Đại biểu Quốc hội đề xuất chế tài người sử dụng ma túy trái phép
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy đã thẳng thắn chỉ ra 3 bất cập của công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Thứ nhất, về thuật ngữ, người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy vẫn được hiểu người sử dụng trái phép chất ma túy chính là người nghiện ma túy. Trong khi theo ý kiến chính thức của các cơ quan chuyên môn thì không phải cứ sử dụng ma túy một vài lần là thành người nghiện.
Thứ hai là pháp luật hiện hành thì lại chỉ quản lý đối với người nghiện không quản lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy và nếu người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Nếu mà bị phát hiện thì chỉ bị xử phạt hành chính tối đa đến 1.000.000 đồng theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP, sau đó không có bất cứ chế tài hay biện pháp quản lý nào đối với họ và sau này.
Đại biểu Quốc hội đoàn Bắc Kạn Nguyễn Thị Thủy |
Thứ ba, trước năm 2009 hành vi sử dụng trái phép chất ma túy đã được quy định thành một tội trong Bộ luật Hình sự và có tính răn đe khá cao. Tuy nhiên, sau đó do có sự thay đổi trong nhận thức về hành vi này và coi họ là nạn nhân của tệ nạn ma túy.
“Bộ luật Hình sự hiện đã bỏ tội danh nêu trên cùng với đó là trong toàn bộ hệ thống pháp luật thì không có bất cứ quy định nào về quản lý cũng như giúp đỡ họ từ sớm”- Đại biểu Thủy nói.
Hệ quả là như đại biểu Thủy dẫn số liệu của Bộ Công an năm 2009, cả nước có 146.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Đến năm 2019 con số này là 225.000 người, tức là tăng 72.000 người.
Theo đại biểu Thủy, đã đến lúc cần bổ sung chế định quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy bởi thực tiễn cũng cho thấy là đối với những người này thì phải có những biện pháp quản lý từ sớm và chặt chẽ thì mới mang lại hiệu quả. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo quy định cụ thể hơn việc quản lý giáo dục động viên giúp đỡ người sử dụng trái phép chất ma túy để thuận lợi cho tổ chức thi hành và cũng là để bảo đảm tính khả thi của quy định này. Thứ hai là đề nghị bổ sung chế tài áp dụng trong trường hợp người này không chấp hành yêu cầu xét nghiệm ma túy.
Trong giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, thái độ ứng xử thế nào với người sử dụng ma túy trái phép, người nghiện vẫn còn rất khác nhau. Do đó, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu để thể hiện rõ ràng trong luật, vì đối tượng này rất đa dạng, nhiều trường hợp đáng thương nhưng cũng có nhiều trường hợp có tiền án tiền sự. Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thái độ của người dân, của xã hội như thế nào đối với người nghiện và người người sử dụng trái phép chất ma túy cũng cần được thể hiện rõ ở trong Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).