Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi)
Bộ Tài chính cho biết, Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán số 62/2010/QH12 cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành đã tạo khung khổ pháp lý cao nhất, tương đối đầy đủ, đồng bộ, thống nhất điều chỉnh toàn diện hoạt động chứng khoán và TTCK. Trong những năm qua, TTCK đã phát triển nhanh và tương đối ổn định, góp phần phát triển kinh tế của đất nước.
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, thực tiễn thi hành Luật Chứng khoán đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, thể hiện ở một số điểm sau đây: Nội dung một số điều khoản của Luật chưa đủ rõ ràng và cụ thể dẫn đến cách hiểu khác nhau và gây khó khăn trong áp dụng, một số điều khoản của Luật chưa hợp lý hoặc không còn phù hợp với thực tiễn…
Cụ thể, về công ty đại chúng, Luật Chứng khoán hiện hành có quy định về công ty đại chúng, tuy nhiên quy mô vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên là tương đối thấp so với các doanh nghiệp hiện nay. Theo thống kê trong vòng 10 năm từ năm 2005 đến 2015, nguồn vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp nói chung đã tăng 16,35 lần. Công ty đại chúng với quy mô nhỏ thường không đủ năng lực để đáp ứng các yêu cầu cao về quản trị công ty, công bố thông tin, kiểm toán…
Do vậy, theo Bộ Tài chính, việc ban hành Luật Chứng khoán (sửa đổi) là cần thiết vì những lý do sau: Khắc phục những tồn tại, hạn chế sau hơn 10 năm thi hành Luật Chứng khoán và bảo đảm thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan, đặc biệt Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư.
Đồng thời, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính nhà nước, trong đó có cải cách thể chế là một nội dung quan trọng, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi minh bạch.
Nội dung cơ bản của dự thảo Luật
Về chào bán chứng khoán ra công chúng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng như sau: Sửa đổi tách bạch điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng và điều kiện chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng cho phù hợp, đồng thời sửa đổi theo hướng chặt chẽ hơn.
Đối với chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng: Nâng điều kiện về vốn điều lệ đã góp của tổ chức phát hành tại thời điểm đăng ký chào bán là từ 30 tỷ đồng trở lên (quy định tại Luật hiện hành là 10 tỷ đồng); hoạt động kinh doanh của 2 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi (quy định hiện hành là 1 năm liền trước)…
Đối với chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng: Luật hóa điều kiện bao gồm: về mức vốn điều lệ, kết quả hoạt động kinh doanh của tổ chức phát hành, phương án phát hành, quy mô, tần suất phát hành…
Về công ty đại chúng: Nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm quy mô và tính đại chúng của công ty, từ đó cải thiện chất lượng hàng hóa trên TTCK, dự thảo Luật nâng điều kiện công ty đại chúng về vốn điều lệ (Có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng - Luật hiện hành là từ 10 tỷ đồng trở lên) và sửa đổi, bổ sung điều kiện về số lượng, cơ cấu cổ đông (có tối thiểu 20% vốn điều lệ đã góp do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông sở hữu từ 1% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết nắm giữ). Quy định này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế…