Thứ ba 26/11/2024 17:32

Đồng Nai đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong chăn nuôi và lĩnh vực chế biến

Nhờ đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tỉnh Đồng Nai đã phát triển chăn nuôi thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghệ hiện đại.

Đồng Nai là thủ phủ chăn nuôi của cả nước, nhờ đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, ngành chăn nuôi của tỉnh đã phát triển nhanh cả về quy mô, chất lượng.

Toàn tỉnh Đồng Nai có 21% trang trại chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín; có 11,5% trang trại ứng dụng công nghệ tự động hóa trong việc điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ chuồng nuôi, cung cấp thức ăn, nước uống thu gom chất thải, thu trứng; gần 90% trang trại chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo theo cam kết bảo vệ môi trường; 50% ứng dụng hệ thống làm mát chuồng trại...

Mô hình nuôi tôm bằng máy sục khí ở Đồng Nai (Ảnh minh họa)

Hiện nay, tỉnh có nhiều mô hình tiêu biểu trong ứng dụng công nghệ cao vào quản lý, tổ chức sản xuất. Cụ thể, Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (huyện Long Thành) là mô hình hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên của cả nước nuôi gà xuất khẩu đi thị trường khó tính Nhật Bản.

Ông Lê Văn Quyết, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát cho biết, tất cả các hoạt động tại trại nuôi như: Cho ăn, uống nước, uống thuốc, úm gà… đều được tự động hóa. Hợp tác xã cũng đã đầu tư các hệ thống băng chuyền vận chuyển giúp tự động bắt gà, tự động lấy phân trở thành nguyên liệu làm ra phân hữu cơ. Hợp tác xã xây dựng được chuỗi liên kết không chỉ với nông dân mà có nhiều đối tác là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, chế biến, xuất khẩu…

“Tuy đã áp dựng công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục cập nhật, nâng cấp về công nghệ mới nhằm đảm bảo đàn vật nuôi tăng trưởng nhanh nhất, đạt năng suất cao nhất, giá thành hạ nhất và tiết kiệm được công lao động. Đặc biệt, chủ động phòng ngừa không để xảy ra bệnh dịch trên đàn vật nuôi”- ông Quyết cho biết thêm.

Đồng Nai còn có lợi thế lớn là thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư trong các lĩnh vực chế biến thức ăn chăn nuôi, sản xuất con giống, giết mổ, chế biến. Hiện Đồng Nai đang là trung tâm chế biến thức ăn chăn nuôi của cả nước khi toàn tỉnh có khoảng 40 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, đạt tổng công suất thiết kế trên 3 triệu tấn sản phẩm/năm. Trong đó, có nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này. Lĩnh vực giết mổ, chế biến cũng thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư theo chuỗi từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến xuất khẩu trứng, thịt và các sản phẩm chế biến đi nhiều nước trên thế giới.

Bên cạnh đó, Đồng Nai còn có thế mạnh phát triển cây công nghiệp, cây ăn trái và đã hình thành được các vùng chuyên canh những cây trồng này. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn nhiều hạn chế trong ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Cụ thể, với các cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu, điều ứng dụng cơ giới hóa ở cả khâu gieo trồng và thu hoạch đều chưa cao. Khâu thu hoạch vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào lao động thủ công. Hiện nay, thiếu nhân công khi đến vụ thu hoạch cây công nghiệp, cây ăn trái đang trở thành bài toán khó của vùng.

Đối với cây ăn trái, việc cơ giới hóa ở khâu canh tác còn gặp nhiều khó khăn do diện tích trồng không tập trung và các loại cây rất đa dạng. Đồng Nai có nhiều cây ăn trái như chuối, sầu riêng có diện tích thuộc tốp đầu cả nước. Tuy tỉnh đã chú trọng thu hút đầu tư vào khâu bảo quản, chế biến nhưng vẫn chưa xứng với tiềm năng.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, cơ giới hóa trong nông nghiệp đã thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất, hình thành các tổ chức dịch vụ ở nông thôn; góp phần quan trọng, phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập đời sống người dân. Thời gian tới, các sở ngành và địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân tích cực triển khai áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung theo quy mô hàng hóa gắn với áp dụng khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, trong cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, tỉnh tiếp tục ưu tiên đầu tư cho các chương trình, dự án khoa học và công nghệ liên quan đến hoạt động sản xuất, bảo quản và chế biến sản phẩm nông sản nhằm nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm.

Phạm Kỳ
Bài viết cùng chủ đề: Tỉnh Đồng Nai

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc: Nhiều cơ hội phát triển dịch vụ logistics xanh

Khai mạc Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Đồng bằng Bắc Bộ 2024 tại Thái Bình

Hạ tầng số hiện đại - 'chìa khóa' để Quảng Ninh tăng tốc chuyển đổi số

Quảng Ninh: Tăng tốc hoàn thành kế hoạch, giữ vững tăng trưởng 2 con số

Lạng Sơn: Phê duyệt mức hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo

Quảng Nam: Mưa lớn gây sạt lở nhiều nơi ở huyện miền núi Bắc Trà My

Sau sắp xếp đơn vị hành chính, thành phố Thanh Hóa sẽ có bao nhiêu phường, xã?

Thừa Thiên Huế: Công điện hoả tốc ứng phó mưa lũ, học sinh được nghỉ học

Nước lũ dâng cao, tỉnh Quảng Ngãi di dời khẩn cấp người dân

Quảng Nam: Mưa lớn gây sạt lở làm sập tường ở điểm trường Răng Chuỗi huyện Nam Trà My

Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh): Hướng tới ‘cái nôi’ giá trị văn hóa lịch sử

Quảng Ninh: Doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh

Sẽ sớm ổn định cuộc sống cho người dân khu tái định cư dự án Trung tâm điện lực Quảng Trạch

Bình Định: Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu

Quảng Ninh tăng cường quản lý, khai thác tài nguyên than

Chuyển đổi số tạo 'cú hích' phát triển du lịch Quảng Ninh

Vĩnh Phúc: Tăng trưởng GRDP năm 2024 dự kiến đạt 7,5-7,8%

Quảng Ninh: Ngành du lịch 'chạy nước rút' chinh phục mục tiêu 19 triệu lượt khách

Dân ca Quan họ Bắc Ninh: 15 năm lan tỏa mạnh mẽ

Chung tay bảo tồn, phát huy giá trị Di sản thế giới vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà