Thứ bảy 05/04/2025 05:20

Đồng Nai và Bình Phước từng sáp nhập, chia tách thế nào?

Có những thời điểm Đồng Nai và Bình Phước đều thuộc trấn Biên Hòa. Sau nhiều lần chia tách, sáp nhập, 2 địa phương này đã khẳng định sức vóc trong khu vực.

Đồng Nai, Bình Phước từng cùng thuộc trấn Biên Hòa

Theo nhiều tư liệu lịch sử, năm 1698 được coi là dấu mốc quan trọng trong lịch sử hình thành vùng đất Đồng Nai khi Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (còn có tên Nguyễn Hữu Kính) được chúa Nguyễn Phúc Chu cử vào kinh lược xứ Đàng Trong đã thành lập dinh Trấn Biên, tiền thân của tỉnh Biên Hoà sau này.

Năm Gia Long thứ 7 (1808), dinh Trấn Biên được đổi thành trấn Biên Hòa, huyện Phước Long thuộc dinh Trấn Biên được nâng lên thành phủ Phước Long, các tổng được nâng lên thành huyện. Trấn Biên Hòa (gồm 1 phủ Phước Long) là một trong 5 trấn dưới thời Gia Long, thuộc Gia Định thành.

Có những thời điểm, Đồng Nai và Bình Phước đều thuộc trấn Biên Hòa. Ảnh: kyluc.vn

Trấn Biên Hoà (1808 – 1832) hay tỉnh Biên Hòa (1832 – 1861) có địa giới hành chính rộng lớn, bao gồm vùng đất các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Dương và một phần của Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay.

Năm 1876, tỉnh Biên Hòa bị Pháp giải thể và biến thành 3 tiểu khu: Biên Hòa, Thủ Dầu Một và Bà Rịa. Theo Nghị định ngày 20 tháng 12 năm 1899 của Toàn quyền Đông Dương, đổi tên tất cả các tiểu khu thành tỉnh. Thời kỳ này, địa giới tỉnh Biên Hòa bao gồm tỉnh Đồng Nai, một phần các tỉnh Bình Phước và Bình Dương hiện tại.

Trước năm 1975, tỉnh Biên Hòa lại được chia thành 3 tỉnh: Biên Hòa, Long Khánh, Phước Long (có thêm phần đất của tỉnh Thủ Dầu Một). Ngày 23/1/1959, tách một phần đất quận Tân Uyên, cùng phần đất của các tỉnh khác lập tỉnh Phước Thành.

Tháng 2 năm 1976, tỉnh Biên Hòa được sáp nhập với Bà Rịa và Long Khánh thành tỉnh Đồng Nai mới, tỉnh lỵ đặt tại thành phố Biên Hòa. Đến năm 1991, địa bàn tỉnh Phước Tuy cũ lại được tách ra để tái lập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo Trang thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Bình Phước, thời nhà Nguyễn, Bình Phước thuộc trấn Biên Hòa. Đến giữa thế kỷ XIX, sau khi đặt ách đô hộ tại lục tỉnh Nam Kỳ, thực dân Pháp chia Nam Kỳ thành 4 khu vực: Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bạc Xắc, Bình Phước thuộc khu vực Sài Gòn. Năm 1889, thực dân Pháp đổi các tiểu khu thành các tỉnh, Bình Phước thuộc địa phận tỉnh Biên Hòa và Thủ Dầu Một.

Từ năm 1956, chính quyền Sài Gòn thiết lập một số tỉnh mới ở miền Nam, trong đó có 2 tỉnh Bình Long và Phước Long là tiền thân của tỉnh Bình Phước ngày nay.

Ngày 30/01/1971, Trung ương cục miền Nam quyết định thành lập phân khu Bình Phước. Cuối năm 1972, phân khu Bình Phước giải thể, tỉnh Bình Phước chính thức được thành lập.

Sau kháng chiến chống Mỹ, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội, ngày 02/7/1976 tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI, Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra quyết định thành lập tỉnh Sông Bé bao gồm: Thủ Dầu Một, Bình Phước và 3 xã thuộc huyện Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh). Ngày 1/1/1997, tỉnh Bình Phước được tái lập gồm 05 huyện phía Bắc tỉnh Sông Bé là: Đồng Phú, Bình Long, Lộc Ninh, Phước Long và Bù Đăng.

Ngày 01/09/1999, Chính phủ ban hành Nghị định 90/1999/NĐ-CP thành lập thị xã Đồng Xoài. Ngày 20/02/2003, Chính phủ Ban hành Nghị định số 17/2003 NĐ-CP thành lập huyện Chơn Thành và Bù Đốp được tách ra từ huyện Bình Long và Lộc Ninh. Ngày 01/05/2003, hai huyện Chơn Thành và Bù Đốp chính thức đi vào hoạt động. Tỉnh Bình Phước khi đó có 08 huyện, thị, 94 xã, phường và thị trấn.

2 nền kinh tế vững chắc trong vùng

Ngày nay, Đồng Nai đã trở thành tỉnh công nghiệp và đứng trong tốp đầu cả nước về phát triển kinh tế. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2024 ước đạt hơn 260.200 tỷ đồng, tăng 8,02% so với cùng kỳ năm 2023. Mức tăng trưởng này cao hơn mục tiêu ban đầu xác định cho cả năm nay là từ 6,5-7% và cao hơn đáng kể so với mức tăng 5,41% của năm trước.

Đồng Nai xếp thứ ba về quy mô nền kinh tế trong khu vực phía Nam đạt mức 493.819 tỷ đồng, nổi bật với các khu công nghiệp hiện đại. Ảnh: Chí Trung

Thu hút đầu tư tiếp tục là điểm sáng khi kết thúc năm 2024, Đồng Nai đã thu hút đầu tư FDI đạt 1,5 tỉ USD, tăng 36% so với kế hoạch năm 2024 (1,1 tỷ USD) và hơn 144.677 tỉ đồng đầu tư trong nước, gấp 7,8 lần so với cùng kỳ năm 2023 (18.495 tỷ đồng).

Tỉnh Bình Phước cũng đang vươn lên phát triển năng động. Năm 2024, quy mô kinh tế của tỉnh Bình Phước đạt hơn 115.000 tỷ đồng, tăng gấp 92 lần so với thời điểm mới tái lập tỉnh năm 1997; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 9,4% - mức cao so với bình quân chung cả nước, riêng năm 2024 đạt 9,32%, đứng đầu khu vực Đông Nam bộ và thứ 11 cả nước.

Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) lũy kế đến nay đạt trên 5 tỷ USD; tốc độ đô thị hóa đạt tỷ lệ hơn 41%; thu nhập bình quân đầu người trên 108 triệu đồng/năm. Đặc biệt, Bình Phước đã nằm trong nhóm các địa phương thu ngân sách hơn 10.000 tỷ đồng/năm, riêng năm 2022 đạt 14.500 tỷ đồng.

Đồng Nai và Bình Phước là 2 trong số 52 tỉnh, thành phố thuộc diện phải sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Nhiều người kỳ vọng, nếu Đồng Nai và Bình Phước sáp nhập làm một sẽ mở ra không gian phát triển mới, năng động, sáng tạo trong thời gian tới.
Yến Thanh
Bài viết cùng chủ đề: Tỉnh Đồng Nai

Tin cùng chuyên mục