Đắk Nông phát triển thương hiệu cà phê đặc sản, tăng giá trị xuất khẩu
Nâng giá trị hạt cà phê
Sau 3 năm canh tác theo hướng bền vững, rẫy cà phê 4 ha của gia đình anh Hồ Văn Vinh, ở khối 9, thị trấn Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) dần hình thành một hệ sinh thái với thảm cỏ, cây tạo tán, che bóng. Trong rẫy, cà phê là cây chủ lực, các loại cây khác trồng xen được anh bố trí hợp lý để tương hỗ lẫn nhau cùng phát triển. Cây cỏ được phát dọn định kỳ, không sử dụng thuốc hóa học, phân chuồng ủ mục với chế phẩm sinh học thay thế phân hóa học để giảm chi phí và cải tạo đất.
"Thay đổi để phát triển bền vững và bắt kịp xu hướng làm nông nghiệp tiên tiến", anh Vinh giải thích ngắn gọn cho sự thay đổi về canh tác. Ngoài canh tác anh Vinh tìm hiểu cách nâng giá trị hạt cà phê từ khâu thu hoạch đến các phương pháp chế biến. Anh Vinh nhận thấy, mỗi vụ thu hoạch cà phê kéo dài khoảng 1,5 - 2 tháng và người nông dân có thể tăng giá trị gấp nhiều lần chỉ cần đầu tư vào khâu thu hoạch hái chín, chế biến. Vụ thu hoạch vừa rồi, anh Vinh thu hoạch được 10 tấn cà phê nhân, trong đó anh tuyển lựa và chế biến được 5 tấn cà phê honey, loại này bán cao hơn giá thị trường từ 15.000 đồng - 20.000 đồng/kg. Anh Vinh chia sẻ, thay vì bán xô tất cả như trước tôi tuyển lựa và sơ chế được 5 tấn cà phê chất lượng cao, giá trị nâng lên gần gấp đôi so với cà phê xô bình thường. Những hạt cà phê tuyển lựa xong phần còn lại sẽ được phơi và bán với giá xô.
Thu hoạch cà phê có tỉ lệ chín cao. |
Câu chuyện hái chín được anh Nguyễn Nhất Toàn, ở thôn Minh Đoài (xã Đức Minh, huyện Đắk Mil) thực hiện từ năm 2012 đến nay. Anh Toàn chia sẻ, để cà phê chín, khi đó khu vực rẫy cà phê của anh nhiều nhà đã thu hái xong dễ thuê công hái, thời điểm cuối mùa mưa thuận lợi cho việc chế biến và phơi. Theo tính toán của anh Toàn, gia đình anh có 1,6 ha cà phê thu được khoảng 4,5 tấn cà phê nhân. Mỗi vụ thu hoạch anh tuyển lựa được từ 2 tấn - 3 tấn cà phê chất lượng cao bán với giá từ 65.000 đồng/kg trở lên cao gần gấp đôi so với cà phê xô. Còn 1,5 tấn cà phê sau tuyển lựa anh bán theo giá thị trường khoảng 35.000 đồng/kg. Làm cà phê theo hướng hái chín nông dân được lợi rất nhiều. Nếu không chế biến, việc thu hái chín, bán tươi cũng cao hơn giá thị trường từ 500 đồng/kg - 3.000 đồng/kg. Cùng sản lượng đó, chỉ lo 1,5 - tháng thu hoạch, qua cách chế biến đưa giá trị cà phê và lợi nhuận tăng lên.
Hình hành vùng cà phê đặc sản
Thực hiện Đề án phát triển vùng sản xuất cà phê đặc sản, tỉnh Đắk Nông chọn huyện Đắk Mil - "vựa cà phê ngon nhất" của tỉnh Đắk Nông để xây dựng với sự tham gia thí điểm của hợp tác xã Nông lâm nghiệp Đắk Mil và hợp tác xã Công Bằng Thuận An.
Cà phê đặc sản được Hiệp hội cà phê đặc sản thế giới (SCA) hoặc Viện Chất lượng cà phê thế giới (CQI) đánh giá thông qua quá trình thử nếm với rất nhiều tiêu chí đánh giá, qua đó kết quả phải đạt từ 80 điểm trở lên. |
Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Đắk Mil đang sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C khoảng 100ha, sản lượng 200 tấn/năm. Ngoài quy trình sản xuất, hợp tác xã đang áp dụng quy trình thu hái chín, chế biến cà phê ướt, nâng cao chất lượng cà phê. hợp tác xã đã sản xuất cà phê chất lượng, liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty chế biến cà phê chất lượng cao tại thành phố Hồ Chí Minh và một số đơn vị sản xuất theo chuỗi giá trị tại thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và tỉnh Đắk Lắk. Hợp tác xã Công Bằng Thuận An liên kết sản xuất cà phê theo chuỗi với Công ty Đắk Man và 1 số doanh nghiệp thu mua sản xuất gần 300 ha cà phê, sản lượng 1.000 tấn/năm theo tiêu chuẩn Fairtrade và tiêu chuẩn UTZ.
Ông Võ Đình Danh, Giám đốc hợp tác xã Nông lâm nghiệp Đắk Mil cho biết, với quy trình sản xuất và chế biến cà phê chất lượng cao các thành viên hợp tác xã đang sản xuất, khi xuất bán đều đạt trên 80 điểm – đủ tiêu chuẩn đạt cà phê chất lượng cao.
Ông Lê Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil trao đổi, cà phê đặc sản căn cứ vào các tiêu chuẩn quốc tế được đánh giá theo thang điểm từ 80 - 85 điểm. Để sản xuất cà phê chất lượng, hướng đến phát triển cà phê đặc sản ngoài khâu canh tác theo tiêu chuẩn thì khâu chế biến sau thu hoạch sẽ quyết định đến chất lượng cà phê. Để sản xuất cà phê đặc sản ngoài quy trình chăm sóc, việc thu hoạch chín, lên men tự nhiên, chế biến sẽ tạo nên hương vị đặc trưng cho cà phê Đắk Mil.
Sau thu hoạch cà phê được sơ chế, chế biến 1 cách bài bản. |
Hiện huyện Đắk Mil hiện có khoảng 20 ha cà phê sản xuất theo hướng đặc sản, với sản lượng 28 tấn/vụ. Giai đoạn 2022 - 2025, huyện sẽ mở rộng quy mô cà phê đặc sản lên 150 ha, sản lượng 300 tấn/vụ. Đến năm 2030, quy mô sản xuất cà phê đặc sản của huyện khoảng 300 ha, sản lượng 550 tấn/vụ. Huyện Đắk Mil đang xây dựng phương án để nâng giá trị và chất lượng của hơn 20.000 ha cà phê huyện hiện có để hình thành vùng nguyên liệu hướng tới xuất khẩu.