Thứ năm 28/11/2024 12:42

Địa chỉ đỏ trên đỉnh núi Cao Ba Lanh

Địa chỉ đỏ trên đỉnh núi Cao Ba Lanh có độ cao 1.050 m so với mực nước biển, được ví như “nóc nhà” vùng Đông Bắc, là một danh thắng của Quảng Ninh nằm sát đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc, gắn với chiều dài lịch sử bảo vệ cương thổ quốc gia.

Nóc nhà vùng Đông Bắc này nằm trên địa bàn thôn Phai Lầu, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu- xã nghèo nhất trong 22 xã nghèo của tỉnh Quảng Ninh. Hiện tại xã Đồng Văn đã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, nhờ Quảng Ninh nhiều chính sách sáng tạo đầu tư cho vùng đặc biệt khó khăn, nhất là Đề án 196…

Người dân tộc Dao Thanh Phán sống dưới chân núi coi ngọn núi thiêng Cao Ba Lanh là linh hồn của mình. Tại đỉnh núi thiêng này, trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc đầy ác liệt năm 1979, nhiều cán bộ, chiến sĩ trên khắp mọi miền Tổ quốc đã ngã xuống. Theo thông kê và khảo cứu đến nay huyện Bình Liêu đã tiếp nhận thông tin có 109 liệt sỹ đã anh dũng hy sinh tại điểm cao Ba Lanh. Máu đào của các liệt sỹ đã hòa vào từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc…

Để tưởng nhớ đến công lao to lớn của những người anh dũng hy sinh bảo vệ biên cương đất nước, huyện Bình Liêu quyết định đầu tư công trình tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh trong chiến đấu bảo vệ biên giới trên điểm Cao Ba Lanh, theo tinh thần xã hội hóa. Công trình này được xây dựng trên tổng diện tích 275m2, với các hạng mục: Đài tưởng niệm, 2 nhà bia ghi công, sân, tuyến kè bao quanh, cây xanh… với mức đầu tư xấp xỉ 1,1 tỷ đồng. Toàn bộ kinh phí đầu tư từ nguồn ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài huyện.

Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ trên đỉnh Cao Ba Lanh- được tổ chức khánh thành đúng vào ngày kỷ niệm 70 năm giải phóng huyện Bình Liêu (25/12/2020).

Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu- Nguyễn Thị Tuyết Hạnh cho biết, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ trên đỉnh Cao Ba Lanh được xác định là “Địa chỉ đỏ” tưởng niệm 109 anh linh cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 288, Sư đoàn 395 đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Đây là công trình văn hóa, tâm linh, thể hiện truyền thống quyết tâm bảo vệ vững chắc Tổ quốc của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước nói chung, của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Bình Liêu nói riêng.

Ngoài ra, Đài Tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh trong chiến tranh biên giới trên đỉnh Cao Ba Lanh là công trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhằm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ quê hương. Đây cũng là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của huyện Bình Liêu cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Hiện, các cơ quan chuyên môn của huyện đang hoàn thiện các thủ tục theo quy định, để Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại đỉnh Cao Ba Lanh trở thành điểm di tích lịch sử văn hóa gắn liền với những điểm di tích văn hóa khác trên địa bàn huyện.

Trong đó có việc gấp rút hoàn thiện hồ sơ để xin các cơ quan chức năng xếp “Bãi đá thần” trên đỉnh núi Cao Ba Lanh vào loại hình di tích danh thắng, bởi đây là địa điểm hấp dẫn khách du lịch với sự hoang sơ tự nhiên. Trên đỉnh núi này có nhiều bãi đá với hình thù lạ, đặc biệt là "Bãi đá thần" gắn với truyền thuyết những viên đá tạo ra tiếng kêu lớn như chuông đồng ngăn bước chân quân xâm lược. Tại đây có hai hồ nước tự nhiên lớn, có nhiều bãi cỏ rộng và các khu rừng tự nhiên. Ở đây khí hậu, thời tiết mát mẻ vào mùa hạ, khách du lịch có thể được tận hưởng một không gian trong lành, mát mẻ và quyến rũ của thiên nhiên kì vĩ.

Như vậy, những giá trị đặc biệt về nhiều mặt của Cao Ba Lanh sẽ được đầu tư, bảo tồn và khai thác hợp lý, góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch sinh thái của Bình Liêu trong tương lai, giúp người dân địa phương bám đất, bám rừng, giữ gìn chủ quyền biên giới vừa phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo

Tuy nhiên, để lên đỉnh núi Cao Ba Lanh chỉ có duy nhất con đường mòn đất đá lởm chởm với nhiều đoạn dốc đứng và cả chục khúc cua "tay áo" nguy hiểm.Trước đây, con đường này chỉ là lối mòn nhỏ cho người đi bộ, do đồng bào dân tộc Sán Chỉ mở. Gần đây, Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Bình Liêu “xung phong” đưa máy ủi, máy xúc lên mở rộng đường đủ cho xe ô tô chạy, nhưng là đường đất, chỉ lên được núi vào thời tiết nắng khô. Nếu trời mưa phải “cuốc” bộ khoảng 4 cây số mới lên được đỉnh núi.

Đây đang là một trở ngại lớn cho khách, cũng như người dân địa phương lên dâng hương tưởng niệm các anh linh liệt sỹ, đồng thời thưởng ngoạn những giá trị đặc biệt trên đỉnh thiêng Cao Ba Lanh.

Xuân Phú

Tin cùng chuyên mục

Dự báo thời tiết biển hôm nay ngày 28/11/2024: có gió mạnh sóng lớn và mưa dông trên biển

Dự báo thời tiết hôm nay 28/11/2024: Trung Bộ cục bộ có nơi mưa to và giông

Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng: Chuyển đổi số thành công nhờ 3 yếu tố

Gia Lai: Chuyện về cô giáo trẻ và hành trình gieo chữ ở vùng cao

Bộ Nội vụ: Thông tin sáp nhập các tỉnh, thành trên mạng xã hội là sai sự thật

Trường hợp nào không cần giấy chuyển tuyến vẫn được hưởng 100% bảo hiểm y tế?

Phiên họp Nhóm công tác Hải quân Việt Nam - Singapore lần thứ 10

Việt Nam đang đối mặt với tốc độ già hóa dân số nhanh chóng

Chính sách 'vàng' thu hút nhân lực y tế về Quảng Ninh

Quảng Nam: Xuất hiện vết nứt dài, 10 hộ dân phải di dời khẩn cấp

Dưa hấu rớt giá thê thảm, nông dân Gia Lai 'mòn mỏi' chờ thương lái

Thận trọng trước loạt sản phẩm hỗ trợ sức khỏe bán trái phép trên thương mại điện tử

Vũng Tàu: Gần 50 người nhập viện nghi do ngộ độc bánh mì

Quảng Bình: Cháy xưởng sản xuất bột cá, thiệt hại ước tính hơn 100 tỷ đồng

Nhân sự 26/11: Bộ Tài chính bổ nhiệm lãnh đạo cục, vụ; Tỉnh ủy Thái Bình, Hà Nam có nhân sự mới

Dự báo thời tiết biển ngày 27/11/2024: Hôm nay biển động

Dự báo thời tiết hôm nay: Cập nhật tin gió mùa Đông Bắc

Dự báo thời tiết hôm nay 27/11/2024: Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trời rét

Tối 26/11, thêm khách hàng trúng Vietlott Power 6/55 nhiều tỷ đồng

Bình Thuận: Thu hồi 11 giấy phép xe tập lái cải tạo trái phép