Đề xuất rút bảo hiểm xã hội một lần: Cần đảm bảo lợi ích cho người lao động
Cụ thể, phương án một là giữ nguyên quy định hiện hành, tức lao động tham gia dưới 20 năm bảo hiểm xã hội và sau một năm nghỉ việc không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì được rút một lần. Lao động được rút toàn bộ quá trình đóng nếu có nhu cầu, song về lâu dài sẽ chịu thiệt khi không được hưởng lương hưu.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cách này không thể hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, nhưng tác động đến lưới an sinh, tạo áp lực lên ngân sách chi trợ cấp hưu trí.
Phương án hai là cho lao động rút một lần song tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Thời gian đóng còn lại được bảo lưu để sau này lao động đủ tuổi nghỉ hưu được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Nghị quyết 93, người lao động nếu sau một năm không làm việc, không tham gia bảo hiểm xã hội có thể hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Mức hưởng bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương đóng cho mỗi năm tham gia bảo hiểm xã hội trước năm 2014 và 2 tháng mức bình quân tiền lương đóng cho mỗi năm tham gia sau đó.
Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, bình quân mỗi năm có khoảng gần 750.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần. Đặc biệt, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng từng năm. Thực tế này đang đặt ra thách thức đối với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến độ bao phủ đối tượng hưởng lương hưu tăng chậm.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên nhân của việc gia tăng số người rút bảo hiểm xã hội một lần là do họ gặp khó khăn về tài chính, phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt như trang trải cho gia đình, đầu tư cho con học, nợ nần, chi phí sinh hoạt sau mất việc làm…
Ngoài ra, quy định về thời gian đóng bảo hiểm xã hội 20 năm để đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí là quá dài, không phù hợp với khả năng tạo và duy trì việc làm cho người lao động của nền kinh tế và điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần quá dễ dàng.
Hiện đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang nhận được nhiều ý kiến từ dư luận. Một số ý kiến cho rằng, người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần là do họ không thể chờ đợi tới tuổi lương hưu như quy định hiện hành.
Theo đó, vấn đề cốt lõi cần hướng đến là xem xét độ tuổi hưởng lương hưu phù hợp. Mặt khác, cần đề xuất các gói hưởng lương hưu theo từng đội tuổi để đảm bảo cho người lao động trong từng ngành nghề khác nhau được hưởng theo đặc thù từng ngành.
Trao đổi về đề xuất rút bảo hiểm xã hội một lần của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội cho hay, cả hai phương án đều có ưu điểm và nhược điểm.
Với phương án giữ nguyên, ông Lợi cho rằng sẽ tạo cơ cơ hội cho người lao động khi họ rất khó khăn cần thiết rút số tiền đó, về nguyên tắc đó là tiền của họ và họ có quyền được rút. Nhưng lợi thì ít, hại thì nhiều vì hệ thống an sinh xã hội thế hiện sự đảm bảo lâu dài khi người lao động không còn khả năng lao động, về hưu, lúc đó phải có nguồn để sống, không thể dựa vào Nhà nước hay nhờ con cái được.
Mặt khác, theo ông Bùi Sỹ Lợi, điều này thể hiện còn dựa trên quy định của hiến pháp, quyền con người “Công dân Việt Nam có quyền được đảm bảo an sinh xã hội”, vậy an sinh xã hội đó thể hiện ở hai phía Nhà nước hỗ trợ và người lao động đóng góp, để làm sao không có xã hội chênh lệch giàu nghèo,và ai cũng có cuộc sống không bị bỏ lại phía sau. Do đó, bất lợi của việc rút một lần nhiều hơn là cái lợi mang lại trước mắt.
Đối với phương án 2, theo ông Lợi, có một ưu điểm cơ bản khi rất khó khăn, người lao động vẫn rút được 50% để giải quyết trước mắt, còn lại 50% bổ sung cho về già và trong quá trình phát triển, nếu có điều kiện, người lao động tiếp tục đóng thêm vào để khi về hưu vẫn có thu nhập về lương hưu cao hơn.
Ông Bùi Sỹ Lợi nêu, so với phương án đã được tính toán trước đây về việc rút bảo hiểm xã hội một lần là người lao động chỉ được rút 8% (tỷ lệ người lao động đóng) và không được rút 14% (tỷ lệ người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội, đây là phần thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động). “Do vậy, chúng ta nên lấy ý kiến của người lao động và người dân về việc này. Tuy nhiên, theo tôi, phương án hai có lẽ ưu việt hơn”- ông Lợi ý kiến.