Đơn giản hóa điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất
Theo Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), Nghị định 113 có hiệu lực đã hơn 4 năm. Nhìn chung, việc quản lý các hoạt động hóa chất bao gồm xuất nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, phòng ngừa sự cố hóa chất và đào tạo huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất ngày càng đi vào nề nếp. Tuy nhiên sau 4 năm thực hiên Nghị định đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được sửa đổi bổ sung để phù hợp tình hình thực tiễn.
Theo đó, một số Sở Công Thương địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động hóa chất đã có kiến nghị gửi Bộ Công Thương đề nghị sửa đổi một số điểm chưa phù hợp.
Dự thảo Nghị định 113 đảm bảo quản lý hóa chất phù hợp tình hình thực tiễn |
Cụ thể, việc phản hồi tự động kết quả khai báo hóa chất nhập khẩu hiện nay tồn tại bất cập như: Một số tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục khai báo hóa chất nhập khẩu đôi khi chưa thực hiện đúng các quy định hiện hành; biện pháp chế tài và quy trình xử phạt còn hạn chế mặc dù việc quy định hành vi vi phạm đã có, tuy nhiên lại chưa có biện pháp, quy trình xử phạt nguội các tổ chức, cá nhân vi phạm. "Việc xử phạt vi phạm hành chính vẫn thụ động thông qua công tác kiểm tra thực tế doanh nghiệp, như vậy sẽ gây tốn kém, mất nhiều thời gian và không kịp thời"- lãnh đạo Cục Hóa chất chỉ ra.
Đáng chú ý, Nghị định 113 hiện chưa quy định việc diễn tập ứng phó sự cố hóa chất đối với các cơ sở hóa chất phải xây dựng biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất. Khi xảy ra sự cố hóa chất, các cơ sở nói trên còn lúng túng, ứng phó không kịp thời, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là các sự cố đối với các hóa chất nguy hiểm thuộc Danh mục hóa chất phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.
Kiểm soát chặt hóa chất nguy hiểm
Trên cơ sở các bất cập về khai báo hóa chất, để tăng cường quản lý, Dự thảo Nghị định sẽ điều chỉnh, sửa đổi nội dung khai báo hóa chất nhập khẩu nhằm hoàn thiện khung hành lang pháp lý, tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước, cần kiểm soát đặc biệt đối với hóa chất nguy hiểm như: Dinitơ oxit, các hợp chất thủy ngân, các hợp chất xyanua.
Cục Hóa chất cho biết, mỗi năm, khoảng 70.000 bộ hồ sơ khai báo hóa chất nhập khẩu của các tổ chức, cá nhân được thực hiện qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Trong đó, hồ sơ nhập khẩu dinitơ oxit, các hợp chất thủy ngân, các hợp chất của xyanua ước tính khoảng 200 bộ. Như vậy, việc quy định để tăng cường công tác quản lý đối với các hóa chất đặc biệt tác động đến khoảng 0,3% tổng số hồ sơ khai báo hóa chất hàng năm. Việc điều chỉnh này tác động không đáng kể đối với tổng số hồ sơ khai báo hóa chất, chi phí phát sinh thủ tục hành chính không quá lớn (khoảng 80 triệu đồng/năm) nhưng mang lại hiệu quả quản lý chặt chẽ hơn đối với ba loại hóa chất nói trên.
Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định 113 tiếp tục điều chỉnh việc nâng cao năng lực ứng phó sự cố hóa chất đối với những tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất đã xây dựng biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất có tồn trữ hóa chất thuộc Danh mục hóa chất nguy hiểm phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.
Ngoài ra, Nghị định cũng đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng quản lý hóa chất trên thế giới hiện nay.
Hiện, Bộ Công Thương đã nhận được ý kiến trả lời, góp ý từ các cơ quan, đơn vị, giao Cục Hóa chất làm đầu mối nghiên cứu tiếp thu và chỉnh lý Dự thảo. |