việc thành lập Ủy ban đàm phán liên chính phủ, đảm bảo nhiệm vụ đàm phán được ban hành sẽ mở đường cho các thảo luận với tham vọng cao, cần thiết để giải quyết các vấn đề theo toàn vòng đời của nhựa. Việt Nam cũng cần gửi thông báo xác nhận chính thức tới Peru, Rwanda và EU để hoàn thiện công tác đồng đệ trình.
“Việt Nam cũng cần nghiên cứu các tiêu chí đánh giá hiệu quả của một Hiệp ước toàn cầu về nhựa, đảm bảo định hướng Việt Nam đóng góp vào một thỏa thuận toàn cầu mang tính ràng buộc pháp lý có tác động thực sự, giải quyết hữu hiệu các vấn đề, thách thức của Việt Nam và thế giới trong quản lý rác thải đại dương và ô nhiễm nhựa. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần cân nhắc nguyện vọng, triển vọng, và đề xuất chủ trì một trong các phiên đàm phán hoặc các diễn đàn liên quan tại Việt Nam”- ông Phạm Mạnh Hoài khuyến cáo.
Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương nhằm thiết lập năng lực đàm phán, các cơ sở dữ liệu cần thiết, và cơ chế điều phối các bên liên quan trong quá trình Việt Nam đàm phán tham gia hiệp ước toàn cầu cấp Liên hợp quốc. |