Chủ nhật 17/11/2024 09:12

Đâu là giải pháp hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2022?

Bức tranh kinh tế quý I/2022 có nhiều điểm sáng, nhưng áp lực đạt mục tiêu tăng trưởng GDP vẫn đang rất khó khăn, nhất là trong bối cảnh giá nguyên, nhiên vật liệu trên thế giới được dự báo tăng mạnh. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

Bà đánh giá như thế nào về mức tăng trưởng GDP 5,03% trong quý I/2022, đâu là những điểm sáng trong bức tranh kinh tế 3 tháng đầu năm, thưa bà?

Có thể nói bức tranh kinh tế - xã hội quý I/2022 có những chỉ số hết sức tích cực, thể hiện qua mức tăng trưởng GDP đạt 5,03, vượt qua mức tăng của quý I/2020 và 2021. Trong đó, điểm sáng đầu tiên là có sự tăng trưởng đồng đều ở cả 3 khu vực. Cụ thể, ở khu vực nông-lâm-ngư nghiệp, vẫn thể hiện rõ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế với mức tăng trưởng 2,45%; Khu vực công nghiệp – xây dựng vẫn thực sự giữ được mức tăng trưởng gần 6,4%, tương đương cùng kỳ năm ngoái và vẫn là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Đặc biệt, khu vực dịch vụ, đã vượt qua mức tăng trưởng của khu vực này ở quý I/2020 và 2021, đạt mức tăng trưởng 4,58%, thực sự đảm bảo vai trò kết nối cung-cầu và đảm bảo huyết mạch của nền kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Điểm sáng thứ 2 được đề cập từ phía cầu, đó là vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng rất mạnh ở cả khu vực trong nước, ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tăng trưởng bình quân đến gần 9%. Đây thực sự là điểm khẳng định được niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước đối với sự phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới.

Thứ 3, xuất nhập khẩu của chúng ta vẫn giữ được mức tăng trưởng tốt, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 14,4%, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn trong việc kết nối cũng như thị trường, với những biến động về địa chính trị và giá xăng dầu tăng cao, khẳng định kinh tế Việt Nam vẫn đảm bảo kết nối giữa cung-cầu với thế giới.

Điểm sáng thứ 4 là, chúng ta đã vượt qua được bão giá giữa khu vực và thế giới khi Chỉ số giá tiêu dùng quý I chỉ tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước. Đây có thể gọi là khá thấp trong khu vực, đồng thời thể hiện chúng ta đã khai thác tốt lợi thế từ nguồn cung trong nước, đảm bảo được cân đối xuất nhập khẩu xăng dầu và khai thác được sản xuất trong nước cũng như quản lý được việc tăng giá ở thị trường trong nước, không để đột biến giá cả cùng với các chính sách rất hiệu quả, thiết thực, không gây áp lực lên nguồn cung, tạo thuận lợi trong ổn định kinh tế vĩ mô.

Mặc dù chưa đạt được tốc độ tăng trưởng như trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19, nhưng kết quả GDP quý I/2022 cũng được đánh giá khá tích cực. Theo bà, đâu là nhân tố quan trọng để chúng ta đạt được kết quả trên?

Nói về những nhân tố quan trọng giúp Việt Nam đạt được mức tăng trưởng 5,03% trong quý I, trước hết phải nói đến sự điều hành hết sức linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tăng cường cập nhật thông tin về biến động tình hình kinh tế, chính trị thế giới và đưa ra các quyết sách phù hợp, cũng như kiểm soát thực thi chính sách trong thời gian vừa qua.

Điển hình, ngay từ khi biến động xung đột Nga – Ukraine, tạo ra những biến động liên quan đến thị trường xăng dầu thì đã được Chính phủ và các cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời, đảm bảo nguồn cung năng lượng xăng dầu trong nước, giữ được niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp với thị trường.

Đảm bảo nguồn cung những mặt hàng liên quan đến sản xuất, tiêu dùng trong nước tạo cơ hội để Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2022

Bên cạnh đó, việc triển khai các gói hỗ trợ lần này cũng được thực hiện linh hoạt, hiệu quả, chúng ta không đẩy tiền ra lưu thông mà giảm trừ trực tiếp cho người được thụ hưởng, với cách làm này đã mang lại hiệu quả cao, cùng với đó, chính sách hỗ trợ người lao động, việc giảm thuế VAT (giá trị gia tăng) với những mặt hàng thiết yếu 2% đã hỗ trợ người lao động quay lại sản xuất và kích thích được nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Với sự quyết tâm, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành kinh tế thời gian qua, hy vọng, đây cũng là tiền đề để nền kinh tế đạt được bước đột phá trong quý II và quý III/2022.

Bên cạnh những yếu tố tích cực, kinh tế trong nước cũng đang đối mặt với những thách thức không nhỏ do sự tăng giá của nhiều loại hàng hóa trên thế giới. Để hạn chế những tác động này và đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, theo bà chúng ta cần có những giải pháp gì trong thời gian tới?.

Tăng trưởng GDP quý I dù đạt được những kết quả tích cực, tạo niềm tin để chúng ta tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức không nhỏ trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiện giá nhiều mặt hàng nguyên, nhiên liệu như thức ăn chăn nuôi, phân bón, năng lượng, sắt thép trên thế giới đang có nguy cơ tăng cao, điều này cũng tạo ra những áp lực trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng từ 6-6,5% trong năm 2022.

Để hạn chế những tác động tiêu cực từ giá nguyên, nhiên liệu thế giới đến nền kinh tế, tiến tới đảm bảo kinh tế vĩ mô và đạt mục tiêu tăng trưởng, trước mắt, chúng ta cần đảm bảo nguồn cung ứng với những mặt hàng liên quan đến sản xuất và tiêu dùng trong nước như xăng dầu, xi măng, sắt thép và vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp… không để xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Đồng thời với đó, làm tốt công tác khơi thông cung – cầu trong nước và quốc tế, vừa để vừa đảm bảo nguồn cung ứng trong nước, nhưng đồng thời cũng đẩy mạnh được xuất khẩu được hàng hóa ra thị trường thế giới, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, lưu thông hàng hóa và hồi phục sau 2 năm ngưng trệ bởi dịch Covid-19.

Về dài hạn, chúng ta cần xem xét, chuyển đổi cơ cấu tiêu dùng năng lượng, chuyển sang năng lượng xanh, năng lượng bền vững từ tự nhiên, không gây ô nhiễm môi trường, tiến tới tự chủ nguồn năng lượng cung cấp cho sản xuất, tiêu dùng trong nước. Bên cạnh nâng cao chất lượng hàng hóa để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống, khai thác thêm thị trường xuất khẩu mới, Việt Nam cũng cần tập trung khai thác tốt thị trường trong nước với trên 90 triệu dân, gia tăng cơ hội tăng trưởng kinh tế.

Xin cảm ơn bà!

Nguyễn Hòa (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam: 25 năm hành trình vun đắp niềm tin

VietinBank có thu nhập hoạt động (TOI) cao nhất ngành Ngân hàng

BIDV và KIOTVIET hợp tác triển khai dịch vụ ngân hàng tích hợp

Quý 3/2024, tập đoàn Manulife toàn cầu tiếp tục tăng trưởng ấn tượng

Tập đoàn FPT bắt tay Sun Life Việt Nam hợp tác chuyển đổi số nhằm nâng tầm trải nghiệm Khách hàng

Hội thảo góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đối với đồ uống có cồn

Khác biệt làm nên sức hút của các dịch vụ ngân hàng số TPBank

Lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng tối đa chỉ 5,25%/năm

Trung bình mỗi ngày người dân mang 2.882 tỷ đồng gửi tiết kiệm ngân hàng

Tín dụng tiêu dùng kỳ vọng tăng tốc dịp cuối năm

Cổ phiếu MZG của Công ty Cổ phần Miza chính thức lên sàn UPCoM HNX

Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam triển vọng tích cực giai đoạn cuối năm 2024

Manulife nâng cấp sản phẩm Sống Khỏe Mỗi Ngày, đáp ứng nhu cầu của khách hàng về bảo hiểm sức khỏe

Tín dụng chính sách: Yếu tố giúp Việt Nam thành hình mẫu của thế giới về giảm nghèo

Doanh nghiệp châu Âu lạc quan về triển vọng đầu tư dài hạn tại Việt Nam

Techcombank tiên phong triển khai dịch vụ xác thực điện tử qua VNeID

Thị trường chứng khoán tuần tới: Nhà đầu tư đang chờ đợi tín hiệu hạ nhiệt của tỷ giá

Trái phiếu doanh nghiệp chậm trả giảm mạnh trong 10 tháng

Nguồn vốn tín dụng chính sách mở rộng cơ hội việc làm cho người dân

Tín dụng tăng 10% song sức hấp thụ vốn vẫn còn yếu