Doanh nghiệp sẽ được “cởi trói”?
Đào tạo đại lý bảo hiểm được đề xuất bãi bỏ khỏi ngành nghề kinh doanh có điều kiện |
Giảm ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Theo Tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến có 27 ngành nghề được bãi bỏ, hợp nhất 29 ngành nghề có nội dung trùng lặp vào 19 ngành nghề; bổ sung thêm 15 ngành nghề vào danh mục kinh doanh có điều kiện.
Về việc 27 ngành nghề không cần thiết phải quy định là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Chính phủ chỉ rõ đây là quy định thiếu tính khả thi, không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động đầu tư kinh doanh cũng như yêu cầu quản lý nhà nước. Với các ngành nghề trùng lặp được hợp nhất, đây là những ngành nghề có cùng mục tiêu, tính chất và cơ quan quản lý. Do đó, để tránh trùng lặp, phân tán trong công tác quản lý nhà nước, cần đưa các ngành nghề này vào cùng một danh mục.
Đối với các ngành nghề mới được đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, là những ngành nghề đã được quy định tại các luật hiện hành, ngành nghề mới phát sinh, cần áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh, cần quản lý nhà nước chặt chẽ.
Như vậy, nhiều ngành nghề kinh doanh trước đây phải đủ điều kiện mới được kinh doanh thì nay được đề xuất bãi bỏ. Cụ thể: Kinh doanh dịch vụ và đào tạo đại lý bảo hiểm; dịch vụ quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng, cây xanh…
Tăng cơ hội cho doanh nghiệp
Tại Hội thảo Hoàn thiện chính sách cạnh tranh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức, TS. Đặng Quang Vinh- Nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - cho biết, 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện là quá nhiều và đang cản trở cho sự phát triển của doanh nghiệp (DN), khiến DN tốn kém thời gian, chi phí không cần thiết trong quá trình gia nhập thị trường, hoàn thiện các thủ tục cấp phép.
Đại diện một DN Nhật Bản tại Việt Nam chia sẻ, do điều kiện kinh doanh phức tạp mà đơn vị này đã mất một hợp đồng lớn, xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Vì vậy, việc giảm đi 41 ngành nghề kinh doanh có điều kiện giống như một hành động “cởi trói”, tạo thêm cơ hội cho DN trong sản xuất, kinh doanh.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Lê Phú Toàn - Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư thương mại xuất nhập khẩu THT Việt Nam - cho rằng, giảm ngành nghề kinh doanh có điều kiện là cần thiết. Điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN, mà còn tạo thêm việc làm cho người lao động, tăng đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Mặc dù giảm được 41 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, song các chuyên gia cho rằng, Tờ trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng bổ sung một số ngành nghề vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Điều này đang gây ra những phản ứng trái chiều, cần cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định.
Giảm 41 ngành nghề kinh doanh có điều kiện cho thấy sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ đối với cộng đồng DN trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. |