Cơ hội bứt phá cho doanh nghiệp nội
Giày nội đang chiếm ưu thế
- May 10 sẽ tiếp tục phát triển thị trường trong nước
Ông Thân Đức Việt- Phó tổng giám đốc Tổng công ty May 10
May 10 hưởng ứng bằng việc luôn tôn trọng người tiêu dùng trong nước. Thứ nhất, tất cả các sản phẩm được tiêu thụ tại thị trường nội địa đều được kiểm soát chất lượng rất cao. Thứ hai, phát triển 200 cửa hàng trên cả nước để đem đến tận tay người tiêu dùng những sản phẩm tốt nhất. Từ năm 2008 đến nay, May 10 luôn bán các sản phẩm với giá bán chỉ bằng 25% giá sản phẩm xuất khẩu cùng loại. Hiện doanh thu thị trường nội địa chiếm khoảng 20% tổng doanh thu, tăng trưởng ở mức 8- 10%.
Thời gian tới, May 10 sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, đặc biệt là phân khúc người tiêu dùng có thu nhập trung bình và trung bình khá. Về giá bán, công ty sẽ tìm những giải pháp cắt giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động để không tăng giá bán, giúp người tiêu dùng không bị sức ép về chi tiêu.
Doanh nghiệp cần linh hoạt hơn
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày Việt Nam:
Do sự tiến bộ vượt bậc về chất lượng, mẫu mã sản phẩm thời điểm hiện tại, sản phẩm giày, dép made in Việt Nam rất được người tiêu dùng nội địa ưa chuộng. Riêng ở phân khúc trung và thấp cấp, hàng Việt Nam có thể cạnh tranh tốt với hàng nhập khẩu. Sự thay đổi tâm lý của người tiêu dùng nội địa đã tạo cơ hội tốt cho cộng đồng DN da giày trong nước tối đa hóa lợi nhuận. Trên thực tế, đã có DN làm tốt hàng xuất khẩu vẫn đầu tư cho sản xuất hàng nội địa như: Công ty giày Á Châu, Công ty giày An Lạc, Công ty giày Đông Hưng… Kênh phân phối cũng được đa dạng hóa, ngoài hệ thống cửa hàng, bán hàng qua mạng cũng đã được các DN tận dụng tốt. 6 tháng đầu năm, do tính thời vụ, tiêu thụ nội địa của sản phẩm da giày có chững lại nhưng những tháng cuối năm tiêu thụ chắc chắn sẽ tăng và đạt mức 150 triệu đôi cả năm.
Xây dựng uy tín bằng chất lượng tốt, giá cả hợp lý
Ông Nguyễn Văn Hanh- Giám đốc Cơ sở sản xuất giày dép Hanh Tươi
Nằm trên địa bàn Lạng Sơn- khu vực giao thương có nhiều sản phẩm giày dép giá rẻ, thậm chí là hàng giả, hàng nhái và kém chất lượng, việc cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm rất gay gắt; nhưng giày dép của cơ sở Hanh Tươi vẫn có chỗ đứng nhờ chất lượng tốt và giá cả hợp lý. Lợi thế của Hanh Tươi là luôn chủ động được nguyên liệu sản xuất và nhân công ngay tại Lạng Sơn nên chi phí đầu vào rẻ. Ngoài ra, cơ sở cũng xác định đặt mục tiêu hàng đầu là làm sao phân phối được càng nhiều sản phẩm ra thị trường nhất.
Vào mùa tiêu thụ cao điểm, doanh thu của cơ sở Hanh Tươi đạt khoảng 700- 800 triệu đồng/tháng trên địa bàn Lạng Sơn và 400- 500 triệu đồng/tháng tại địa bàn Hà Nội. Tham gia Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, cơ sở được hỗ trợ kinh phí tham gia các gian hàng tại hội chợ; chi phí vận chuyển khi tham gia các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Hiện cơ sở Hanh Tươi đang tham gia chuyến đưa hàng Việt về nông thôn Thái Nguyên và được người tiêu dùng ở đây ủng hộ rất cao.
Cơ hội cho các doanh nghiệp nội
Ông Nguyễn Văn Châu-Giám đốc Công ty CP Thúy Đạt:
Từ đầu năm tới nay, mỗi tháng Thúy Đạt xuất khẩu 1 triệu USD giá trị sản phẩm và tiêu thụ trong nước khoảng 200.000 USD. Dự kiến năm 2015, Thúy Đạt sẽ đầu tư xây dựng nhà máy mới với quy mô gấp 4 lần hiện tại, nhằm nâng cao năng lực sản xuất, phục vụ thị trường nội địa. Đồng thời, liên kết với các nhà bán lẻ tại các tỉnh, thành phố lớn tiến tới xây dựng hệ thống phân phối rộng khắp.
Bà Phạm Thị Hoa- Kinh doanh quần áo chợ Đồng Xuân:
Quần áo ở chợ Đồng Xuân trước đây đa phần nhập từ Trung Quốc, nhưng đến nay số lượng đã giảm một nửa. Hiện hàng Việt Nam rất phổ biến, bao gồm cả hàng công ty và hàng gia công từ làng Cổ Nhuế, La Phù.
Nếu so sánh, hàng Việt Nam được nhiều khách hàng lựa chọn hơn hàng Trung Quốc vì giá rẻ hơn. Ví dụ một cái áo Việt Nam khoảng 50-70 nghìn đồng/cái, nhưng hàng Trung Quốc phải hơn 100 nghìn đồng/cái.
Anh Trần Hữu Minh- Chủ sạp giày dép chợ Đồng Xuân
Trước đây, chợ Đồng Xuân có bao nhiêu sạp bán giày dép thì ngần ấy sạp bán hàng của Trung Quốc. Mẫu mã đa dạng, nhiều kích cỡ, nhìn bắt mắt, giá lại rẻ nên được khách hàng ưa chuộng. Dần dần hàng Việt bắt đầu thâm nhập nhưng vẫn chịu lép vế. Một năm trở lại đây, giày dép sản xuất trong nước đã chiếm ưu thế hơn hẳn. Chủng loại phong phú hơn, đủ các mức giá từ thấp đến cao, đáp ứng được mọi nhu cầu của người mua. Điều làm khách hàng yên tâm nhất vẫn là chất lượng và độ an toàn, không lo bị độc hại. Nhìn rõ nhất là một số loại giày Trung Quốc bán tại Việt Nam đều dùng nguyên liệu vải giả da, vải tráng phủ lớp nhựa bên ngoài nhìn mềm và giống da bò thật nhưng đi một thời gian rất chóng hỏng, bong vỡ lớp da ngoài, nhất là gặp trời mưa, nắng.
Bà Nguyễn Thị Thoan - Chủ cửa hàng trên phố Ngô Quyền (Hà Nội)
Cửa hàng của tôi chỉ bán hàng cho các công ty sản xuất trong nước như Việt Tiến, May 10, Hanosimex... Hàng Việt Nam rất chất lượng và giá cũng hợp lý. Bán hàng cho hãng cũng thấy yên tâm vì họ phải giữ uy tín thương hiệu của mình. Trước đây tôi cũng buôn hàng Trung Quốc nhưng không tiêu thụ được bởi người Việt ngày càng quan tâm đến chất lượng hàng hóa. Nhất là sự tuyên truyền rộng rãi trên báo chí, truyền hình về hàng Việt đã làm thay đổi tâm lý, thói quen tiêu dùng của người dân. Giá như các nhà sản xuất trong nước nghiên cứu đầu tư về chủng loại phong phú hơn chắc chắn người tiêu dùng sẽ tìm đến hàng Việt nhiều hơn.
Nhóm phóng thời sự - Kinh tế (Thực hiện)