Thanh Hóa: Công ty Cổ phần Xi măng Đại Dương ồ ạt san lấp trái phép Thanh Hóa: Người dân sống bất an cạnh mỏ đá của Công ty xi măng Đại Dương |
Nổ mìn ảnh hưởng đến người dân
Như Báo Công Thương đã thông tin trước đó, gia đình anh Lương Văn Giáp, vợ là Ngân Thị Hằng (trú thôn Đồng Lách, xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) luôn trong cảnh lo sợ, hoang mang khi phải sống bên cạnh khu vực nổ mìn thuộc tuyến đường vận chuyển nguyên liệu đá vôi, sét phục vụ Nhà máy xi măng Đại Dương, tại thôn Đồng Lách, xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn.
Theo phản ánh của gia đình anh Giáp, mỗi lần khu vực này nổ mìn lại khiến vợ chồng anh hoảng hốt, vì nhiều cục đá đã bay vào nhà khiến mái tôn bị thủng, hư hại. Ngoài gia đình anh Giáp, còn 2 hộ khác nằm gần khu vực trên cũng bị ảnh hưởng.
Sau khi nhận được chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa đã chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, UBND thị xã Nghi Sơn và các ngành, đơn vị có liên quan khẩn trương vào cuộc xác minh, làm rõ nội dung Báo Công Thương phản ánh.
Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa |
Theo kết quả kiểm tra hiện trường, khu vực nổ mìn làm ảnh hưởng đến người dân thuộc tuyến đường vận chuyển nguyên liệu đá vôi, sét phục vụ Nhà máy xi măng Đại Dương, tại thôn Đồng Lách, xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn. Khu vực tuyến đường đang thi công gần với 03 hộ dân, khoảng cách từ khu vực nổ mìn đến các hộ dân gần nhất khoảng 50m (khu đất canh tác, chăn nuôi của hộ ông Hà Văn Minh, không có nhà ở); có 02 hộ gia đình làm nhà ở kiên cố trên đất lâm nghiệp là hộ ông Hà Văn Giáp sống cách khu vực thi công khoảng 133,5m và hộ ông Lương Văn Giáp ở cách khu vực thi công khoảng 200m.
Tại nhà ở 02 hộ này vẫn còn vết mái tôn bị đá văng vào làm thủng do việc nổ mìn làm đường gây ra (vết thủng đã được đơn vị thi công nổ mìn khắc phục, bồi thường), việc nổ mìn thi công ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ dân sinh sống gần công trình là đúng như phản ánh. Tuy nhiên, các vị trí khoan lỗ mìn nằm trên tuyến đường đang thi công nên việc sử dụng vật liệu nổ của đơn vị không phải để khai thác tại mỏ đá.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị Công ty cổ phần xi măng Đại Dương đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng vật liệu nổ, có phương án đền bù, hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng; chỉ được khai thác đá vôi, đá sét tại khu vực đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép khai thác sau khi đã hoàn thành các thủ tục, hồ sơ theo quy định; không được tận thu đá tại tuyến đường vận chuyển khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.
Doanh nghiệp và người dân cần tìm được tiếng nói chung
Đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa nhận định, trong quá trình thi công tuyến đường vào mỏ, đơn vị thi công đã sử dụng vật liệu nổ có làm ảnh hưởng đến 03 hộ dân, vị trí 03 hộ dân nằm trong hành lang an toàn của dự án. Do đó về lâu dài, để đảm bảo an toàn và không gây ảnh hưởng đến đời sống của 03 hộ dân nói trên khi dự án mỏ đi vào hoạt động, cần xem xét có phương án thu hồi đất, di dời 03 hộ dân đến khu vực an toàn.
Khoảng cách từ khu vực nổ mìn đến các hộ dân gần nhất khoảng 50m, rất may khu vực đó chỉ là khu canh tác, chăn nuôi, không có nhà ở. Ảnh: Quốc Huy |
Còn UBND thị xã Nghi Sơn cho biết, sau khi có phản ánh của người dân và kiến nghị của UBND xã Tân Trường, UBND thị xã đã phối hợp với UBND xã Tân Trường và các đơn vị liên quan tổ chức buổi làm việc với Công ty cổ phần xi măng Đại Dương và Công ty TNHH Quyên Cường (nhà thầu nổ mìn thi công tuyến đường) để xác minh, làm rõ một số nội dung có liên quan đến việc thi công tuyến đường vận chuyển nguyên liệu đá vôi, sét phục vụ Nhà máy xi măng Đại Dương và đã đề nghị đơn vị thi công tạm dừng việc sử dụng vật liệu nổ để tránh ảnh hưởng đến các hộ dân.
UBND xã Tân Trường cũng đã làm việc với đơn vị thi công và các hộ dân thống nhất đơn vị thi công hỗ trợ cho mỗi hộ 15 triệu đồng/tháng để ổn định sinh sống, về phía công ty đã đồng ý, riêng 02/03 hộ dân chưa thống nhất. Bản thân doanh nghiệp và các hộ dân thuộc diện ảnh hưởng đều mong muốn các hộ dân trên được di dời đến nơi an toàn, tuy nhiên 2 bên chưa thống nhất được mức giá thỏa thuận, đền bù.
Trên cơ sở kiểm tra thực tế hiện trường, ý kiến của các đơn vị tham gia, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu Công ty TNHH Quyên Cường (là nhà thầu thi công tuyến đường) dừng việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để thi công công trình tại các vị trí khu vực có khoảng cách đến các nhà dân, công trình trong bán kính tối thiểu 300m.
Đồng thời UBND xã Tân Trường cần kiểm tra, báo cáo lại việc quản lý, sử dụng đất đai của các hộ dân, tăng cường giám sát việc thi công công trình của Công ty TNHH Quyên Cường. Phối hợp với chủ đầu tư kiểm tra, hỗ trợ đền bù người dân theo quy định, nếu di dời các hộ dân đến nơi ở mới đảm bảo an toàn.
Sau khi nổ mìn đã văng thủng mái tôn của nhà dân. Ảnh: Quốc Huy |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Anh Hùng, Chủ tịch UBND xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn cho biết, thời gian gần đây, doanh nghiệp đã không còn nổ ở khu vực cũ gần khu dân cư, đồng thời chính quyền địa phương đang vận động người dân để đồng thuận di chuyển và toàn bộ kinh phí sẽ do doanh ngiệp chịu.
Còn bà Ngân Thị Hằng, gia đình bị ảnh hưởng bởi việc nổ mìn chia sẻ, doanh nghiệp cũng như chính quyền đến vận động nhưng gia đình chưa đồng ý, thống nhất với phương án đền bù, di dời của doanh nghiệp.
Để giải quyết dứt điểm sự việc trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản số 14825/UBND-CN yêu cầu thị xã Nghi Sơn chỉ đạo các phòng, ban, UBND xã Tân Trường tổ chức tuyên truyền, vận động người dân bị ảnh hưởng nghiêm túc thực hiện việc hướng dẫn di dời nhà ở đến nơi an toàn theo yêu cầu của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện dự án đảm bảo tiến độ, vì sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
UBND thị xã Nghi Sơn xem xét, thực hiện thu hồi đất theo thẩm quyền đối với các hộ dân sinh sống nằm trong hành lang tuyến đường vận chuyển nguyên liệu đá vôi, sét phục vụ Nhà máy xi măng Đại Dương và nằm gần mỏ đá của Công ty cổ phần xi măng Đại Dương.