Đắk Lắk: Phát hiện 1.425 hành vi vi phạm về động vật hoang dã trong 5 năm
Tọa đàm “Truyền thông về công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam” do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk phối hợp Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) tổ chức, nhằm vận động, tuyên truyền người dân cùng góp phần ngăn chặn các hoạt động buôn bán, tàng trữ, sử dụng các sản phẩm từ ngà voi, động vật hoang dã khác…
Thông tin tại buổi tọa đàm, thiếu tá Nguyễn Thế Anh - cán bộ Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường cho biết, có nhiều khó khăn trong công tác xử lý vi phạm liên quan đến tội phạm về động vật hoang dã.
Cụ thể, để có căn cứ xử lý cá nhân, tổ chức thì phải giám định sản phẩm ấy là loại gì, thuộc nhóm nào… Trong khi đó, kinh phí cho một mẫu vật giám định có giá tới vài triệu đồng khiến cơ quan chức năng gặp khó khăn.
“Khi chúng tôi vào cuộc kiểm tra, nhiều chủ cơ sở khai hầu hết vi phạm lần đầu. Đối mặt với mức phạt 180 triệu đồng cho dưới 300g ngà voi, nhiều người bất ngờ, vì cả đời kinh doanh chưa đủ tiền đóng phạt. Do đó, tôi mong muốn các sở ngành, tổ chức liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân lẫn các cơ sở kinh doanh nắm bắt quy định, tránh vi phạm”, thiếu tá Anh cho biết.
Ngoài ra, nhu cầu mua các sản phẩm từ động vật hoang dã rất lớn. Nhiều khách du lịch đến Đắk Lắk - thủ phủ voi nên có nhu cầu mua các loại trang sức làm từ ngà voi, lông voi, nanh móng vuốt động vật…
Theo thiếu tá Anh, để ngăn chặn tình trạng mua bán động vật hoang dã cần có sự vào cuộc đồng bộ quyết liệt giữa các ban ngành liên quan; sự sát sao chỉ đạo lãnh đạo, hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh; đặc biệt công tác truyền thông rất quan trọng.
Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, cơ quan chức năng trên cả nước vẫn tiếp tục nỗ lực đấu tranh với tội phạm về động vật hoang dã và xử lý hiệu quả các đối tượng buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép.
Trong 5 năm trở lại đây, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với các ngành bắt giữ và xử lý 144 vụ vi phạm các quy định về săn bắn, mua bán trái phép động vật rừng tịch thu 197 cá thể, trọng lượng 949kg. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, xử lý 5 vụ vi phạm động vật rừng, trong đó động vật rừng tịch thu 17 cá thể, trọng lượng 63kg.
Trong 6 tháng đầu năm 2022 Chi cục Kiểm lâm tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh phê duyệt phương án xử lý động vật rừng để cứu hộ và thả về môi trường tự nhiên gồm 8 cá thể trong đó có 1 cá thể tê tê, 1 cá thể voọc bạc Đông Dương, 6 cá thể khỉ đuôi lợn; năm 2020 cứu hộ 14 cá thể; năm 2021 cứu hộ 18 cá thể…
Theo đó, qua từng năm, số lượng các vụ án hình sự có đối tượng bị bắt giữ vẫn tiếp tục gia tăng, tỷ lệ số vụ án được đưa ra xét xử cũng đạt ở mức đáng kể. Đặc biệt, một số đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán động vật hoang dã trái phép đã phải đối mặt với những hình phạt thích đáng, đáp ứng được mục tiêu răn đe và phòng ngừa tội phạm về động vật hoang dã.
Nhiều sản phẩm trang sức được quảng cáo là "chế tác từ ngà voi" bày bán công khai tại các cửa hàng và trên các trang mạng xã hội. |
Chia sẻ tại tọa đàm, Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) Bùi Thị Hà (Phụ trách Chương trình Chính sách & Pháp luật của ENV) cho biết, tại Đắk Lắk vẫn còn tình trạng quảng cáo, tàng trữ, mua bán động vật hoang dã trái phép tại các cửa hàng đồ lưu niệm, khách sạn hay trên các trang mạng. Theo số liệu của ENV, giai đoạn năm 2018 - 2022 đã có 1.425 hành vi vi phạm về động vật hoang dã tại Đắk Lắk.
Số liệu từ một cuộc khảo sát nhanh của ENV vào đầu năm 2022 cho thấy, trong tổng số 49 cơ sở khảo sát (gồm 8 cửa hàng vàng bạc, 6 cửa hàng mỹ nghệ, 9 cửa hàng lưu niệm, 2 khách sạn và 1 nhà hàng) thì có 26 cơ sở kinh doanh các sản phẩm chế tác từ ngà voi, xương voi, lông đuôi voi, móng hổ, móng gấu và lông đuôi công. Sở dĩ tội phạm về động vật hoang dã ngày càng tăng bởi mức lợi nhuận rất lớn, chỉ đứng sau lợi nhuận buôn người, ma túy.
“Tại 1 khách sạn lớn trên địa bàn tỉnh mà tôi từng vào, họ bày bán 1 chiếc nanh lợn rừng có giá 52 triệu đồng. Mức lợi nhuận quá lớn như vậy khiến tình trạng mua bán trái phép vẫn diễn ra”, bà Hà dẫn chứng.
Phó Giám đốc ENV nói thêm, các quy định về xử phạt tội phạm về động vật hoang dã đã chặt chẽ, mức xử phạt cao. Vấn đề là cần nhiều hơn nữa là sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền địa phương và việc thực thi pháp luật.
Sau nhiều năm theo dõi tiến trình xử lý các vụ việc liên quan đến tội phạm động vật hoang dã, bà Hà cho rằng nếu đủ hồ sơ xử lý hình sự thì nên xử theo khung phạt tù giam thay vì tù treo. Bởi theo lời bà, có trường hợp sau khi bị xử án treo vẫn quay lại con đường kinh doanh mua bán động vật hoang dã vì mức lợi nhuận siêu khủng này.