Thứ hai 23/12/2024 17:47

"Dẹp loạn” sản phẩm hỗ trợ điều trị Covid-19 rao bán trên mạng

Tình trạng người bán kit test, thuốc điều trị Covid-19 không có chứng chỉ hành nghề dược qua kênh online ngày càng tăng khiến người tiêu dùng khó có sự trợ giúp tin cậy về phòng, chống dịch bệnh.

Sôi động thị trường sản phẩm hỗ trợ điều trị Covid-19

Việc ngày càng có nhiều F0 tự điều trị tại nhà khiến các thiết bị hỗ trợ, thuốc phòng bệnh, chữa Covid-19 được rao bán và tìm mua rất sôi động. Trong đó, mạng xã hội vẫn là thị trường dễ nhất để quảng cáo và buôn bán các mặt hàng. Các sản phẩm liên quan đến thuốc hỗ trợ, điều trị Covid-19 như thuốc, kit test Covid-19, thiết bị đo nồng độ oxy trong máu (SPO2)… cũng là những mặt hàng được các đơn vị kinh doanh rao bán lén lút hoặc công khai ở sàn thương mại điện tử, mạng xã hội cá nhân, với giá từ vài trăm cho tới tiền triệu cho các sản phẩm.

Mặc dù vậy, không ít người dân có tâm lý phòng ngừa khi trở thành F0, sẵn sàng chi tiền để mua các loại thuốc được cho là tự chữa và điều trị Covid-19. Vì thế, các mặt hàng y tế phòng, chống Covid-19 càng có cơ hội để tiêu thụ. Trong vai người cần tìm mối mua hàng, phóng viên tham gia vào một hội nhóm chuyên bán các loại thuốc tây. Khi tìm hỏi mua thuốc điều trị Covid-19, ngay lập tức đã nhận được những lời giới thiệu mặt hàng; đồng thời khẳng định thuốc được nhập từ nước ngoài về bằng đường xách tay, đảm bảo điều trị Covid-19 có hiệu quả.

Hay việc tìm kiếm từ khóa mua kit test Covid-19 trên Google, ngay lập tức cho kết quả hàng loạt sản phẩm được rao bán có xuất xứ nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ… trong đó, có rất nhiều sản phẩm chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Hay tại các hội nhóm trên mạng xã hội như “Chợ thuốc Hapulico” các sản phẩm kit test nhanh cũng được rao bán buôn, bán lẻ.

Vừa khỏi Covid-19, được người bạn giới thiệu tham gia một nhóm zalo chuyên đăng bán các sản phẩm hỗ trợ tăng đề kháng, bảo vệ sức khỏe mùa Covid-19, chị Nguyễn Như Quỳnh (Hoài Đức, Hà Nội) mới biết được thị trường thuốc hỗ trợ và điều trị Covid rất đa dạng và sôi động. Qua tìm hiểu, chị Quỳnh được biết có nhiều tài khoản đăng rao bán các thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe như viên uống bổ phổi của Nhật Bản, các loại đông trùng hạ thảo ở các dạng viên, dạng nước để bổ trợ sức khỏe. Hầu hết, người bán quảng cáo đó là những sản phẩm hỗ trợ điều trị Covid-19, có tác dụng rất tốt cho người đã khỏi bệnh, có người nhà ở nước ngoài gửi về và kèm thông tin người mua trước đó phản hồi.

Tương tự, các thiết bị hỗ trợ phòng, chữa bệnh như máy đo nồng độ oxy trong máu (SPO2)… cũng được giao bán với các mức giá khác nhau, giá rẻ nhất là từ 30.000 - 50.000 đồng/máy, giá cao hơn giá từ 100.000 - 600.000 đồng/máy được rao bán với số lượng lớn trong các hội nhóm trên mạng xã hội phục vụ nhu cầu của người mua. Tuy nhiên, các sản phẩm này rất khó có thể kiểm chứng chất lượng.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, tạm giữ lô kit test nhanh không rõ nguồn gốc

Gỡ bỏ gần 14.000 sản phẩm hỗ trợ điều trị Covid-19 trên sàn thương mại điện tử

Trên thực tế, trong suốt thời gian qua, các cơ quan chức năng đã liên tiếp phát hiện và thu giữ nhiều lô hàng kit test nhanh, thuốc điều trị, các loại thiết bị hỗ trợ điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, từ nước ngoài tuồn lậu vào tiêu thụ ở thị trường nội địa, đặc biệt là tiêu thụ trên không gian mạng.

Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP. Hà Nội, lợi dụng tình hình dịch bệnh phức tạp, các đối tượng đã rao bán các loại thuốc điều trị Covid-19, thậm chí quảng cáo rầm rộ trên các trang thương mại điện tử, các nền tảng tiếp thị online tự động, các hội nhóm trên các mạng xã hội dẫn đến việc khó kiểm soát được chất lượng cũng như nguồn gốc hàng hóa tiêu thụ. Từ đầu năm 2022 đến nay, Cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra, tạm giữ rất nhiều vụ việc liên quan đến thuốc điều trị, que test nhanh Covid-19, máy đo SPO2 là hàng hóa nhập lậu, không niêm yết giá tại nhà thuốc, vi phạm về nhãn hàng hóa.

Đơn cử, lực lượng QLTT TP. Hà Nội phối hợp với Công an quận Hai Bà Trưng phát hiện, tạm giữ lô gần 60.000 bộ kit test kháng nguyên Covid-19 và hơn 200.000 sản phẩm thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, tất cả đều do nước ngoài sản xuất, ước tính giá trị lô hàng khoảng 10 tỷ đồng tại địa chỉ số 838 Bạch Đằng, Hai Bà Trưng. Hay vụ việc mới đây, lực lượng QLTT Hà Nội phát hiện xe đang vận chuyển 240 hộp thuốc tân dược mang nhãn hiệu Arbidol (loại 10 viên/vỉ/hộp), hàng do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp ở quận Thanh Xuân.

Trước thực tế này, ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục QLTT TP. Hà Nội cho biết, đơn vị đã chỉ đạo các đội QLTT tập trung kiểm tra, kiểm soát đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc, trang thiết bị y tế, thương mại điện tử, sử dụng ứng dụng công nghệ số để kinh doanh (mạng xã hội Facebook, Zalo), không để các đối tượng xấu lợi dụng dịch bệnh trục lợi. Đồng thời, Cục đã yêu cầu các đơn vị vận động doanh nghiệp, hộ kinh doanh ký cam kết không buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, trước đó, Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu các sàn thương mại điện tử, các website thương mại điện tử bán hàng rà soát và gỡ bỏ 13.796 sản phẩm, thiết bị hỗ trợ điều trị Covid như kit test, thiết bị đo SPO2,.. có dấu hiệu vi phạm trên 4.216 gian hàng; tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trên không gian mạng...

Dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng tình trạng buôn lậu, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn diễn biến phức tạp và chưa thực sự bền vững. Tại nhiều địa bàn tình trạng bày bán công khai và tái phạm vẫn diễn ra. Nguyên nhân là do các website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng và rất khó kiểm soát. Thêm vào đó, người dân còn có tâm lý mua hàng vì giá rẻ, hàng nhái thương hiệu nổi tiếng hoặc chưa đủ kĩ năng, thông tin để nhận biết... đây cũng là cơ hội để các đối tượng trục lợi kiếm lời.

Hành vi bán thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ bị xử lý theo các quy định tại Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Điều 59 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.

Trong trường hợp cơ quan chức năng xác minh, thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ, đối tượng vi phạm có thể bị xử lý hình sự.

Trang Anh
Bài viết cùng chủ đề: Quản lý thị trường

Tin cùng chuyên mục

Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang tiêu hủy lượng lớn hàng hóa vi phạm

Ninh Bình: Một cơ sở kinh doanh điện thoại bị phạt 25 triệu đồng

Thừa Thiên Huế: Thu giữ số lượng lớn hàng hoá giả nhãn hiệu

Hà Nội: Tạm giữ nhiều thực phẩm nghi nhập lậu tại 2 cơ sở ở La Phù

Bắc Giang: Chuyển công an điều tra vụ Nguyễn Hữu Điện sản xuất thực phẩm giả

Bắc Giang: Kiểm tra hộ kinh doanh Lan Quý, tạm giữ hơn 27.000 sản phẩm mỹ phẩm

Ninh Bình: Kinh doanh thực phẩm nhập lậu, bị phạt 34,5 triệu đồng

Hà Nội: Đột kích kho hàng, tạm giữ hàng nghìn túi xách có dấu hiệu giả nhãn hiệu

Phú Thọ: Tạm giữ gần 6.000 đôi giày có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu NIKE, Adidas

Tiền Giang: Quyết liệt kiểm tra thuốc lá lậu cuối năm

Hòa Bình: Tiêu hủy gần 1 tấn nội tạng không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Năm 2024, lực lượng quản lý thị trường cả nước kiểm tra 68.280 vụ việc

Tổng cục Quản lý thị trường tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025

Bắc Giang: Thu nộp ngân sách trên 900 triệu đồng từ xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử

Đến hẹn lại lên, buôn lậu thuốc lá lại 'nóng' dịp cuối năm

Hoà Bình: Thu giữ gần 1 tấn nội tạng hôi thối khi đang đi tiêu thụ

Cục Quản lý thị trường Đà Nẵng: Năm 2024, xử lý 81 đơn vị vi phạm trong kinh doanh thuốc lá

Buôn lậu, gian lận thương mại: Giảm số vụ nhưng tăng trị giá hàng hóa

TP. Hồ Chí Minh: Quản lý thị trường tiêu hủy hơn 19.000 đơn vị sản phẩm vi phạm

Lạng Sơn: Tiêu hủy hơn 1 tấn thực phẩm nhập lậu là tang vật vi phạm