Công nghệ hiện đại là “chìa khóa” giúp xi măng Tân Thắng chinh phục thị trường thế giới
Nhà máy xi măng Tân Thắng được đầu tư xây dựng tại xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An theo phê duyệt của Chính phủ về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và định hướng đến năm 2030. Được đầu tư công nghệ hiện đại nhất, nhập khẩu từ EU và G7 như: hệ thống cấp nhiên liệu của Bedeschi (Italia), lò nung hai bệ của FLSmidth (Đan Mạch), nghiền xi của Loesche (Đức), đóng bao của Haver & Boecker (Đức), hệ thống điện của ABB (Thụy Sĩ), cộng với những chuyên gia, kỹ sư hàng đầu trong ngành công nghiệp xi măng hiện nay đang là “chìa khóa” giúp xi măng Tân Thắng xuất khẩu sản phẩm ra thị trường “khó tính” trên thế giới.
Nhà máy với nhiều cái nhất
Từ khi bắt tay vào khởi công xây dựng dự án, xi măng Tân Thắng chỉ mất 17 tháng để cho ra lò sản phẩm đầu tiên. Đây là nhà máy có quá trình xây dựng “thần tốc” nhất, được giới trong ngành công nghiệp xi măng nể phục.
Nhà máy xi măng Tân Thắng được xây dựng "thần tốc" cho ra sản phẩm chỉ sau 17 tháng thi công |
Nhà máy xi măng Tân Thắng cũng ra đời trong thời điểm khó khăn nhất, khi phải vượt qua hai năm (2020, 2021) sóng gió vì đại dịch Covid -19, nhưng xi măng Tân Thắng đã khẳng định được vị thế của mình trên thị trường thế giới; được đánh giá cao bởi sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã và bao bì hiện đại, đa dạng về quy cách đóng bao.
Với những chuyên gia hàng đầu, những kỹ sư tài năng, xi măng Tân Thắng đã đón đầu xu hướng “Cách mạng Công nghiệp 4.0”, áp dụng mô hình quản trị tối ưu, nhà máy xi măng được trang bị các thiết bị, công nghệ hiện đại nhất, nhập khẩu từ EU và G7 như: hệ thống cấp nhiên liệu của Bedeschi (Italia); lò nung hai bệ của FLSmidth (Đan Mạch); nghiền xi của Loesche (Đức); đóng bao của Haver & Boecker (Đức); hệ thống điện của ABB (Thụy Sĩ)… Xi măng Tân Thắng đã có những bước tăng trưởng đáng tự hào trong ngành công nghiệp xi măng Việt Nam.
Chia sẻ về thành công của xi măng Tân Thắng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xi măng Tân Thắng Hoàng Anh Tuấn cho hay: Xi măng Tân Thắng xây dựng với tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng, trên diện tích 60 ha, nhà máy đã lựa chọn hướng đầu tư ứng dụng tối đa vào các công nghệ tân tiến nhất trên thế giới, qua đó giảm thiểu thời gian xây dựng.
“Với năng lực sản xuất 5.000 tấn clinker/ngày, tương đương 2 triệu tấn xi măng/năm, thương hiệu xi măng Tân Thắng đã có nền móng vững chắc trên thị trường “khó tính” của thế giới. Dự kiến, xi măng Tân Thắng sẽ mở rộng quy mô thêm dây chuyền 2 trong tương lai không xa” – Tổng Giám đốc Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.
Sẽ vươn xa ra khắp thế giới
Nằm ở vị trí đắc địa với nhiều lợi thế cạnh tranh về chất lượng sản phẩm: gần cảng tổng hợp quốc tế Nghi Sơn, gần nguồn nguyên liệu dồi dào, chất lượng cao, đảm bảo cung cấp nguyên liệu ổn định, lâu dài cho sản xuất.
Nhà máy xi măng Tân Thắng được trang bị các thiết bị, công nghệ hiện đại nhất, nhập khẩu từ EU và G7. |
Từ những bao xi măng đầu tiên có mặt trên thị trường vào tháng 4/2020, xi măng Tân Thắng đã nhanh chóng được khách hàng đón nhận.
Với sứ mệnh “Tạo khác biệt - Dựng niềm tin” cho những công trình thời đại, xi măng Tân Thắng đã nỗ lực phát huy những lợi thế của mình để từng bước tiếp cận, chinh phục những thị trong và ngoài nước, khi liên tục xuất khẩu những đơn hàng lớn tới các thị trường khó tính nhất như: Mỹ, Australia, Trung Quốc… nhờ chất lượng vượt trội, công nghệ hiện đại và được điều hành bởi những nhân sự giàu kinh nghiệm. Công ty đã đặt cho mình một mục tiêu xa hơn nữa, đó là trở thành một đại diện “mang thương hiệu xi măng Việt Nam vươn ra khắp thế giới”.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Ngọc Bình, Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần xi Măng Tân Thắng cho biết: Toàn bộ dây chuyền vận hành của nhà máy xi măng Tân Thắng đều được trang bị các công nghệ hàng đầu thế giới. Từ cào rải đá vôi của Bedeschi (Italia); lò nung hai bệ của FLSmidth (Đan Mạch); nghiền xi của Loesche (Đức), Đóng bao của Haver & Boecker (Đức); Hệ thống điện của ABB (Thụy Sĩ),… Hệ thống các thiết bị, máy móc tiên tiến bậc nhất đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt của thế giới, vì vậy, các sản phẩm xi măng ra đời từ nhà máy Tân Thắng đều đáp ứng tốt tiêu chuẩn kỹ thuật ASTM của Mỹ và tiêu chuẩn EN của châu Âu.
Cũng theo ông Bình, khác với các nhà máy xi măng khi đi vào sản xuất thường gắn liền với nồng độ bụi cao, khí thải chứa Carbon oxide (CO), Carbonic (CO2) ô nhiễm, khói bụi…. Thì tại Nhà máy Xi măng Tân Thắng “Ống khói không có khói”. Bởi toàn bộ dây chuyền sản xuất đều được đặt trong một hệ thống khép kín, bụi phát sinh được xử lý qua hệ thống lọc bụi túi kết hợp với lọc bụi tĩnh điện, các thiết bị giám sát, quan trắc môi trường. Nồng độ bụi đầu ra luôn nhỏ hơn 30 mg/Nm3, với khu vực nghiền xi nhỏ hơn 20mg/Nm3 nhỏ hơn gấp 3 đến 5 lần so với quy định hiện hành của Nhà nước là 100mg/Nm3, đảm bảo khi nhà máy đi vào sản xuất với cường độ cao thì môi trường vẫn an toàn.
Thương hiệu xi măng Tân Thắng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Australia, Trung Quốc… |
Việc đảm bảo môi trường trong nhà máy còn đến từ khả năng giảm tiêu thụ điện năng. Với hệ thống điện tự động hóa ở mức độ cao cấp, điều khiển tập trung để kiểm soát đồng bộ hoạt động của nhà máy, giúp chỉ tiêu tiêu hao điện khoảng 95 kw/tấn xi măng, tiêu hao nhiệt dưới 730 kcal/kg clinker. Đây là các chỉ tiêu tiêu hao thấp nhất trong toàn ngành xi măng hiện nay.
Được đánh giá là xi măng có nhiều ưu điểm nhờ được phát triển cường độ cao, có khả năng chống lại sự ăn mòn. Đây là loại xi măng chuyên sử dụng trong các công trình công nghệ cao như công trình dưới biển, hải đảo, khu vực nhiễm mặn và công trình thoát nước đô thị hay nhiệt điện.
Khẳng định về chất lượng xi măng Tân Thắng, ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng giám đốc cho hay: “So với xi măng thường, xi măng bền sulfate có nhiều ưu điểm hơn nhờ giúp rút ngắn thời gian thi công, lại có khả năng chống ăn mòn. Đây là loại xi măng chuyên sử dụng trong các công trình đặc biệt, như công trình dưới biển, hải đảo, khu vực ngập mặn hay nhiệt điện và bê tông khối lớn, phù hợp với công công trình ở các vị trí chiến lược về Quốc phòng an ninh… Do yêu cầu kỹ thuật cao nên không phải nhà máy nào của Việt Nam cũng có thể sản xuất loại xi măng này….”
Tạo việc làm gần 1.000 lao động, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương
Bên cạnh hiệu quả sản xuất kinh doanh, các yêu tố bảo vệ môi trường, Nhà máy xi măng Tân đi vào hoạt động đã tạo việc làm cho gần 1.000 lao động, trong đó hơn 400 lao động trực tiếp, chủ yếu là người địa phương, riêng huyện Quỳnh Lưu hiện có 150 công nhân đang làm việc tại Nhà máy, thu nhập bình quân 9 triệu đồng/ tháng.
Phòng Điều khiển trung tâm – “Trái tim của nhà máy” kiểm soát toàn bộ hoạt động của nhà máy. |
Ngoài ra, xi măng Tân Thắng còn nộp ngân sách Nhà nước mỗi năm trên 200 tỷ đồng, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển; tạo động lực phát triển vùng Nam Thanh- Bắc Nghệ.
Đánh giá trước đóng góp của xi măng Tân Thắng, ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An phấn khởi: Nhờ có Nhà máy hoạt động trên địa bàn đã góp phần cải thiện đời sống nhân dân địa phương; Không những thế từ khi cho ra sản phẩm Nhà máy đã luôn đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, như hỗ trợ xã Tân Thắng 150 tấn xi làm đường giao thông liên thôn; 50 tấn xây dựng khu cách ly phòng chống dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, dịp Tết 2022 trong điều kiện dịch bệnh phức tạp nhưng nhà máy vẫn hỗ trợ 80 suất quà mỗi xuất 500 ngàn đồng, dành cho các hộ nghèo đón tết…Hàng năm, nhà máy trích quỹ tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động vì cộng đồng hàng trăm triệu đồng.
Có thể nói, trước sự cạnh tranh khắc nghiệt, nhưng xi măng Tân Thắng đã chọn cho mình hướng đi riêng. Chỉ trong thời gian ngắn, xi măng Tân Thắng đã tạo được thương hiệu, có vị thế ở thị trường “khó tính” trên thế giới.