Doanh nghiệp trong nước: Kỳ vọng chính sách hỗ trợ mới
Cạn dần nguồn lực
Cần cân nhắc phương án bãi bỏ thuế xuất khẩu dăm gỗ, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19, bình ổn giá thu mua nguyên liệu, khuyến khích người dân duy trì trồng rừng. Từ đó, thúc đẩy xuất khẩu, phát triển ngành gỗ, ít nhất cho đến hết năm 2021, trong trường hợp tình hình dịch bệnh được kiểm soát, chuỗi sản xuất trở lại bình thường. Với lĩnh vực giao thông, vận tải chi phí lắp đặt thiết bị camera cho trên 340.000 phương tiện (dự kiến phải lắp đặt) sẽ vào khoảng 1.500-1.900 tỷ đồng và chi phí duy trì máy chủ và đường truyền vào khoảng 500 tỷ đồng/năm. Đây là những khoản chi phí lớn đối với doanh nghiệp vận tải trong bối cảnh thiệt hại, khó khăn kéo dài do dịch Covid-19. Do vậy cần lùi thời hạn chót của việc lắp đặt này là 1/7/2021.
Đây là hai trong số nhiều kiến nghị được gửi tới Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ các khó khăn khi mà dịch bệnh Covid-19 “phiên bản” 2021 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Với những hệ lụy của đại dịch Covid-19 gây ra cho doanh nghiệp và nền kinh tế, theo các chuyên gia, cần khẩn trương nghiên cứu thực hiện các chính sách và giải pháp phù hợp, có quy mô tác động đủ lớn, thời gian thực hiện trong trung và dài hạn.
Hầu hết doanh nghiệp đều trông mong các chính sách hỗ trợ tiếp theo của Chính phủ, đặc biệt là hỗ trợ liên quan đến giãn, hoãn thuế, phí và lệ phí để có thể hạn chế dòng tiền chi ra nhằm duy trì nguồn lực mỏng còn lại vào việc vực dậy sản xuất, kinh doanh.
Cân nhắc phương án bãi bỏ thuế xuất khẩu dăm gỗ |
Đáp ứng 4 mục tiêu quan trọng
Theo các chuyên gia, những giải pháp hỗ trợ cần đáp ứng 4 mục tiêu: Thứ nhất, bảo đảm ổn định kinh tế-xã hội, tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi nhanh trong giai đoạn hậu Covid-19; thứ hai, hỗ trợ các hoạt động kinh tế, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng mất thanh khoản, phá sản, giải thể doanh nghiệp, tạo điều kiện để khu vực doanh nghiệp phục hồi nhanh khi tác động của đại dịch suy giảm và chấm dứt; thứ ba, thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với những thay đổi trên thế giới sau đại dịch; thứ tư, kích thích tiêu dùng trong nước, bảo đảm an sinh xã hội.
Về một vấn đề “nóng” trong xuất khẩu thời gian qua là thiếu container rỗng, các doanh nghiệp đánh giá cao sự đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp từ phía các cơ quan, ban, ngành như Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), Bộ Giao thông vận tải... đã tích cực tìm cách tháo gỡ việc thiếu container rỗng cho doanh nghiệp thời gian qua. Tuy nhiên, doanh nghiệp mong muốn thông tin từ phía cơ quan nhà nước được minh bạch hơn; rà soát để nắm bắt cụ thể số lượng container không chủ đang tồn đọng; đẩy mạnh việc giải phóng các container này, thống kê được cầu về số lượng container để tránh tình trạng một số hãng lợi dụng tăng giá.
Đặc biệt, từ thực tế “giải cứu” nông sản, cần thiết phải hình thành kênh thông tin để cập nhật mọi văn bản chỉ đạo điều hành từ cấp trung ương tới địa phương về phòng, chống dịch để doanh nghiệp, người dân nắm bắt thông tin kịp thời. Điều này giúp doanh nghiệp có thể chủ động hơn trong quá trình bố trí phương án về nhân lực, kế hoạch lưu thông hàng hóa, tính toán chi phí… để vừa chấp hành hiệu quả các chỉ đạo của cơ quan quản lý, vừa bảo đảm duy trì sản xuất, kinh doanh.
Các doanh nghiệp kiến nghị, trong thời gian dịch bệnh bùng phát Chính phủ có thể xem xét giảm phí cầu đường tại những cao tốc mà hãng vận tải phải đổi hành trình do lộ trình cũ bị cách ly. |