Vụ động đất tại Kon Tum: Đảm bảo an toàn công trình và hạ du hồ chứa thủy điện
Đánh giá nguyên nhân động đất tại Kon Tum trước khi có kết luận rõ ràng
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Tô Xuân Bảo - Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai với các bộ, ngành, chuyên gia để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra do động đất trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, giả thiết ban đầu của Viện Vật lý địa cầu đưa ra là Thủy điện Thượng Kon Tum bắt đầu tích nước có thể gây áp lực đến kết cấu địa chất, giống trường hợp Thủy điện Sông Tranh trước đây.
Sẵn sàng phương án đảm bảo đảm bảo an toàn công trình và hạ du hồ chứa thủy điện khu vực xảy ra động đất tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum |
Theo ông Tô Xuân Bảo, các chuyên gia của Viện Vật lý địa cầu cũng nhận định Kon Tum nằm trên đới đứt gãy. Để nhận định rõ hơn, đoàn công tác với các chuyên gia nhiều lĩnh vực sẽ làm việc, nghiên cứu cụ thể trước khi có kết luận rõ ràng về động đất có phải do thủy điện tích nước hay không?
“Trước đây, thủy điện Hoà Bình, Sơn La khi tích nước cũng có xảy ra các trận động đất. Thủy điện Sông Tranh, trận động đất lớn nhất ghi nhận được đạt 4,7 độ richter. Theo đó, các bộ ngành sẽ phải kiểm tra, làm rõ nguyên nhân cụ thể của các trận động đất xem có liên quan thủy điện Thượng Kon Tum không?” - ông Tô Xuân Bảo thông tin thêm.
Lãnh đạo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cho hay, hiện thủy điện Thượng Kon Tum đang tích nước đến mức 1.153,1 m, so với mức nước dâng bình thường là 1.160m, tức là còn 7m nước nữa mới đến mức dâng bình thường. Dung tích toàn bộ mới chỉ đạt 70%. Dung tích hữu ích để phục vụ sản xuất điện đạt 61%. Hiện đang giữa mùa khô ở Tây Nguyên, vì vậy, mực nước hiện tại không quá lớn so với dung tích của hồ (145 triệu m3, hiện mới tích được 106 triệu m3). Về mặt kỹ thuật vẫn đảm bảo quá trình vận hành nhà máy, không có vấn đề gì ngoài tầm kiểm soát.
Thủy điện Thượng Kon Tum có công suất 220 MW là công trình có vai trò quan trọng trong việc điều tần cho hệ thống điện quốc gia trong bối cảnh nguồn điện mặt trời và điện gió chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sơ đồ công suất của hệ thống.
Sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn khi các hồ chứa vận hành
Liên quan đến một số trận động đất tại Kon Tum vừa qua, ngày 21/4, Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản 2502/VPCP-NN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành gửi các bộ: Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và UBND tỉnh.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu cụ thể đối với các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải theo chức năng quản lý nhà nước được giao chỉ đạo theo dõi, đánh giá, chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện, thủy lợi và công trình kết cấu hạ tầng giao thông trong khu vực có thể chịu ảnh hưởng do động đất, không để xảy ra sự cố bất ngờ, mất an toàn công trình.
Ông Tô Xuân Bảo thông tin thêm, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về việc xử lý động đất tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp đã có văn bản đề nghị Sở Công Thương tỉnh Kon Tum và các đơn vị chủ hồ chứa thủy điện rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo đảm bảo an toàn công trình và hạ du hồ chứa thủy điện khu vực xảy ra động đất tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Cụ thể Sở Công Thương các tỉnh Kon Tum chủ động tham mưu, đề xuất với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh trong việc: Rà soát, sẵn sàng phương án, biện pháp đảm bảo an toàn khi các hồ chứa vận hành, thi công các công trình dự án (bao gồm các công trình thuỷ điện đang vận hành và dự án thủy điện đang thi công).
Đồng thời phối hợp, chỉ đạo rà soát phương án chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện để phòng, chống động đất, đảm bảo an toàn các công trình thuỷ điện.
Đối với các đơn vị chủ hồ chứa thủy điện trên địa bàn ảnh hưởng của động đất cần tổ chức tổng kiểm tra công tác an toàn đập, nhất là an toàn đối với công trình điều tiết và các trang thiết bị phục vụ vận hành, phát hiện kịp thời các hư hỏng, sự cố (nếu có) để có biện pháp xử lý đảm bảo an toàn công trình.
Bên cạnh đó, rà soát kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực hạ du, đặc biệt là hệ thống thông tin liên lạc, quan trắc, cảnh giới tại khu vực nguy hiểm (hệ thống loa, còi, phát thanh, đèn, cột thủy chí, biển báo…) đảm bảo cảnh báo kịp thời đến chính quyền, người dân khu vực chịu ảnh hưởng trong các tình huống phải xả nước khẩn cấp, nhất là vào ban đêm.
Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cũng lưu ý các đơn vị chủ hồ chứa thủy điện, kiểm tra rà soát về số lượng và tình trạng hoạt động của hệ thống theo dõi giám sát phục vụ vận hành trong tình huống khẩn cấp: Các camera giám sát xả nước, thiết bị đo mực nước, lưu lượng tự động và thực hiện kết nối truyền dữ liệu về Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai &Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương.
Ngoài ra, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị để xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra, đặc biệt là sự cố gây mất an toàn đập.
Riêng đối với công tác thông tin, tuyên truyền, Sở Công Thương tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị chủ hồ chứa thủy điện chủ động thông tin, tuyên truyền về việc vận hành điều tiết của hồ chứa đến các cấp chính quyền, người dân khu vực hành lang thoát lũ trong thời gian có động đất xảy ra.
“Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, thông tin một cách chính xác và phù hợp để không ảnh hưởng đến việc vận hành của nhà máy, đảm bảo an ninh năng lượng và cấp nước cho hạ du sản xuất, sinh hoạt”- ông Tô Xuân Bảo cho biết.
Theo Nghị định số 114/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, cụ thể hàng năm việc kiểm tra, đôn đốc đảm bảo an toàn các đập, hồ chứa nước trên địa bàn là trách nhiệm thuộc UBND tỉnh của từng địa phương. Năm 2022, Bộ Công Thương cũng đã có kế hoạch kiểm tra đánh giá an toàn của 45 hồ đập thủy điện lớn trên toàn quốc thuộc danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ quy định. |