Đắk Lắk: Bỏ tiền giải chấp tài sản để thu nợ, vừa xong bị "hớt tay trên"?
Vừa giải chấp khỏi tay thì bị ngăn chặn giao dịch
Theo hồ sơ, ngày 08/01/2023, bà Nguyễn Thị Thu Hiền (sinh năm 1989), trú tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk làm đơn khởi kiện “về việc tranh chấp hợp đồng vay tài sản” đối với bà Nguyễn Thị Phương Linh (sinh năm 1980), trú tại số 177 Lý Thái Tổ, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột và ông Nguyễn Đức Nam (chồng bà Linh đã ly hôn) ra Toà án nhân dân (TAND) TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk để đòi khoản nợ 16,8 tỷ đồng.
Chủ nợ bỏ tiền giải chấp tài sản là căn nhà tại địa chỉ 177 Lý Thái Tổ, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk để thu nợ, giải chấp xong liền bị "hớt tay trên". (Ảnh: Lê Sơn) |
Ngày 27/01/2023, TAND TP. Buôn Ma Thuột ban hành Quyết định số 01/2023/QĐCNTT-DS công nhận kết quả hòa giải thành giữa bà Hiền, bà Linh và ông Nam. Sau đó, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) TP. Buôn Ma Thuột ban hành Quyết định số 1277 về việc thi hành án theo yêu cầu.
Đồng thời, Chi cục THADS TP. Buôn Ma Thuột xác định bà Linh chỉ có tài sản duy nhất là căn nhà được xây dựng trên thửa đất số 101, tờ bản đồ số 54, diện tích 189,7m2, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) số CM 331030, tại địa chỉ: Số 177 Lý Thái Tổ, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột.
Lúc này, tài sản đang được bà Linh thế chấp tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Chi nhánh Đắk Lắk để bảo đảm cho khoản vay 6 tỷ đồng. Được sự hướng dẫn của Chấp hành viên Chi cục THADS TP. Buôn Ma Thuột về việc các bên được tự nguyện thi hành án, ngày 27/3/2023, bà Hiền và bà Linh cùng thỏa thuận ngôi nhà, thửa đất bà Linh hiện đang đứng tên có giá trị 14,5 tỷ đồng.
Để khấu trừ số tiền bà Linh phải thi hành án, bà Hiền đồng ý lấy tài sản đang đứng tên bà Linh, nhưng bà Hiền phải trả số tiền gần 6 tỷ đồng cho BIDV chi nhánh Đắk Lắk, rút sổ đỏ, xóa thế chấp, làm thủ tục chuyển nhượng sang tên để hoàn thành nghĩa vụ thi hành án.
Theo đó, bà Hiền đã thuê Văn phòng Thừa phát lại Đại An (TP. Buôn Ma Thuột) lập Vi bằng số 32/2023 ghi nhận nội dung đã thỏa thuận thi hành án. Nội dung Vi bằng thể hiện: “Vào lúc 11giờ 00 ngày 27/3/2023, Thừa phát lại chứng kiến bà Hiền nộp tiền trả nợ thay cho ông Nam, bà Linh tại quầy giao dịch tầng 1 của BIDV chi nhánh Đắk Lắk”, tiếp đến “bà Linh bàn giao Giấy chứng nhận QSDĐ số CM 331030,…. cho bà Hiền”.
“Sáng 28/3/2023, tôi và bà Linh làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất như đã thoả thuận, đến chiều cùng ngày chúng tôi đến Chi cục THADS TP. Buôn Ma Thuột làm việc, đề nghị Chi cục THADS TP. Buôn Ma Thuột xác nhận nội dung thỏa thuận nêu trên, thể hiện tại biên bản về việc giải quyết thi hành án” - bà Hiền cho biết.
Sau đó, bà Hiền nộp hồ sơ vào Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP. Buôn Ma Thuột để làm các thủ tục chuyển nhượng.
Trùng hợp thay, khi tài sản vừa được giải chấp và làm hợp đồng chuyển nhượng thì cùng ngày 28/3/2023, TAND tỉnh Đắk Lắk có Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2023/QĐ-BPKCTT và Cục THADS tỉnh Đắk Lắk có Quyết định thi hành án chủ động số 218, cấm bà Linh thực hiện hành vi chuyển nhượng sổ đất nêu trên.
Lý do ngăn chặn, TAND tỉnh Đắk Lắk căn cứ đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của bà Phạm Thị Vân (sinh năm 1974, trú tại Tổ 1, khối 10, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột), là nguyên đơn trong vụ án dân sự phúc thẩm thụ lý số 62 ngày 17/3/2023 về việc “tranh chấp hợp đồng vay tài sản” do Bản án sơ thẩm số 07/2023/DS-ST, ngày 14/02/2023 của TAND TP. Buôn Ma Thuột bị kháng cáo.
Đến ngày 5/5/2023, TAND tỉnh Đắk Lắk đã đưa vụ án nói trên ra xét xử phúc thẩm và có Bản án số 170/2023/DS-PT, không chấp nhận kháng cáo của bà Linh; giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 07/2023/DS-ST ngày 14/02/2023 của TAND TP. Buôn Ma Thuột và tuyên xử “buộc bà Linh phải trả cho bà Vân số tiền nợ gốc 15,5 tỷ đồng”.
Việc đề nghị huỷ quyết định công nhận hoà giải được quy định thế nào?
Trở lại vụ án bà Hiền khởi kiện bà Linh, theo hồ sơ, ngày 02/3/2023, bà Phạm Thị Vân đã có đơn gửi Viện KSND tỉnh Đắk Lắk đề nghị huỷ Quyết định công nhận kết quả hoà giải, đối thoại thành số 01. Trên cơ sở đó, ngày 14/3/2023, Viện KSND tỉnh Đắk Lắk cũng có Văn bản số 173 về việc kiến nghị TAND tỉnh Đắk Lắk hủy quyết định hòa giải thành số 01/2023/QĐCNTT-DS ngày 27/1/2023 của TAND TP. Buôn Ma Thuột với lý do bà Hiền và bà Linh là 2 chị em ruột có dấu hiệu tẩu tán tài sản.
Đến ngày 24/4/2023, TAND tỉnh Đắk Lắk giải quyết theo kiến nghị của Viện KSND tỉnh Đắk Lắk và ra quyết định hủy quyết định hòa giải thành nêu trên. Lý do vi phạm khoản 3 Điều 33 Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa.
Dự kiến ngày 12/6 Chi cục THADS TP. Buôn Ma Thuột sẽ tiến hành cưỡng chế và vụ việc lên đến tỉnh điểm, khi bà Nguyễn Thị Phương Linh tuyên bố tự thiêu trong nhà để nói lên nỗi oan ức của mình. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Luật sư Nguyễn Quốc Toản, Công ty Luật TNHH IAM, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc TAND tỉnh Đắk Lắk ban hành quyết định huỷ quyết định hoà giải thành như vậy là có dấu hiệu vi phạm Điều 36 Luật hoà giải, đối thoại tại toà án. Bởi theo Điều 36 thì người có quyền đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hoà giải thành, đối thoại thành tại toà án phải là: (i) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến quyết định của Toà án, (ii) Viện kiểm sát cùng cấp.
Tuy nhiên, trong hồ sơ thể hiện bà Vân lại là người có đơn đề nghị huỷ quyết định và ngày 14/3/2023 Viện KSND tỉnh Đắk Lắk là cơ quan có văn bản kiến nghị huỷ quyết định công nhận kết quả hoà giải thành số 01/2023 ngày 27/01/2023 của TAND TP. Buôn Ma Thuột (lý do là vi phạm khoản 3 Điều 33 Luật hoà giải, đối thoại tại Toà án).
Theo luật sư Toản, đối chiếu Điều 36 Luật Hoà giải, đối thoại tại toà án thì cả bà Vân và Viện KSND tỉnh Đắk Lắk đều không phải là người có quyền đề nghị, kiến nghị TAND tỉnh Đắk Lắk xem xét lại quyết định công nhận kết quả hoà giải thành, đối thoại thành giữa bà Hiền và bà Linh, vì bà Vân không phải là người có quyền lợi liên quan đến thoả thuận giữa bà Hiền và bà Linh.
Bởi lẽ, thoả thuận giải quyết công nợ giữa bà Hiền và bà Linh đã được chính TAND TP. Buôn Ma Thuột chấp thuận ngày 27/01/2023, nơi mà tại cùng thời điểm cũng đang thụ lý, giải quyết tranh chấp giữa bà Linh với bà Vân. Nếu như thoả thuận giữa bà Hiền và bà Linh làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bà Vân thì tại sao TAND TP. Buôn Ma Thuột lại chấp nhận thoả thuận này và điều đáng ngạc nhiên vì sao bà Vân không làm đơn ngăn chặn ngay tại thời điểm đó.
“Bên cạnh đó, Viện KSND tỉnh Đắk Lắk không cùng cấp với TAND TP. Buôn Ma Thuột. Ngoài ra, thời hạn đề nghị và kiến nghị (15 ngày) cũng đã hết nên việc TAND tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định giải quyết kiến nghị ngày 24/4/2023 là chưa phù hợp với quy định tại Điều 36 Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án” - Luật sư Toản chia sẻ.
Việc TAND và Viện KSND tỉnh Đắk Lắk đưa ra nhận định bà Hiền và bà Linh là 2 chị em ruột và thoả thuận giữa 2 người này là thoả thuận nhằm trốn tránh nghĩa vụ đối với bà Vân; liệu nhận định này có thiếu khách quan hay không, bởi vì, theo bản sao kê tài khoản ngân hàng BIDV do bà Linh cung cấp, thể hiện việc làm ăn, chuyển tiền mượn qua lại giữa 2 người là có thật, có trước thời điểm bà Hiền khởi kiện bà Linh ra Toà. Đơn cử, vào lúc 13h17 ngày 19/10/2020, bà Hiền có chuyển khoản số tiền 229.990.100 đồng cho bà Linh với nội dung “NGUYEN THI THU HIEN ct chi linh muon”.
Tranh chấp chồng chéo, vẫn quyết định thi hành án
Theo hồ sơ, ngày 28/4/2023, Chi cục THADS TP. Buôn Ma Thuột căn cứ điểm d Khoản 1 Điều 50 Luật THADS và Quyết định số 01 ngày 24/4/2023 của TAND tỉnh Đắk Lắk để ban hành Quyết định đình chỉ Thi hành án số 76, đình chỉ khoản nghĩa vụ thi hành án của ông Nam và bà Linh phải trả tiền cho bà Hiền theo nội dung Quyết định thi hành án số 1277 ngày 22/2/2023.
Để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, bà Hiền đã có Đơn khởi kiện gửi TAND TP. Buôn Ma Thuột. Đến ngày 09/11/2023, TAND TP. Buôn Ma Thuột đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm với nội dung không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Hiền và tuyên hủy Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Không đồng ý với Bản án sơ thẩm, bà Hiền đã có Đơn kháng cáo.
Ngày 4/4/2024, TAND tỉnh Đắk Lắk đã xét xử phúc thẩm vụ án và Quyết định: “Huỷ bản án dân sự sơ thẩm ngày 9/11/2023 của TAND TP. Buôn Ma Thuột và đình chỉ giải quyết vụ án dân sự về việc “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa các đương sự. Lý do bà Hiền rút toàn bộ nội dung đơn khởi kiện và nội dung kháng cáo; Bị đơn bà Linh cũng xin rút toàn bộ đơn kháng cáo".
Ngày 16/4/2024, Chi cục THADS TP. Buôn Ma Thuột ra Thông báo số 3511 về việc kết quả bán đấu giá tài sản. Người phải thi hành án là Linh và người được thi hành án là bà Vân. Kết quả bán đấu giá tài sản được kê biên vào ngày 12/4/2024 với giá trúng đấu giá hơn 11,5 tỷ đồng. Tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất và tài sản trên đất thuộc thửa đất nêu trên.
Luật sư Nguyễn Quốc Toản cho biết: Theo quy định tại Điều 5 Luật Công chứng năm 2014 thì: Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng và hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.
Như vậy, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Linh và bà Hiền ký ngày 28/3/2023 được Công chứng viên Nguyễn Thị Tĩnh – Văn phòng công chứng Tây Nguyên (Đắk Lắk) ký chứng nhận cùng ngày, chưa có quyết định nào của tòa án xác định hợp đồng này vô hiệu, nên đang có hiệu lực pháp lý và ràng buộc các bên phải thi hành.
"Trong vụ án này, khi bà Linh và bà Hiền chưa làm thủ tục huỷ Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nói trên hay toà án chưa tuyên hợp đồng này vô hiệu thì Chi Cục THADS TP. Buôn Ma Thuột cần cẩn trọng trong việc làm thủ tục thi hành án" - Luật sư Toản cho hay.
Báo Công Thương tiếp tục thông tin đến bạn đọc vụ việc có nhiều uẩn khúc này.