Thứ hai 25/11/2024 14:56

Đề án Tăng cường tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế: Nâng lên tầm quốc gia

Sáng nay (10/ 6), Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế (BCĐ), Báo Công Thương và Văn phòng Bộ Công Thương đồng tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến của các Bộ, ngành, hiệp hội, ngành hàng về Đề án "Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế”. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, Tổng thư ký BCĐ chủ trì tọa đàm.

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú chủ trì tại buổi tọa đàm

Phát biểu đề dẫn, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh: Tình hình hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra sôi động trong những năm gần đây, với những sự kiện nổi bật như việc thực hiện Kế hoạch xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015, đàm phán và tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đòi hỏi các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương, tăng cường hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế, nhằm giúp cho các cán bộ quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và đông đảo tầng lớp nhân dân kịp thời nắm bắt thông tin, hiểu và thực hiện tốt hơn nữa các cam kết hội nhập.

Trên cơ sở xác định công tác thông tin tuyên truyền về hội nhập quốc tế với trọng tâm là hội nhập kinh tế là một trong những nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng của Bộ Công Thương; đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và các địa phương cùng cộng đồng doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền, phổ biến thông tin kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn tới, Văn phòng BCĐ đã xây dựng dự thảo Đề án tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó đề ra mục tiêu cũng như những nội dung cụ thể để đẩy mạnh công tác này ngày càng sâu rộng hơn nữa.

Ông Trịnh Minh Anh - Phó Chánh Văn phòng BCĐ - cho biết: Thời gian qua, các Bộ, ngành và địa phương đã tích cực triển khai công tác thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế. Hoạt động thông tin tuyên tuyền luôn theo sát các định hướng của Đảng và Chính phủ, nội dung thông tin tuyên truyền cập nhật, phong phú, kịp thời phản ánh tình hình hội nhập trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, còn một số tồn tại, hạn chế như chưa đáp ứng được hết nhu cầu của các cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân; chưa đủ sức lan toả rộng khắp tới các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. “Chính vì vậy, dự thảo Đề án đã chỉ rõ những tồn tại trong thời gian qua và đưa ra những giải pháp truyền thông về hội nhập hiệu quả trong thời gian tới” - ông Trịnh Minh Anh khẳng định.

Đông đảo Bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp tham dự tọa đàm

Cũng theo ông Trịnh Minh Anh, đề án đưa ra nhiều điểm mới và trọng tâm ưu tiên trong việc triển khai công tác thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế, cụ thể: Thứ nhất, có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; thứ hai, có kế hoạch tổng thể theo từng năm; thứ ba, có trọng tâm, trọng điểm rõ ràng như: trọng tâm về nội dung, chuyển trọng tâm từ hội nhập ngoài nước sang hội nhập trong nước, từ phổ biến đến hướng dẫn, từ giới thiệu đến thực thi cam kết. Phù hợp với đặc thù của các địa phương, nhóm địa phương, từng vùng miền và từng nhóm đối tượng thông tin tuyên truyền. Bên cạnh đó, có ưu tiên về đối tượng, là các cán bộ quản lý nhà nước tại địa phương; các doanh nghiệp, theo các hiệp hội, nhóm ngành hàng, cụm khu công nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp. Đồng thời, bổ sung các phương thức thông tin tuyên truyền mới như: Xây dựng các bộ phận tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế, tổ chức nghiên cứu để giải thích chính sách và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; các chương trình đào tạo trực tuyến; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm trực tuyến; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn trực tuyến theo từng chuyên đề cụ thể, thiết thực…; thứ tư, có giám sát, đánh giá, báo cáo tình hình thực hiện: Hàng năm, các Bộ, ngành tự đánh giá về tình hình thực hiện công tác thông tin tuyên truyền, gửi Bộ Công Thương tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế. Đưa Chương trình thông tin tuyên truyền vào kế hoạch hàng năm của BCĐ.

Hầu hết các tham luận tại tọa đàm đều đánh giá cao sự chuẩn bị xây dựng đề án của Bộ Công Thương. Đề án này là cần thiết khi Việt Nam hội nhập sâu rộng mạnh mẽ. Bên cạnh đó, nội dung đề án cũng được xây dựng công phu, chỉ rõ những thực tế tồn tại trong thời gian qua và nhưng mục tiêu giải pháp cần phải thực hiện trong thời gian tới.

Ông Đặng Hoàng An – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - nhận định: Tập đoàn EVN hoàn toàn nhất trí với đề án tăng cường công tác tuyên truyền hội nhập kinh tế quốc tế, đã chỉ ra được thực trạng công tác thông tin, mục tiêu nâng cao hơn nữa hiệu quả tuyên truyền. Ông An đề nghị, để Đề án có hiệu quả cao, các cơ quan truyền thông phải vừa là đối tượng đi tuyên truyền, vừa là đối tượng phải được tập huấn về tuyên truyền. Vì vậy, các cơ quan truyền thông phải nắm bắt rõ, thấu hiểu những hiệp định đàm phán chúng ta tuyên truyền như: thương mại thế nào, chính sách thuế, hải quan... như thế nào. Cùng với đó, phải đưa công tác tuyên truyền thành mục tiêu quốc gia, chương trình quốc gia có chuyên đề thực hiện. Phải mở những chuyên trang, cơ sở dữ liệu để phổ biến những tài liệu, cam kết của các ngành hàng. Ban chỉ đạo chuyên trang cung cấp toàn bộ tài liệu, hiệp định, cam kết trên trang để các doanh nghiệp chủ động truy cập. “Tôi cho rằng đấy là điều cần thiết để có sự tìm hiểu cả 2 chiều” - ông An nhấn mạnh.

Ông Vũ Trung Thực - Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư, Tổng công ty Máy và thiết bị công nghiệp - cho rằng, những lĩnh vực có liên quan sát sườn trong các hiệp định như: dệt may, da giày, thủy hải sản … không chỉ có những cán bộ chuyên trách kiêm nhiệm mà cần thành lập Ban điều phối để nghiên cứu các chính sách liên quan. Đồng thời cũng nắm được những cơ chế chính sách của nhà nước, hợp tác cụ thể trong thời gian tới để có những định hướng đúng trong hội nhập.

Các Bộ, ngành trao đổi với đại diện Bộ Công Thương bên lề tọa đàm

Bên cạnh đó, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, đối tượng, phạm vi của đề án rất rộng, liên quan đến mọi cơ quan, Bộ, ngành trong nước, bởi vậy đề nghị có sự phân công cụ thể để các Bộ, ngành chủ động phân công trong nội bộ.

Đại diện Ngân hàng nhà nước Việt Nam đề nghị Đề án cần làm rõ đối tượng của từng Bộ, ngành để họ chủ động tiến hành tuyên truyền cho Bộ, ngành mình nhưng vẫn đảm bảo tổng thể. Ngoài ra, nên cân nhắc hơn trong dùng từ “hội nhập bên trong” tránh hiểu lầm là đóng cửa không giao tiếp với bên ngoài. Nếu đưa thông điệp này sẽ có thể hiểu sai lệch .

Theo đại diện Bộ Tài chính, cần đánh giá kỹ hơn về mục tiêu và nội dung triển khai và độ phủ như thế nào, hàng năm thực hiện đến đâu. Đồng thời, phải có thời gian đánh giá cụ thể để chỉnh sửa, thay đổi nội dung, giải pháp cho phù hợp với tình hình thực tế quá trình hội nhập.

Đề án cần chỉ rõ thời gian tới, các báo cần xây dựng chuyên mục về hội nhập kinh tế quốc tế, ưu tiên triển khai dưới hình thức như bài giảng, trao đổi, đánh giá, tọa đàm của các chuyên gia đối với từng lĩnh vực cụ thể, theo từng chuyên đề. Trên cổng thông tin của tất cả các bộ, ban, ngành từ trung ương đến địa phương cần dành riêng một chuyên mục về hội nhập kinh tế quốc tế để cung cấp các thông tin, văn bản, tài liệu về hội nhập kinh tế quốc tế để tất cả các đối tượng quan tâm dễ dàng tra cứu, cập nhật.

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú ghi nhận các ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành và hiệp hội, sở Công Thương các tỉnh. Thứ trưởng khẳng định: Nhiều ý kiến đã gợi mở ra nhiều nội dung giải pháp giúp Đề án hoàn thiện hơn. Trên cơ sở các ý kiến đó, tổ soạn thảo sẽ chỉnh sửa hoàn chỉnh dự thảo Đề án trong thời gian sớm nhất.

Ông Nguyễn Viết Vinh- Tổng thư ký Hiệp hội cà phê, Ca cao Việt Nam

Bộ Công Thương xây dựng Đề án: “Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế ” là rất kịp thời và đầy đủ thông tin khi chúng ta vừa ký 8 FTA mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa. Nhưng nếu đề án này nâng tầm lên đề án quốc gia sẽ đầy đủ và cụ thể hơn. Vì trên thực tế đề án này rất quan trọng, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương nhằm nâng cao công tác thông tin tuyên truyền trong kinh tế hội nhập tạo nên sức mạnh tổng hợp trong quá trình hội nhập quốc tế.

Ngoài ra khi xây dựng Đề án phải có giai đoạn nhất định, gắn với chương trình hành động của Chính phủ. Kể cả các địa phương, doanh nghiệp phải xây dựng lồng ghép, thông tin tuyên truyền, đồng thời tập trung đánh giá lại thông tin để triển khai sâu rộng. Để DN hiểu và nắm bắt sâu rộng hơn thông tin hội nhập, các Bộ, ngành và địa phương cần vào cuộc hỗ trợ thông tin một cách hiệu quả tạo sự lan tỏa của Đề án.

Bà Trần Thị Phương Lan- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội

Công tác thông tin tuyên truyền cần được thực hiện đồng bộ, kịp thời từ trung ương đến địa phương. Các cơ quan đầu mối tuyên truyền của trung ương cần định hướng công tác tuyên truyền cho các địa phương, cung cấp thường xuyên, kịp thời thông tin, văn bản, tài liệu tuyên truyền cho các địa phương để có cơ sở tuyên truyền tại địa bàn. Hơn nữa cần xử lý, phân tích, đánh giá cụ thể tác động tích cực, cũng như tiêu cực tới từng lĩnh vực, nhóm ngành hàng, doanh nghiệp, theo nội dung từng hiệp định FTA cam kết để các doanh nghiệp thấy được tác động của hiệp định. Hiện nay, chưa có nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm tới các đàm phán thương mại đang diễn ra, mà chỉ phần lớn quan tâm tới các quy định, chính sách ảnh hưởng tức thời tới hoạt động kinh doanh hiện tại, ít quan tâm tới các vấn đề ảnh hưởng tới mình trong tương lai.

Ông Hoàng Vệ Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam

Là đại diện của cộng động doanh nghiệp ngành may mặc, chúng tôi luôn luôn coi trọng công tác hội nhập và kết quả tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trong 10 năm gần đây khoảng 15-20%, là minh chứng cho tác động của hội nhập đến doanh nghiệp. Vì vậy, Đề án ra đời là rất cần thiết đối với ngành may mặc nói riêng và các ngành hàng nói chung. Vì vậy, để Đề án có hiệu quả cần tuyên truyền nhấn mạnh một số điểm như sau: Thứ nhất, khi tuyên truyền về các Hiệp định Thương mại tự do, cần chỉ rõ lợi ích cho doanh nghiệp trong từng lĩnh vực cụ thể, để thu hút được sự quan tâm tham gia của doanh nghiệp. Thứ hai, phối hợp chặt chẽ với các đoàn đàm phán của chính phủ, để cung cấp thông tin hoàn chỉnh, đầy đủ, chính xác, kịp thời nội dung Hiệp định và cách thức triển khai cam kết trong Hiệp định đối với các doanh nghiệp. Thứ ba, phổ biến thông tin, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhằm tận dụng tối đa các lợi thế có được từ các Hiệp định mang lại bao gồm nâng cao năng lực quản trị chuỗi, lưu trữ hồ sơ, đào tạo nhân lực chất lượng cao, các quy định về xuất xứ hàng hóa, quy định thuế... Thứ tư, cần có chương trình cụ thể hơn về tuyên truyền đến các doanh nghiệp từ các cơ quan lập pháp, tổ chức ngân hàng tài chính, chính quyền địa phương, nhằm giúp doanh nghiệp giải quyết các khó khăn chính sách, nguồn vốn và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Thứ năm, tăng cường liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, nhà trường, kịp thời bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nhân lực cho ngành. Đây là một quá trình hội nhập rất lớn, nếu không có đào tạo nhân lực ngay từ các nhà trường, thì nhân lực sau khi đào tạo đến các doanh nghiệp làm việc sẽ gặp nhiều bất cập.

Ông Hoàng Vĩnh Long - Chánh văn phòng Hiệp hội Chè Việt Nam: Đừng để doanh nghiệp Việt rơi vào thế bị động

Vitas luôn theo sát, nắm bắt thông tin về lộ trình ký kết các FTA để phổ biến tới các DN. Tuy nhiên, thông tin được cập nhật trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn hạn hẹp, chung chung.

Theo tôi, các cơ quan chức năng cần có sự tuyên truyền về nội dung chi tiết từng đề mục ký kết từ sớm, thậm chí ngay trong quá trình đàm phán. Việc cởi mở và minh bạch mọi thông tin ngay từ lúc ban đầu đàm phán sẽ giúp DN và các cơ quan có liên quan có thể bắt kịp và vận hành tốt hơn, tránh tình trạng DN rơi vào thế bị động như hiện nay, chỉ biết đến FTA khi “sự đã rồi”. Hiệp hội và DN mong muốn được cùng đóng góp ý kiến, tham gia vào việc xây dựng lộ trình, nội dung của các FTA, để hiệp định được thực hiện dựa trên căn cứ thực tế. DN cũng sẽ nắm bắt rõ được mình sẽ phải làm gì, phải đối phó với những gì, thách thức ra sao và sẽ phải tận dụng được những lợi thế nào trong thời gian tới.

Ông Lương Thế Hùng- Tổng giám đốc Công ty CP Cà phê Mê Trang: Truyền thông là nhịp cầu kết nối

Trên kênh truyền thông trong lĩnh vực hội nhập của Việt Nam, DN đã nắm bắt nhiều cơ hội cho xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu của DN vẫn còn nhiều hơn thế nữa để phát triển và hội nhập.

Tôi xin chia sẻ những khó khăn mà Mê Trang đang gặp phải, đó là các chính sách thuế, hoàn thuế của ngành thuế và hải quan Việt Nam. Đó không chỉ là vấn đề trì trệ, mà nó còn... nhiêu khê. Nếu như với nước ngoài, chúng tôi chỉ mất 3 phút, thì tại Việt Nam, 1 ngày cũng chưa giải quyết xong. Nếu chính sách hoàn thuế nhanh gọn, chúng ta không chỉ tiết kiệm chi phí rất nhiều cho nhà nước, cho DN, mà còn khuyến khích đầu tư, tạo điều kiện cho nông dân xuất khẩu trực tiếp cà phê… Những băn khoăn, trăn trở ấy, chúng tôi trông cậy rất nhiều vào công tác tuyên truyền, cùng tháo gỡ cho DN. Với DN, công tác tuyên truyền trong lĩnh vực hội nhập cũng chính là nhịp cầu nối, chuyển tải những tâm tư, khó khăn của DN đến các nhà quản lý, ngược lại, DN cũng học, đọc nhiều thông tin bổ ích trên báo.

Ông Trần Quốc Hoàn - Giám đốc chi nhánh Intimex tại Nghệ An: DN vẫn "đói" thông tin

Nói một cách công bằng, một phần là lỗi của DN, có thể do cách tuyên truyền cũng có thể là do cách tiếp nhận thông tin không đầy đủ của DN. Thực tế, tuyên truyền vẫn tuyên truyền, mà DN không biết thì vẫn không biết. Chính cách thức tuyên truyền chưa hiệu quả nên DN không biết rõ thông tin về thị trường.

Một ví dụ, khi DN Nghệ An muốn tìm hiểu về việc Việt Nam ký một số FTA, nhưng chưa hề được tiếp cận, không thể biết nội dung gì để tìm hiểu thị trường mới, vẫn chỉ loanh quanh với thị trường truyền thống là Trung Quốc.

Ngành Công Thương cần hỗ trợ, tạo cơ hội cho các DN trong hội nhập, kết nối với các bạn hàng. Trước hết, Sở Công Thương cần có nhiều hơn những cuộc tập huấn, hội thảo chuyên đề sâu sát với DN, các thành phần được tham gia là các giám đốc DN để các chủ trương, chính sách đến gần hơn được với DN.

Ông Phan Trọng Nhất - Giám đốc Công ty trà Phan Nhất (Điện Biên): Chúng tôi cần hỗ trợ thông tin

Do nguồn lực tài chính hạn chế, nên DN ít có điều kiện tham gia xúc tiến thương mại trực tiếp tại thị trường nước ngoài. Chúng tôi cần thông tin chính thống từ các cơ quan nhà nước về phát triển thị trường, xúc tiến thương mại. Ví dụ, đối với sản phẩm chè, chúng tôi thiếu thông tin thị trường nào thực sự tiềm năng, quy cách sản phẩm, đóng gói, các quy định về an toàn thực phẩm, cách tiếp cận thị trường…

Để có thể hỗ trợ DN sản xuất và xuất khẩu chè một cách hiệu quả, thiết nghĩ cơ quan nhà nước cần có các báo cáo nghiên cứu chi tiết về các thị trường tiềm năng, trong đó nêu bật nhu cầu thực tế, các yêu cầu về chủng loại sản lượng, chất lượng, quy cách, tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm của sản phẩm..., trên cơ sở đó đưa ra tư vấn, khuyến cáo chè ở đâu sẽ phù hợp với thị trường nào; đồng thời có cơ chế hỗ trợ, chia sẻ cho DN vừa và nhỏ tham gia trực tiếp nghiên cứu thị trường, nhất là các DN ở địa phương. Bởi chính DN sản xuất trực tiếp, hiểu rõ về sản phẩm của mình.

Ông Nguyễn Mộng Lân - Tổng giám đốc Công ty TNHH Vico Hải Phòng: Hỗ trợ từ các kênh truyền thông

DN là lực lượng quyết định sự thành công trong hội nhập kinh tế quốc tế, cần quan tâm hơn nữa mũi xung kích này để biến thành một trong những mũi đột phá, đưa nước ta sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Nếu nói công tác tuyên truyền đã đáp ứng nhu cầu DN hay chưa thì theo tôi, thông tin mới chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ, còn lại DN vẫn tự thân vận động. Điều mà DN cần chính là sự hỗ trợ của các kênh thông tin truyền thông đại chúng để nắm bắt được các cơ chế, chính sách kịp thời, từ đó có những kế hoạch sản xuất- kinh doanh chuẩn xác, giảm chi phí sản xuất thông qua các thủ tục hành chính. Nếu không làm được điều này DN Việt sẽ rất khó hội nhập với nền kinh tế toàn cầu.

Bà Vũ Thị Lương - đại diện phía Bắc Hiệp hội Điều Việt Nam: Truyền thông về hội nhập cần sâu rộng!

Hiện nay thông tin về hội nhập tại website của Vinacas không thiếu. Nhiều DN cũng thắc mắc về cơ hội, thách thức gì khi những quy định về cắt giảm thuế suất của các FTA mà Việt Nam đã và sẽ tham gia.Vinacas rất khó trả lời vì mỗi DN có những thách thức khác nhau. Vì vậy, bên cạnh việc truyền tải thông tin đầy đủ cho DN thì Vinacas sẽ cố gắng cung cấp cho DN công cụ và phương pháp để phân tích các thông tin xung quanh vấn đề hội nhập. DN sẽ dùng công cụ đó để tự đánh giá cơ hội, thách thức của mình.

Trong thời gian tới, Vinacas sẽ cố gắng phổ biến các thông tin về hội nhập, khai thác tối đa những lợi thế mà FTA mang lại, nhanh chóng để đưa ngành điều chiếm lĩnh thị trường, nâng cao kim ngạch xuất khẩu.

Nhóm phóng viên

Tin cùng chuyên mục

Tổng thống Bulgaria đến Hà Nội, bắt đầu thăm chính thức Việt Nam

Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Phiên họp toàn thể Nghị viện quốc tế vì Bao dung và Hòa bình

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chào xã giao lãnh đạo Campuchia nhân dịp dự IPTP 11

Củng cố nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ quan hệ Việt Nam-Malaysia

Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Nhiều ý kiến đóng góp tích cực, bổ sung cho dự án Luật Hóa chất (sửa đổi)

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng ngành hóa chất hiện đại

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Đại học Quốc gia Malaya

Đại biểu Quốc hội: Cần thống nhất một đầu mối quản lý nhập khẩu, kinh doanh hóa chất

Bộ trưởng Bộ Công Thương giải trình, làm rõ về Luật Hóa chất (sửa đổi)

Tổng Bí thư và Phu nhân lên đường về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Malaysia

Kỹ sư dầu khí Việt kiều báo cáo Tổng Bí thư Tô Lâm kinh nghiệm phát triển năng lượng tái tạo Malaysia

Tổng Bí thư và Phu nhân thăm Đại sứ quán và gặp cộng đồng người Việt ở Malaysia

Thảo luận về quản lý đầu tư, Thủ tướng nêu loạt vướng mắc và giải pháp từ doanh nghiệp ngành Công Thương

Tổng Bí thư hoan nghênh doanh nghiệp Malaysia đầu tư, làm ăn lâu dài ở Việt Nam

Cần cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để sớm đưa thành quả nghiên cứu vào thực tiễn

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình kiểm tra tiến độ Dự án cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột

Khẳng định Việt Nam độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, đóng góp trách nhiệm trước các vấn đề toàn cầu

Cần đưa quy định phát triển công nghiệp bán dẫn vào Luật Công nghiệp công nghệ số

Sẽ quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp theo dòng vốn đầu tư