Đề xuất lựa chọn phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe
Ngày 15/3 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục Phiên họp thứ 31, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới |
Về cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, đây là nội dung lớn, có tác động đến toàn bộ người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, được cử tri và dư luận nhân dân đặc biệt quan tâm trong thời gian qua.
Căn cứ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổng hợp và đề xuất 02 phương án sau: Phương án 1: Quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (kế thừa theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, áp dụng đối với tất cả các loại phương tiện giao thông đường bộ).
Phương án 2: Quy định như Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là cấm: “Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở”. Đồng thời, phải sửa đổi quy định liên quan tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019.
“Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với đề xuất của Chính phủ và tha thiết đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn Phương án 1 để báo cáo Quốc hội cho phép tiếp tục kế thừa quy định hiện hành để bảo vệ được nhiều tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội, bảo vệ tuổi thọ của giống nòi” - ông Lê Tấn Tới cho biết.
Bày tỏ quan điểm đồng tình với phương án 1, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, qua thời gian thực hiện quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đã đi vào cuộc sống và được đông đảo người dân đồng tình thực hiện, đang từng bước hình thành văn hoá “đã uống rượu bia thì không lái xe”, đồng thời làm giảm các vụ tai nạn giao thông do rượu bia gây ra.
Trong năm 2023, sau khi lực lượng chức năng tăng cường xử lý đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn thì số tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu bia đã giảm 25% số vụ; 50% số người chết; 22% số người bị thương so với thường kỳ 2022.
“Bên cạnh đó, cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn cũng từng bước giảm thiểu tác hại trực tiếp của rượu bia với khoảng 30 căn bệnh nguy hiểm, và gián tiếp tới hơn 100 căn bệnh khác do rượu bia gây ra do sử dụng” - bà Thanh dẫn chứng.
Cùng chung quan điểm, bà Nguyễn Thuý Anh, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội nói thêm rằng, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Do đó, Luật này nên theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia.
Bà Nguyễn Thúy Anh nhắc lại việc đưa cấm sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông vào trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia để hạn chế tác hại của rượu bia cũng đã có gần 3/4 đại biểu Quốc hội khoá XIV đồng ý và trên thực tế đã có tác dụng rất tốt.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cũng thống nhất với phương án thứ 1, nhưng theo ông Tùng, báo cáo giải trình tiếp thu ra Quốc hội cần bổ sung làm rõ thêm một số lập luận để làm rõ sự cần thiết cũng như làm rõ thêm cơ sở khoa học của quy định này.