Đà Nẵng: “Hot” xu hướng kinh doanh nông sản sạch online
Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn TP.Đà Nẵng, hàng năm toàn thành phố tiêu thụ khoảng 140 nghìn tấn rau củ quả, nhưng ngành nông nghiệp thành phố chỉ tự cung cấp được khoảng 10 nghìn tấn, số còn lại phải nhập từ các địa phương khác và nước ngoài. Trong khi đó, hàng năm Quảng Nam lại sản xuất khoảng 240 nghìn tấn nông sản với khoảng 10 nghìn tấn rau củ quả được chuyển ra tiêu thụ tại địa bàn TP.Đà Nẵng và nằm trong nhóm 6 tỉnh cung cấp nông sản chủ lực cho thành phố này.
Tận dụng lợi thế đó, nhiều bạn trẻ đã tìm cách quảng bá nông sản sạch xứ Quảng và các vùng lân cận như huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), Thừa Thiên Huế … để phục vụ nhu cầu tiêu thụ của các hộ gia đình. Việc đưa nông sản ra thị trường qua những kênh mới như online, phiên chợ nông dân, cửa hàng thực phẩm không chỉ giúp tạo một đầu mối cung ứng sản phẩm sạch mà qua đó còn giúp khẳng định thương hiệu nông sản các địa phương đến TP. Đà Nẵng.
Việc ứng dụng mô hình kinh doanh online tốn khá ít chi phí quản lý kho bãi và mặt bằng mà đặc biệt qua nền tảng facebook lại rất hiệu quả. Hiện tại, mô hình này đang là một giải pháp hữu hiệu để có thể giải quyết bài toán cung – cầu nông sản sạch từ các vườn trái cây, trang trại nông sản đến các hộ gia đình. Bên cạnh đó, mô hình còn giúp các bạn trẻ kiếm thêm thu nhập, giải quyết một phần nhỏ bài toán lao động và tạo ra một chuỗi giá trị bền vững cho phát triển nông nghiệp địa phương, vùng.
Chị Nguyễn Thị Hồng Vân – người sáng lập thương hiệu Ann Farm, hiện nay đang cung cấp nguồn trái cây hữu cơ sạch được lấy từ các chủ vườn uy tín ở các khu vực lân cận để cung cấp tận nhà cho các hộ gia đình Đà Nẵng - tâm huyết chia sẻ: “Tôi xây dựng thương hiệu Ann Farm xuất phát từ quan sát tại các vùng nông thôn có các vườn trái cây sạch, thuần tự nhiên và không thuốc trừ sâu, nhưng thường không sử dụng hết hoặc không bán hết được lượng trái cây. Thêm nữa, các bài viết giới thiệu sản phẩm trái cây trên facebook là cách thức giới thiệu thương hiệu nông sản của các tỉnh, địa phương mà tôi thu mua đến gần hơn với người dân Đà Nẵng”.
Anh Hồ Nguyên Khoa bên vụ dưa lưới thứ hai trong năm 2018 tại Sasu farm |
Anh Hồ Nguyên Khoa - hiện đang là chủ của trang trại thủy canh Sasu farm rộng hơn 4.000m2 tại thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang – cho biết: “Mỗi năm, trang trại của tôi sản xuất hơn 10 tấn dưa lưới đạt chất lượng Vietgap. Tôi rất tâm huyết với việc đem đến những sản phẩn hữu cơ chất lượng đến người dân, cũng thường xuyên sử dụng công cụ mạng xã hội để chia sẻ các kiến thức làm nông nghiệp công nghệ cao và kinh doanh online với việc đặt hàng trước cho những vụ dưa lưới sắp thua hoạch”.
Thực tế cho thấy, việc bán nông sản sạch hoạt động mua bán qua mạng đang phát triển nhanh chóng song người tiêu dùng dễ rơi vào ma trận thông tin quảng cáo mà không biết hướng dẫn nào sai hay đúng. Do vậy, việc kết hợp hoặc tìm được những chủ vườn chất lượng cũng rất quan trọng. Các chủ vườn này vừa có thể phát triển mô hình kinh doanh online đặt trước cho các bạn trẻ muốn lấy sản phẩm nông sản về phân phối, lại vừa mở các kênh phân môi truyền thống khác để kết hợp đa dạng hóa đầu ra cho sản phẩm.
Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần có những cơ chế chính sách khuyến khích nhiều hơn nữa đối với các bạn trẻ tạo lập được các kênh bán hàng cần đặt uy tín lên hàng đầu để cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm chất lượng nhất từ việc lựa chọn nhà vườn uy tín để thu mua - như Ann Farm - là hướng đi phù hợp, kèm theo những thông tin quảng cáo trung thực cũng như hình ảnh thu mua tại nhà vườn để tăng niềm tin của người tiêu dùng dành cho sản phẩm nông sản. Bên cạnh đó, việc có những chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao như trang trại Sasu cũng rất cần thiết để có nguồn cung cấp đạt chất lượng cao nhất và rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ.