Đủ chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng
Đủ chiêu trò
Đã có nhiều cảnh báo từ các đơn vị, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương về nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng tình hình dịch lừa đảo người dân với nhiều chiêu trò khác nhau, đặc biệt trong thời điểm đỉnh dịch từ giữa năm đến cuối năm 2021.
Điển hình cảnh báo từ Công an tỉnh Nghệ An về việc cảnh báo một số phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Với các thủ đoạn chính là giả danh người có chức vụ, quyền hạn để lừa đảo, nhất là giả danh cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án...
Nhóm tội phạm lừa đảo công nghệ cao bằng hình thức bán số lô đề ở Nghệ An. Ảnh tư liệu |
Thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này chủ yếu sử dụng các đầu số điện thoại, không phải là đầu số điện thoại của Việt Nam (+84) gọi điện trực tiếp cho nạn nhân, sau đó, các đối tượng sử dụng nhiều kịch bản khác nhau như: Giả làm nhân viên bưu điện gọi điện thông báo nhận bưu phẩm; nhân viên viễn thông gọi điện thông báo nợ cước; nhân viên điện lực gọi điện thông báo nợ cước, dọa cắt điện; cảnh sát giao thông gọi điện thông báo phạt nguội, gây tai nạn bỏ trốn; vi phạm phòng, chống dịch Covid-19...
Chúng liên hệ với nạn nhân để khai thác thông tin cá nhân, sau đó, sử dụng các thông tin đó làm giả các lệnh bắt, khởi tố của cơ quan công an để đe dọa nạn nhân (thường thông báo nạn nhân liên quan đến các đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia, rửa tiền), yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp để phục vụ công tác điều tra, sau đó chiếm đoạt hoặc yêu cầu nạn nhân tự đăng ký một tài khoản ngân hàng, chuyển tiền vào tài khoản đó, sau đó cung cấp tài khoản, mật khẩu, mã OTP cho các đối tượng, rồi chúng rút tiền trong tài khoản để chiếm đoạt. Quá trình nói chuyện với người dân, các đối tượng thường yêu cầu người dân giữ máy liên tục, tìm nơi riêng tư để nói chuyện và yêu cầu người dân không được tiết lộ thông tin này cho bất kỳ ai.
Thủ đoạn tuyển “Cộng tác viên online”
Những chiêu trò như tuyển “Cộng tác viên bán hàng online” đã xuất hiện từ lâu, tuy nhiên, thời gian gần đây, các đối tượng đã lợi dụng hình thức thuê người đặt hàng ảo để tăng lượng đơn hàng, nhận đánh giá tốt trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo...
Công văn cảnh báo một số phương thức, thủ đoạn “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trên không gian mạng của Công an tỉnh Nghệ An. |
Các đối tượng đã sử dụng “mồi nhử” hấp dẫn như, mua hàng trực tiếp nhưng không nhận hàng (những kẻ lừa đảo gọi là làm tăng tỷ lệ tương tác mua hàng đối với sản phẩm), việc mua hàng sẽ được thực hiện chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp. Mỗi lượt mua hàng thành công sẽ được hưởng hoa hồng từ 10 - 20% số tiền gốc của mỗi đơn hàng, tiền sẽ được chuyển khoản ngược về sau 5 - 10 phút khi đặt hàng thành công (bao gồm cả tiền gốc và hoa hồng).
Với hình thức này ban đầu, để tạo lòng tin và kích thích lòng tham của nạn nhân, các đối tượng sẽ cung cấp đường link trên hệ thống Shopee, Lazada, Tiki... của một sản phẩm khoảng 1 triệu đến 2 triệu đồng và tài khoản ngân hàng cá nhân do đối tượng cung cấp để nạn nhân chuyển khoản với số tiền tương ứng với giá trị trên hệ thống. Ngay sau đó các đối tượng sẽ chuyển khoản ngược lại cho nạn nhân như đã thỏa thuận. Khi nạn nhân đã “cắn câu” chuyển số tiền đến vài chục triệu thì các đối tượng không chuyển khoản ngược lại nữa và đưa ra nhiều lý do khác nhau để nạn nhân tiếp tục “say mồi” như: Nhiệm vụ hoàn thành được 95/100 điểm tín nhiệm, cần tiếp tục chuyển tiền để hoàn thành 100 điểm... và nhiều người tiếp tục chuyển tiền và bị lừa số tiền đến vài trăm triệu đồng.
Cũng theo Công an tỉnh Nghệ An, chỉ trong quý I/2022, lực lượng đã khám phá, bắt giữ 11 vụ, 17 đối tượng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, thu giữ số tiền hàng chục tỷ đồng. Trong đó có 6 vụ, 12 đối tượng tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Làm gì để phòng ngừa loại tội phạm này? - Không nhấn vào các đường link lạ, tuyệt đối không cung cấp các thông tin tài khoản ngân hàng cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào thông qua các cuộc gọi, đường link gửi bằng email/tin nhắn. Nếu người thân, bạn bè nhắn tin vay mượn tiền qua các mạng xã hội thì gọi điện thoại trực tiếp cho người đó để xác minh thông tin chính xác trước khi chuyển tiền. - Không cung cấp mã OTP do ngân hàng cung cấp hay thực hiện xóa cài đặt xác thực Smart OTP cho bất kỳ ai. - Thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội; không cho mượn, thuê các giấy tờ cá nhân liên quan, không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người không quen biết. - Khi phát hiện sự việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra cần thông tin cho cơ quan công an để phục vụ công tác xác minh, điều tra, làm rõ. |