Đề xuất mới về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại của các Bộ
Theo đó, so với bản dự thảo trước, dự thảo mới đề xuất thêm về cung cấp thông tin giải thích, làm rõ như sau: Thông tin giải thích, làm rõ là những tư liệu, tài liệu, hồ sơ, lập luận nhằm giải thích, làm rõ, đấu tranh với các thông tin sai lệch ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của Bộ.
Các Bộ tổ chức theo dõi, tổng hợp dư luận báo chí trong nước và nước ngoài về tình hình Bộ. Khi phát hiện hoặc nhận được thông tin, tài liệu, báo cáo sai lệch ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của Bộ, các Bộ có trách nhiệm thông báo tới Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan để phối hợp công tác quản lý thông tin đối ngoại.
Khi phát hiện thông tin, tài liệu, báo cáo sai lệch ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh Việt Nam, hoặc khi nhận được thông báo bằng văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ có tránh nhiệm chủ động cung cấp những tư liệu, tài liệu, hồ sơ, lập luận nhằm giải thích, làm rõ, triển khai các biện pháp thông tin, tuyên truyền để bảo vệ và nâng cao uy tín, hình ảnh của Việt Nam.
Hồ sơ, lập luận giải thích, làm rõ gồm các nội dung chính sau: Nội dung thông tin sai lệch và cập nhật tình hình từ sau khi có thông tin sai lệch đến thời điểm giải thích, làm rõ; tác động của thông tin sai lệch đến uy tín, hình ảnh của Bộ, của đất nước; bản chất của sự việc, hiện tượng bị đưa thông tin sai lệch; căn cứ pháp lý trong nước và quốc tế, kinh nghiệm, tiền lệ xử lý liên quan đến thông tin sai lệch; đề xuất nội dung tuyên truyền trên báo chí và định hướng dư luận. Các Bộ chủ động triển khai các biện pháp thông tin, tuyên truyền để bảo vệ và nâng cao uy tín, hình ảnh của Bộ thông qua các hình thức sau đây: Ban hành Thông cáo báo chí giải thích, làm rõ thông tin sai lệch; người phát ngôn của Bộ, cơ quan chuyên môn thuộc Bộ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; cử đại diện lãnh đạo hoặc người phát ngôn tham dự giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức; Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí định kỳ hằng tháng về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại do Bộ Thông tin và Truyền thông và Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ tổ chức để cung cấp thông tin giải thích, làm rõ cho các cơ quan báo chí khi Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu. Đăng tải thông tin giải thích, làm rõ trên cổng thông tin điện tử của Bộ, các cơ quan chuyên môn; các sản phẩm truyền thông của các cơ quan thông tấn, báo chí và các phương tiện khác, bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài; cung cấp thông tin để các cơ quan thông tấn, báo chí giải thích, làm rõ đấu tranh với các thông tin sai lệch.
Đối với các thông tin sai lệch, gây tác động xấu trong dư luận xã hội, các Bộ có trách nhiệm thông báo và gửi các thông tin, lập luận giải thích, làm rõ cho Bộ Thông tin và Truyền thông để phối hợp theo dõi, quản lý báo chí và tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thông tin có nội dung bí mật nhà nước phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.