Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp đề nghị địa phương tăng cường giám sát hồ đập, ứng phó động đất
Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) vừa có văn bản số 1434/ATMT-ATÐ ngày 24/8/2022 gửi Sở Công Thương tỉnh Kom Tum, Quảng Nam và các chủ đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh Kom Tum, Quảng Nam cần chủ động ứng phó động đất tại khu vực huyện Kom Plông tỉnh Kom Tum.
Bản đồ chấn tâm động đất tại khu vực huyện Kom Plông tỉnh Kom Tum |
Đối với Sở Công Thương, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp yêu cầu tăng cường công tác giám sát, kiểm tra đánh giá an toàn vận hành đập, hồ chứa thủy điện thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 114/2018/NÐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và Thông tư số 09/2019/TT-BCT ngày 08 tháng 7 năm 2019 của Bộ Công Thương về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát các đơn vị chủ đập, hồ chứa thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về quản lý vận hành an toàn đập, hồ chứa và chủ động sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp do sự cố, do thiên tai gây ra, nhất là sự cố về động đất, sạt lở mùa mưa bão.
Đôn đốc các chủ đập, hồ chứa rà soát, lắp đặt bổ sung các thiết bị quan trắc đập, hồ chứa nước để thu thập dữ liệu nhằm chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, đặc biệt là ứng phó với động đất và tình hình biến đổi khí hậu bất thường.
Yêu cầu chủ đầu tư các cơ sở, công trình trong ngành Công Thương, các đơn vị quản lý dự án thuỷ điện đang xây dựng, các hồ thải quặng đuôi của các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh chủ động trong công tác phòng chống thiên tai và ứng phó với bão, lũ.
Tiếp tục theo dõi chặt chẽ dư chấn động đất, cung cấp thông tin kip thời cho cơ quan chức năng, chính quyền và người dân biết để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó theo phân cấp của chính quyền địa phương.
Đối với các đơn vị chủ đập, hồ chứa thủy điện: Tổ chức kiểm tra tính lại an toàn đập, hồ chứa trên cơ sở các giá trị về dữ liệu động đất do Viện Vật lý địa cầu công bố, xây dựng phương án ứng phó với sự cố khi có tình huống bất thường xảy ra.
Trong thời gian chưa có dữ liệu chính thức từ Viện Vật lý địa cầu, yêu cầu các chủ đập, hồ chứa thủy điện tổ chức kiểm tra thích ứng với các trường hợp giả định ở các cấp động đất khác nhau và các mực nước hồ từ ngưỡng tràn đến mực nước dâng bình thường để có quy trình tạm thời ứng phó với thực tế động đất trước khi có công bố của cơ quan chuyên môn.
Tổ chức lắp đặt các thiết bị đo gia tốc nền tại công trình để có số liệu chính xác tính toán ảnh hưởng động đất tới công trình đập.
Rà soát lại thủ tục pháp lý về công tác nghiệm thu công trình thủy điện theo quy định đảm bảo điều kiện vận hành, phát điện các tổ máy.
Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cũng đề nghị Sở Công Thương tỉnh Kom Tum, Quảng Nam và các đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi sát tình hình diễn biến, báo cáo về Cục.
Trước đó Báo Công Thương đã đưa tin: Một trận động đất có độ mạnh tới 4,7 độ richter, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1 xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, ảnh hưởng rung lắc đến tận Quảng Nam.
Đây là trận động đất có độ mạnh lớn nhất từ trước đến nay tại tỉnh Kon Tum. Thông tin ban đầu, trận động đất đã gây tiếng động và rung lắc mạnh, ảnh hưởng tới khu vực huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam).
Ghi nhận thực tế, nhiều người dân địa phương ở Quảng Nam, Đà Nẵng đều cảm nhận dư chấn rất rõ, lung và lắc trong khoảng 3 - 5 giây. Nhiều người dân khi nghe tiếng động mạnh, rung lắc đã bỏ chạy ra khỏi nhà.
Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) - cho biết, nhiều xã đã báo cáo trên địa bàn ghi nhận động đất rất lớn, có thể mạnh nhất từ trước tới nay mà người dân cảm nhận được.
Trước đó, hồi tháng 4/2022, tại khu vực huyện Kon Plông liên tục xảy ra hàng chục trận động đất, trong đó có 2 trận động đất mạnh hơn 4 độ richter (4,1 và 4,5 độ richter).