Cục khoáng sản Việt Nam phản hồi thông tin khai thác đá bazan cột tại Đắk Nông
Theo đó, thời gian qua các phương tiện truyền thông và một số kênh thông tin khác như Youtube có phản ánh về tình trạng khai thác trái phép khoáng sản đá bazan cột trên địa bàn một số huyện thuộc /chu-de/tinh-dak-nong.topic và Bình Phước.
Cục Khoáng sản Việt Nam sau khi xem xét, đối chiếu các thông tin và trao đổi với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông và tỉnh Bình Phước cho thấy trên địa bàn các tỉnh này có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép đá bazan cột như các phương tiện truyền thông đã nêu. Tuy nhiên có một số thông tin phản ánh được phát lại từ những thông tin cũ tại thời điểm năm 2022 đã được UBND các tỉnh chỉ đạo xử lý và đã có văn bản phản hồi, cũng có thông tin tiếp tục phản ánh việc xử lý chưa dứt điểm.
Đá bazan dạng cột được tập kết tại một công ty trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Phạm Hoài |
Báo cáo nêu rõ, thông tin phản ánh của một số kênh truyền thông/mạng xã hội cho thấy có hoạt động khai thác trái phép đá bazan cột, tuy nhiên không nêu rõ cụ thể địa điểm, thời gian diễn ra hoạt động khai thác, lại có nhiều hình ảnh đoạn video trùng với những phản ánh của các kênh thông tin đã phản ánh trước đó, cho thấy chưa đảm bảo tính thời sự, khách quan.
Cục Khoáng sản Việt Nam đã đề nghị UBND các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước chỉ đạo các ban, ngành, chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý (theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 81 Luật Khoáng sản, UBND các huyện là cấp thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, khoáng sản chưa khai thác, tài nguyên thiên nhiên khác theo quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại khu vực có khoáng sản), rà soát các thông tin phản ánh gần đây báo cáo bằng văn bản cụ thể với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Khoáng sản Việt Nam.
Theo Cục Khoáng sản Việt Nam, hiện nhu cầu đá banzan cột trên thị trường hiện nay là rất lớn, mục đích chính là dùng làm nguyên liệu để cưa xẻ chế biến làm đá ốp lát, đá trang trí mỹ nghệ, ngoài ra còn dùng làm trang trí tiểu cảnh. Nhưng do nằm rải rác và thường bị phủ bởi lớp đất phong hóa, ít lộ ra trên bề mặt do đó thường được người dân phát hiện khi cải tạo lớp đất trồng nông nghiệp hoặc phát hiện trong quá trình khai thác mỏ đá bazan xây dựng tại địa phương.
Loại đá bazan cột này đến nay chưa được đánh giá một cách đầy đủ, gần như chưa được đưa vào Quy hoạch khoáng sản ngành, do đó ảnh hưởng rất lớn đến việc quản lý và cấp phép khai thác. Ngoài ra, đối với các vị trí được người dân phát hiện thường chưa được quy hoạch điều tra, thăm dò kịp thời để cấp phép, có thể diễn ra tình trạng thu gom tiêu thụ trái phép ra thị trường (vai trò quản lý phát hiện ngăn chặn tại cấp xã và huyện là chính); Đối với các vị trí được phát hiện trong quá trình khai thác mỏ đá xây dựng bazan làm vật liệu xây dựng thông thường, các doanh nghiệp có báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép thăm dò đánh giá trữ lượng và xin cấp phép khai thác khoáng sản đi kèm.
"Nhu cầu quản lý, cấp phép khai thác thu gom khoáng sản trong quá trình cải tạo vườn đất nông nghiệp là có, đặc biệt là đối với đá bazan trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Bình Phước, Lâm Đồng và Đồng Nai. Do đó, Cục Khoáng sản Việt Nam đề nghị cần xem xét, bổ sung quy định theo hướng đơn giản thủ tục khi sửa đổi các Nghị định hoặc đưa vào Luật Địa chất và Khoáng sản để trình Quốc hội"- Cục Khoáng sản Việt Nam đề nghị.
Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 2001/BTNMT-ĐCKS trả lời UBND tỉnh Đắk Nông về việc điều tra, đánh giá khoáng sản và khoanh định khu vực khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đá bazan cột (bazan trụ) tại xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông. Ngày 15/8/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 4694/BTNMT-ĐCKS gửi UBND tỉnh Đắk Nông về việc quản lý khoáng sản khu vực khai thác đá bazan làm vật liệu xây dựng thông thường tại tỉnh Đắk Nông. Ngày 05/6/2023 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 4127/BTNMT-KSVN gửi UBND tỉnh Đắk Nông, trong đó đề nghị UBND tỉnh có biện pháp quản lý, tránh thất thoát tài sản của nhà nước và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo quy định của Luật Khoáng sản. |