Đề xuất quy định về đường sắt tốc độ cao
Bộ Giao thông vận tải cho biết, theo Chiến lược, quy hoạch phát triển đường sắt Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030: Triển khai xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao (trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160 km/h đến dưới 200 km/h, đây là công tác chuẩn bị để hoàn thiện và chạy tàu tốc độ ≥ 200 km/h).
Tầm nhìn đến năm 2050: Phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao khổ 1.435 milimét trên trục Bắc - Nam; sau năm 2050 triển khai tổ chức khai thác với tốc độ 350 km/h.
Từ những yêu cầu trên, dự thảo Luật đề xuất bổ sung mới một mục về đường sắt tốc độ cao (tốc độ khai thác ≥ 160 km/h) với các điều chủ yếu quy định về: chính sách phát triển; các yêu cầu chung; đầu tư xây dựng; quản lý, bảo trì và kinh doanh; quản lý an toàn đường sắt tốc độ cao.
Cụ thể, bên cạnh chính sách phát triển, ưu đãi chung trong hoạt động đường sắt, đường sắt tốc độ cao được phát triển như sau: Tập trung phát triển đường sắt tốc độ cao kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội quốc gia. Nhà nước đóng vai trò chính trong việc đầu tư xây dựng, tổ chức quản lý, bảo trì và khai thác, kinh doanh đường sắt tốc độ cao.
Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt tốc độ cao không trực tiếp liên quan đến chạy tàu; đầu tư phương tiện giao thông đường sắt tốc độ cao; nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ và phát triển nguồn nhân lực cho đường sắt tốc độ cao. Phát triển đường sắt tốc độ cao đồng bộ, hiện đại về kết cấu hạ tầng, phương tiện, công nghiệp và tổ chức khai thác vận tải để đảm bảo hoạt động giao thông vận tải thông suốt, an toàn, thuận tiện, hiệu quả. Nghiên cứu tổng thể từng tuyến; tổ chức xây dựng theo quy hoạch, nhu cầu vận tải và khả năng huy động vốn.
Theo dự thảo, đường sắt tốc độ cao kết nối hiệu quả các đô thị lớn, trung tâm kinh tế và các phương thức vận tải khác; đường sắt tốc độ cao phải đảm bảo đồng bộ, hiện đại, an toàn, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường. Đồng thời, công trình và phương tiện, thiết bị đường sắt tốc độ cao phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đảm bảo đồng bộ, an toàn và đáp ứng các yêu cầu về phòng chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn. Hành lang an toàn của đường sắt tốc độ cao phải được bảo vệ nghiêm ngặt, chống mọi hành vi xâm nhập trái phép của người, phương tiện, súc vật. Phải đảm bảo người khuyết tật, người cao tuổi tiếp cận sử dụng theo quy định của pháp luật. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ phù hợp với kế hoạch xây dựng và đáp ứng yêu cầu quản lý, vận hành, khai thác.
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng đường sắt tốc độ cao phải đảm bảo những yêu cầu sau: Công trình đường sắt tốc độ cao phải bảo đảm ổn định, bền vững và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo an toàn; hệ thống cung cấp điện sức kéo phải được điều khiển, giám sát tập trung; ổn định và có khả năng dự phòng để không làm gián đoạn chạy tàu; hệ thống quản lý điều hành chạy tàu phải theo phương thức tập trung; thông tin chỉ dẫn khách hàng phải đầy đủ, rõ ràng, viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
Đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam
Theo dự thảo, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư xây dựng tổng thể đường sắt tốc độ cao. Chính phủ phê duyệt và chỉ đạo việc đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao. Bộ Giao thông vận tải tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao. Giới hạn đất dành cho đường sắt tốc độ cao theo quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, phải được tổ chức cắm mốc giới để quản lý, chuẩn bị đầu tư xây dựng.
Ngoài ra, dự thảo cũng nêu rõ, Nhà nước đảm bảo kinh phí quản lý, bảo trì đường sắt tốc độ cao. Bộ Giao thông vận tải quy định nội dung quản lý, bảo trì đường sắt tốc độ cao và tổ chức thực hiện quản lý, bảo trì đường sắt tốc độ cao.
Đường sắt tốc độ cao xây dựng mới hoặc nâng cấp trước khi đưa vào khai thác phải được chứng nhận về an toàn hệ thống. Doanh nghiệp kinh doanh đường sắt tốc độ cao phải xây dựng và duy trì hệ thống quản lý an toàn.