Điện Lực Điện Biên: Điện sáng vùng sâu
Thi công trong điều kiện khó khăn tại Điện Biên
- Dự án nhằm mục tiêu xây dựng mới và cải tạo hệ thống điện để cung cấp cho các nơi chưa có điện thông qua hệ thống điện quốc gia và nâng cao chất lượng cấp điện cho các hộ dân đã có điện trên toàn tỉnh, nhất là bà con ở vùng sâu, vùng xa. Trong giai đoạn đầu, EVN NPC đã xây mới gần 300 km đường dây 35kV, 97 trạm biến áp (TBA) phân phối với tổng dung lượng 5.324kVA, 136 km đường dây ba pha 0,4kV...; lắp đặt 8.192 đồng hồ đo điện một pha cho các hộ gia đình, UBND xã, trường học, trạm y tế; đấu nối điện cho 7.937 hộ gia đình, lắp đặt cho mỗi hộ một bóng đèn và mạng điện trong nhà. Hiện nay 130 thôn, bản tại 46 xã thuộc 8 huyện, thị đều đã có điện.
Niềm vui xã Nà Bủng
Ðúng 16 giờ ngày 21/1/2014, sau bao ngày chờ mong, điện lưới quốc gia đã về đến xã Nà Bủng (huyện Mường Nhé cũ, nay thuộc huyện Nậm Pồ) trong niềm hân hoan của bà con bản làng. Có được điều đó là nhờ sự quan tâm của Ðảng, nhà nước, cũng như sự nỗ lực vượt mọi khó khăn, gian khổ của các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu vì một cuộc sống ấm no cho đồng bào các dân tộc vùng biên.
Dự án đưa điện về Nà Bủng bao gồm: Lắp đặt 2 TBA 100 kVA; 13,6 km đường dây 35 kV và 8,1 km đường dây 0,4 kV, cấp điện cho 233 hộ dân xã vùng sâu, vùng xa khó khăn nhất của tỉnh. Ông Trần Thế Lũy - Trưởng phòng Quản lý xây dựng, Công ty Điện lực Điện Biên (PC Điện Biên) - cho biết, tuy phải thi công trong điều kiện địa hình phức tạp, đi lại và vận chuyển vật tư thiết bị khó khăn, thời tiết mưa nhiều ảnh hưởng lớn đến tiến độ, nhưng với quyết tâm sớm đưa điện về để bà con đón Tết Giáp Ngọ 2014, PC Điện Biên đã huy động tất cả sức người, sức của, đưa dự án về đích đúng hẹn. Không khí tươi vui, rộn rã cũng tràn ngập khắp bản Nà Bủng 1. Anh Trần Văn Giang - giáo viên Trường PT Dân tộc bán trú Nà Bủng - thổ lộ, trước đây khi chưa có điện, việc dạy học gặp nhiều khó khăn. Lớp chỉ mở được vào ban ngày. Hôm nào trời tối sớm là phải ngừng dạy. Bây giờ có điện, có đủ ánh sáng để các em lên lớp, thậm chí tổ chức được cho các em tự học, làm bài cả buổi tối. Giáo án và đề thi không cần chép tay nữa, bởi nay đã có thể dùng máy tính, máy in. Trưởng bản Nà Bủng 2 Páo Sỉnh hồ hởi - chia sẻ: “Tôi vừa mua chiếc tivi và đầu hát karaoke. Giờ có điện rồi, bà con trong bản ai cũng mừng”.
Còn nhiều xã mong điện lắm!
Anh Sùng A Tồng - bản Lương, cách Nà Bủng hơn 20 km – thổ lộ: “Nghe nói bên này có điện nên sang xem, thích lắm, nhưng nghĩ đến bản mình chưa có điện lại buồn”. Ở bản Lương, trước cũng có điện từ máy phát thủy điện nhỏ ở suối, nhưng chỉ có vào mùa mưa. Thấu hiểu nỗi niềm đó, sau khi hoàn thành giai đoạn I, EVN NPC đã chỉ đạo PC Ðiện Biên triển khai ngay giai đoạn II (mức đầu tư gần 129 tỷ đồng) với việc bổ sung 28 TBA phân phối, tổng dung lượng 1.651,5 kVA; xây dựng lưới điện cho 32 thôn, bản của 10 xã thuộc huyện Mường Nhé, cấp điện thêm cho 2.551 hộ dân từ lưới điện quốc gia và hoàn thành vào tháng 5/2014. Ông Trần Thế Lũy cho biết, quyết tâm khắc phục khó khăn, công ty đã phối hợp với nhà thầu, chủ động thay đổi phương thức thi công cho phù hợp; mở đường, đưa máy móc, vật tư nặng vào công trường từ mùa khô khi đường xá thuận tiện, sử dụng các loại xe chuyên dụng chống trơn trượt... Dự án được bà con ủng hộ nên việc giải phóng mặt bằng rất thuận lợi, nhanh chóng. Tất cả các yếu tố thuận lợi này, cùng kinh nghiệm thi công từ giai đoạn I là động lực để công ty vượt qua khó khăn, đẩy nhanh tiến độ.
Trong những ngày đón Tết Giáp Ngọ, một tin vui nữa đã đến: Giai đoạn III của dự án với tổng mức đầu tư 68,85 tỷ đồng vừa chính thức được phê duyệt. Theo đó, nhà nước tiếp tục đầu tư lưới điện cho 8 xã của huyện Mường Nhé, cấp điện thêm cho 1.055 hộ đồng bào. Ðiện về thắp sáng bản làng vùng biên, giúp bà con có điều kiện tiếp cận khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao hiệu quả lao động và chất lượng cuộc sống, góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo. Dự án còn giúp bà con thêm tin tưởng vào sự quan tâm của Ðảng và nhà nước, góp phần giữ vững an ninh, trật tự vùng biên, đưa kinh tế-xã hội tỉnh Ðiện Biên nói riêng và Tây Bắc nói chung vươn lên cùng cả nước.
Giai đoạn I của dự án đã hoàn thành xây dựng mới trên 300 km đường dây trung áp; xây dựng mới 97 TBA phân phối với tổng công suất 5.324 kVA; xây dựng mới trên 257 km đường dây hạ áp, lắp đặt 8.192 công tơ một pha. |
Dân đồng tình, khó mấy cũng qua
Theo ông Lê Văn Hay - Giám đốc PC Điện Biên, dự án chủ yếu được thực hiện ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, giao thông đi lại cực kỳ khó khăn, một số xã không có đường giao thông đi vào đến trung tâm xã. Khí hậu ở Điện Biên có 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa nắng. Nếu dự án bắt đầu bằng mùa mưa thì phải dừng lại 6 tháng vì không thể vận chuyển vật tư, thiết bị đến nơi tập kết được…
Tuy nhiên, trước yêu cầu cấp bách về thời gian hoàn thành dự án, PC Điện Biên đã chỉ đạo các nhà thầu phải tranh thủ lúc thời tiết thuận lợi tập trung hoàn thành trước các phần việc quan trọng là đúc móng, dựng cột và vận chuyển vật tư thiết bị đến vị trí thi công. Bộ phận thường trực của Ban Chỉ đạo dự án phải túc trực đôn đốc, làm tốt vai trò đầu mối giải quyết các khâu giám sát thi công, giải phóng mặt bằng, cấp phát vật tư, nghiệm thu, đóng điện bảo đảm không để xảy ra yếu tố do chủ quan làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Chính vì vậy, giai đoạn I dự án đã hoàn thành xây dựng mới trên 300 km đường dây trung áp; xây dựng mới 97 TBA phân phối với tổng công suất 5.324 kVA; xây dựng mới trên 257 km đường dây hạ áp, lắp đặt 8.192 công tơ một pha.
Theo ông Hay, với những xã vùng sâu, vùng xa trong quá trình thực hiện dự án, để có được thành công chính là được sự ủng hộ của người dân. “Đến đâu, người dân cũng bảo cứ làm đi rồi đền bù sau, lãnh đạo các xã thì tạo chỗ ăn, ở cho đơn vị thi công. Công tác vật tư, bảo vệ thiết bị được các xã làm rất tốt nên toàn tuyến gần như không có chuyện mất vật tư” - ông Hay nhớ lại.
Bản Hua Luống (xã Nà Tấu, huyện Điện Biên) là bản đầu tiên của dự án do ADB tài trợ được đóng điện vào cuối năm 2012. Khi có tin PC Điện Biên tiến hành thi công chôn cột, kéo dây, người dân trong bản kéo nhau ra chung tay phụ giúp, mong sao công trình sớm hoàn thành. Sau một năm có điện, đời sống của bà con thay đổi nhiều. Điện chính là công cụ giúp bà con Hua Luống xóa đói, giảm nghèo.
Tính đến nay, giai đoạn I của dự án đã cơ bản hoàn thành nhưng chậm tiến độ so với cam kết. Hiện tại, PC Điện Biên đang nỗ lực triển khai giai đoạn II. Dù khối lượng thi công còn nhiều, nhưng với sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, sự chung tay ủng hộ của người dân, hy vọng rằng, thời gian tới sẽ có thêm nhiều bản của Điện Biên có điện.
Xuân Lập