|
Những ngôi nhà mới 2 tầng được xây dựng kiên cố |
Con đường từ Thị trấn Hương Khê vào bản Rào Tre dài tầm 26 km, nhưng có nhiều đoạn đường quanh co, khúc khuỷu. Đi được một đoạn thì trời bắt đầu mưa nặng hạt. Trời đang sáng bỗng sầm tối đen như mực, và rồi mưa ào xuống, gió rít, sấm chớp đùng đoàng… xe phải dừng hẳn lại vì không thể đi tiếp. Rất lo lắng cho chặng đường tiếp theo, hai anh em chỉ nói với nhau mỗi câu: “mưa rừng khủng khiếp thật”… Đã có những lúc chúng tôi định quay lại thị trấn vì phía trước mù mịt, tăm tối, lúc này điện thoại đã mất sóng… Cung đường từ thị trấn vào bản Rào Tre bình thường đi 30 phút nhưng tối nay chúng tôi phải đi mất 2 giờ đồng hồ. Đón chúng tôi là các chiến sĩ Tổ công tác Bộ đội Biên phòng (BĐBP) bản Rào Tre (Đồn 575, BĐBP tỉnh Hà Tĩnh), những cái bắt tay thân mật, sự chờ đón ấm tình đã xua tan hết những mệt mỏi của anh em chúng tôi.
|
Sau 10 năm trở lại, phóng viên Báo Công Thương thấy Rào Tre khác nhiều lắm |
Khi tôi nói từng vào bản Rào Tre 10 năm trước, Tổ trưởng Tổ công tác Biên phòng bản Rào Tre - Trung tá Dương Thanh Tịnh phấn khởi chia sẻ: “Rào Tre khác lắm rồi, đồng bào Chứt đổi thay nhiều rồi’… Mưa tạnh, anh em lót dạ vội bát cơm rồi vào ngay với bà con bản, trực tiếp Tổ trưởng Biên phòng là người đưa chúng tôi đến với từng nhà.
|
Hòa nhập cộng đồng, cuộc sống mới của đồng bào Chứt thay đổi tích cực |
|
Một số nhà đã sắm được tủ lạnh |
Trong đêm tối nhưng khi đến gần bản Rào Tre mới (cách trạm biên phòng chừng 2km) đã sáng lên khác biệt, 11 ngôi nhà 2 tầng kiên cố, xếp 2 dãy thẳng hàng, phía ngoài bản có cống thoát nước, hàng rào thép gai và những cây ăn quả như chuối, cam đã bén rễ… Trung Tá Dương Thanh Tịnh cho biết: Những ngôi nhà này được xây dựng nhờ nguồn vốn từ Đề án 2571 về bảo tồn và phát triển đồng bào dân tộc Chứt đến năm 2020 của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Các ngôi nhà được thiết kế vừa bảo đảm sự kiên cố, vừa phù hợp lối sống, phong tục của địa phương. Các quá trình từ thiết kế đến thi công, đều được BĐBP cùng tham gia. Không chỉ có những căn nhà mới, khu tái định cư sẽ bao gồm cả trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng và nhiều điều kiện thiết yếu khác nhằm giúp bà con yên tâm tạo lập cuộc sống trên vùng đất mới...
|
BĐBP tuyên truyền, vận động giải thích hệ lụy hôn nhân cận huyết |
Đón chúng tôi trong ngôi nhà mới, bà Hồ Thị Hoa vui vẻ chia sẻ: Gia đình rất vui là được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ xây dựng ngôi nhà sàn bằng bê tông, vừa chắc chắn, vừa rộng rãi, lại có vị trí trước mặt là sông, phía sau nhà là núi rừng rất thuận tiện cho việc sản xuất và đi làm rừng. Dân bản chúng tôi yên tâm không còn lo gì nữa, ngoài ra nước sạch, đường điện cũng được đưa vào tận từng hộ dân bản, đời sống được đi lên nhiều rồi.
|
Cặp vợ chồng Hồ Sĩ và Nguyễn Thị Vinh sắm được xe máy và vô tuyến |
Cách nhà bà Hoa mấy nhà là nhà của cặp vợi chồng Hồ Sĩ và Nguyễn Thị Vinh. Trong đó chị Vinh là là người Kinh, còn anh Sĩ là người Chứt. Việc 1 người Kinh lấy người Chứt được chính quyền cổ vũ vì góp phần giảm tình trạng hôn nhân cận huyết khi trai gái trong bản hầu hết đã là anh em, họ hàng với nhau. Bởi vậy, ngày cưới, theo chính sách của Đề án, vợ chồng Sĩ - Vinh được Nhà nước hỗ trợ 30 triệu đồng làm đám cưới, vốn liếng làm ăn sau hôn nhân. Chia sẻ với chúng tôi, chị Vinh khoe: Giờ có nhà mới rồi càng yên tâm hơn để tập trung sản xuất lúa, ngô và đi rừng nâng cao đời sống kinh tế. Số tiền hỗ trợ mua thêm chiếc xe máy để đi lại thuận tiện và chiếc ti vi xem cho vui cửa vui nhà.
|
Bác sĩ BĐBP khám và cấp thuốc miễn phí cho bà con |
Được biết, trước đây do tập tục và cuộc sống thiếu ổn định, người Chứt ở bản ít ỏi, hầu hết cùng huyết thống, lại sống tách biệt với cuộc sống bên ngoài nên phải đối mặt với nỗi lo hôn nhân cận huyết. Nhưng nhờ được BĐBP và chính quyền tuyên truyền, vận động, giải thích về những hệ lụy của hôn nhân cận huyết. Bên cạnh đó Nhà nước có thêm nhiều chính sách hỗ trợ về lấy vợ, lấy chồng ngoài huyết thống (như hỗ trợ 30 triệu đồng, hỗ trợ đất, xây nhà ở tại bản), nên dân bản dần hiểu ra được và đã bắt đầu có nhận thức không lấy vợ, lấy chồng cùng huyết thống trong bản nữa. Nhiều cặp trai gái ở bản Rào Tre, qua mai mối của BĐBP đã kết duyên trai gái với người Chứt ở Quảng Bình như vợ chồng Hồ Khăm, Hồ Nít, vợ chồng Hồ Thị Nhỏ…
|
Cánh đồng trồng lúa nước của đồng bào Chứt |
Sau khi ngủ vài tiếng tại trạm Biên phòng, sáng sớm hôm sau, anh em chúng tôi lại vào với bà con trong bản. Trong ánh bình mình, bức tranh Rào Tre hiện lên rõ ràng hơn. Ven những con đường trong bản đã có những thửa ruộng nhỏ làm lúa nước, đây là công sức “cầm tay chỉ việc” bao năm của các chiến sĩ BĐBP với bà con bản Rào Tre. Những ngôi nhà ngói, những chiếc xe máy… đã cho thấy những đổi thay của bản. Rào Tre dần thoát tâm lý “đói không lo, no không mừng” như trước vì được chính quyền, BĐBP lo cho cả. Rào Trè cũng đã có những em nhỏ tốt nghiệp PTTH, không chỉ đi rừng mà đã có những người đàn ông trong bản biết đi làm thuê, chăn nuôi để có thêm thu nhập lo cho gia đình…
|
Nụ cười rạng rỡ của đồng bào Chứt khi được mùa lúa |
|
Đồng bào Chứt đã từng bước làm quen với tập quán định canh, định cư |
Hơn 20 năm, kể từ ngày hòa nhập với cộng đồng, nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương, BĐBP, đời sống của đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã có sự đổi thay đáng kể. Từ cuộc sống du canh, du cư, thấy người lạ là trốn vào rừng sâu, cũng như có thói quen ăn hang ở hốc và ngủ trên cây… trông chờ vào sự trợ giúp hoàn toàn của Nhà nước và BĐBP, giờ đây người Chứt đã từng bước làm quen với tập quán định canh, định cư, biết cách làm ăn dần đẩy lùi được đói nghèo, lạc hậu. Nhiều hộ đã có ý thức, biết rào vườn để trồng ngô, chuối; làm chuồng để nuôi bò, nuôi heo, gà; biết lên rừng kiếm củi, sản vật phụ như lấy mật ong, lấy lá nón, lấy mây, giang về bán; biết xây dựng được mô hình kinh tế tăng gia sản xuất trồng lúa, ngô, cây ăn quả ngắn ngày, dài ngày. Đồng bào Chứt, Bản Rào Tre ngày nay đã thực sự đổi mới tích cực.
|
Bản Rào Tre ngày nay đã thực sự đổi mới |
Rời bản Rào Tre khi cơn bão số 3 sắp đổ bộ đất liền và sau đó là những trận mưa lớn, những ngày sau đó thông tin lũ quét, lũ ống thiệt hại về người, về nhà cửa của bà con vùng cao Thanh Hóa, Nghệ An… mà thấy thật xót xa, thương cảm với đồng bào miền núi. Nghĩ đến những ngôi nhà kiên cố khang trang nơi bản mới khiến chúng phần nào an tâm hơn cho bà con người Chứt, cho bản Rào Tre!