Đề xuất phương án trả nợ BHXH
Nhiều doanh nghiệp phá sản khó thu nợ BHXH ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động |
Hiện nay, theo báo cáo từ BHXH Việt Nam, nợ BHXH là hơn 9.000 tỷ đồng, trong đó số tiền nợ từ 3 tháng trở lên là hơn 6.000 tỷ đồng, chiếm 72%. Đặc biệt, những doanh nghiệp nợ BHXH nhưng đã giải thể, phá sản không thể thu hồi được nợ đang làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Theo quy định, các doanh nghiệp đang hoạt động nợ tiền đóng BHXH có thể giải quyết quyền lợi cho những người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc thôi việc chuyển đơn vị khác. Nhưng, đối với các doanh nghiệp giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn, thì chưa có quy định giải quyết quyền lợi về BHXH đối với người lao động trong các doanh nghiệp này. Vì vậy, nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động, Bộ LĐTB&XH đang xây dựng dự thảo trình Chính phủ đề xuất phương án bảo vệ quyền lợi của người lao động trong các doanh nghiệp giải thể, phá sản, nợ tiền đóng BHXH.
Cụ thể, Bộ LĐTB&XH đề xuất: Phương án một, cơ quan BHXH xác nhận thời gian đóng BHXH đến thời điểm người lao động nghỉ việc để làm cơ sở giải quyết các chế độ hoặc chốt sổ BHXH để người lao động chuyển đơn vị khác. Để thực hiện phương án này, Chính phủ cần trình Quốc hội thông qua khoản ngân sách đảm bảo tiền đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp đã giải thể, phá sản mà còn nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội.
Phương án hai, cơ quan này xác nhận thời gian đóng BHXH đến thời điểm người lao động nghỉ việc để làm cơ sở giải quyết các chế độ, hoặc chốt sổ BHXH để người lao động chuyển đơn vị khác. Sau khi thực hiện xử lý tài sản của doanh nghiệp giải thể, phá sản mà không đủ trả tiền nợ đóng BHXH, thì quỹ BHXH chịu khoản tiền nợ BHXH không thu hồi được.
Theo đề xuất của phương án hai, ngoài quyền lợi về BHXH của người lao động được bảo đảm thì ngân sách nhà nước không phải bố trí một khoản kinh phí bảo đảm tiền nợ đóng BHXH của các doanh nghiệp đã giải thể, phá sản. Tuy nhiên, phương án này lại không bảo đảm đúng nguyên tắc đóng, hưởng theo quy định của Luật BHXH.
Phương án ba, cơ quan BHXH xác nhận thời gian đóng đối với người lao động đến thời điểm đóng đủ BHXH. Ngoài ra, sau này khi thực hiện xử lý tài sản của doanh nghiệp nếu thu hồi được sẽ xác nhận bổ sung cho người lao động. Sửa đổi một số pháp luật có liên quan theo hướng khi thanh lý tài sản của các doanh nghiệp giải thể, phá sản thì tiền đóng BHXH được ưu tiên trước khi thanh toán các khoản khác.
Theo phân tích, phương án ba được đánh giá là sẽ đảm bảo đúng nguyên tắc đóng, hưởng theo quy định của Luật BHXH. Ngân sách nhà nước không phải bố trí một khoản kinh phí bảo đảm tiền nợ đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp đã giải thể, phá sản. Tuy nhiên, quyền lợi về BHXH của người lao động không được bảo đảm và nhiều trường hợp người sử dụng lao động đã trích tiền đóng BHXH của người lao động nhưng không đóng cho cơ quan BHXH.
Bộ LĐTB&XH sẽ tổng hợp ý kiến tham gia của các bộ, ngành liên quan để đề xuất một phương án trình Chính phủ. Dựa trên cơ sở phương án đã lựa chọn, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để thực hiện phương án đề xuất. |