Đi tới tương lai từ điểm tựa lịch sử
Cứ độ vào tháng 5, giữa những diễn biến hối hả của thị trường cũng như cả dòng chảy kinh tế của thế giới, đất nước, người Công Thương dường như có phút giây sống chậm khi nhớ về Ngày Truyền thống của ngành Công Thương Việt Nam (14/5). Tròn 71 năm ngành Công Thương, nhớ lại để suy ngẫm, được tiếp thêm động lực đi tới tương lai cùng cả nước, vì cả nước bằng điểm tựa lịch sử và tất cả tâm huyết, sức lực, trí tuệ của mình.
Nhớ lại mới chỉ cách đây một năm, năm 2021 khi dịch bệnh Covid-19 trong cơn biến thể dữ dội nhất tác động tổng lực, tổng thể vào nền kinh tế từ góc cạnh nhỏ nhất, hiện hữu nhất đến những khâu quan trọng nhất của vận hành nền kinh tế.
Đó thực sự là một cuộc chiến khốc liệt dẫu không có khói súng và cũng lại là chưa từng có tiền lệ. Đáng chú ý đó là năm mà ngành Công Thương tròn 70 tuổi.
Đó cũng là năm cả nước căng mình chống dịch, ưu tiên cao nhất cho chống dịch. Nhưng bảo đảm cuộc sống, an sinh xã hội cũng như thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội, gần hơn nữa là ổn định thị trường, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng cũng đòi hỏi ngành Công Thương cùng cả nước có những nỗ lực cao nhất.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng lãnh đạo các bộ, ngành thị sát Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 |
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, những kinh nghiệm, tư duy trong quản lý điều hành của toàn ngành có được suốt 7 thập kỷ kinh qua những mô hình tổ chức khác nhau đã được toàn ngành Công Thương phát huy đến mức cao nhất, linh hoạt nhất.
Bên cạnh những phương thức truyền thống, có cả những phương thức quản lý chưa từng có tiền lệ cũng đã được ngành Công Thương huy động vào trận mà thực tiễn đã xác định rõ rệt hiệu quả mà nay đã trở thành minh chứng cho tư duy mạnh dạn, xuất phát từ thực tiễn.
Đáng chú ý là có cả những phương thức quản lý hiện đại mang tính số hoá cũng đã được ngành Công Thương đẩy cao tới mức chưa từng có và minh chứng cho chủ trương triển khai sớm tiến trình chuyển đổi của ngành là hoàn toàn đúng đắn đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Như trong 2 năm đại dịch, thương mại điện tử vẫn giữ mức tăng trưởng 2 con số, góp phần tháo gỡ khó khăn trong xúc tiến tiêu thụ và lưu thông hàng hoá giữa đại dịch.
Thực hiện vai trò đầu mối, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp cùng các cơ quan Bộ, ngành, địa phương, các sàn thương mại điện tử lớn triển khai kết nối và hỗ trợ bán hàng, tiêu thụ nông sản trên nền tảng số. Hiện, hầu hết các tỉnh có vùng trồng, vùng nuôi tập trung đều thực hiện phương thức bán hàng trên nền tảng số.
Cùng với thương mại điện tử, Bộ Công Thương cũng phát huy vai trò của hệ thống Thương vụ nên đã thúc đẩy việc tiêu thụ hàng hóa, biệt là hàng nông sản, đặc sản vùng miền đến các thị trường để tận dụng cơ hội từ các FTA… Đây là một trong những giải pháp được đánh giá mang lại hiệu quả cao, là cánh tay nối dài bên cạnh phương thức phân phối hàng hoá truyền thống, từ đó giúp bà con nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ khắp 63 tỉnh, thành phố, tận dụng ưu thế của công nghệ theo xu hướng 4.0.
Những hiệu quả rõ rệt đó, đặc biệt của năm 2021 đã tạo cơ sở quan trọng cho việc lần đầu tiên Ban cán sự đảng Bộ Công Thương ban hành một nghị quyết hết sức quan trọng về lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2022 đến 2025- Nghị quyết số 33-NQ/BCSĐ (ngày 27/1/2022).
Có thể nhận thấy việc chuyển đổi số không chỉ được thực hiện sớm ở Bộ Công Thương mà còn đang diễn ra mạnh mẽ. Bộ Công Thương đã chọn đúng và trúng các lĩnh vực mang tính trọng tâm, trọng điểm và không dàn trải, chia cắt. Đồng thời cũng đã lựa chọn những việc, những lĩnh vực có tác động lan tỏa, hiệu quả ngay để triển khai trong thực tế điều hành, quản lý.
Tất cả những nỗ lực triển khai ấy được triển khai đồng bộ, quyết liệt với tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm để hướng tới những mục tiêu tăng trưởng cao nhất với những chất lượng mới đã góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước năm 2021 và đang tiếp tục phát huy hiệu quả trong năm 2022, làm nền cho những khởi sắc mới, hồi phục mới.
71 năm là khoảng thời gian bằng cả một đời người song cũng là chỉ là một khoảng ngắn ngủi của lịch sử đất nước. Điều đáng tự hào là lịch sử của ngành Công Thương song hành cùng lịch sử kháng chiến, kiến quốc, dựng xây và đổi mới đất nước.
71 năm đồng hành cùng đất nước là tài sản tinh thần vô giá của ngành Công Thương. Nhưng đó cũng còn là sự khẳng định trách nhiệm trước niềm tin Đảng, Nhân dân đã giao phó cho Ngành và cùng đó là trước tương lai một nước Việt Nam phát triển, phồn vinh.
Và đó cũng còn là để ngày mai sớm bắt đầu từ ngày hôm nay.