Thứ bảy 16/11/2024 07:18

Chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp: Còn nhiều trở ngại

Mục tiêu đến năm 2020, cả nước đạt 1 triệu doanh nghiệp theo lộ trình Chính phủ đề ra, cùng với đó là hàng loạt cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh doanh cá thể hoạt động. Tuy nhiên, thực tế nhiều hộ kinh doanh hiện nay vẫn chưa “mặn mà” với việc chuyển đổi thành doanh nghiệp.    

Ngại "lên đời"

Theo số liệu thống kê chính thức, hiện cả nước có gần 5 triệu hộ sản xuất, kinh doanh, gấp 10 lần số doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, với tổng tài sản ước tính khoảng 655.000 tỷ đồng. Cũng theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ ra có đến 11% hộ kinh doanh thuộc diện phải chuyển đổi thành DN, tức là sử dụng lao động thường xuyên từ 10 người trở lên, nhưng chỉ có 5,6% hộ kinh doanh dự kiến sẽ chuyển đổi, còn lại vẫn chọn mô hình kinh doanh hộ gia đình.

Anh Nguyễn Văn Hải, chủ hộ kinh doanh cơ sở sản xuất nem giò Hải Bình (thành phố Thanh Hóa) cho hay: Từ năm 2010 cơ sở anh bắt đầu đăng ký sản xuất theo hộ kinh doanh. Doanh thu hàng năm từ 1-1,5 tỷ đồng. Với những tháng cao điểm giáp tết, cơ sở của anh phải huy động thường xuyên từ 15-20 nhân công. Hiện sản phẩm của gia đình anh cung cấp cho nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Với quy mô sản xuất và khả năng hiện có, cơ sở sản xuất của anh Hải có đủ điều kiện để phát triển thành doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi đề cập đến có vấn đề chuyển đổi thành doanh nghiệp, anh Hải thừa nhận, "ngại" chuyển đổi. "Hiện nay quy mô hoạt động của gia đình vẫn nhỏ, lại chủ yếu dựa vào nhân lực trong gia đình. Mặt khác, nếu cố gắng lên DN thì sẽ “vướng” vào một số yêu cầu mang tính bắt buộc như sổ sách kế toán, mô hình tổ chức và quản lý cũng phức tạp hơn, nhất là sẽ chịu mức thuế cao hơn" - anh Hải cho hay.

Đa số các hộ kinh doanh ngại chuyển đổi vì cân nhắc giữa bài toán chi phí - lợi nhuận

Cũng theo anh Phạm Phúc Nguyên, hộ kinh doanh sản xuất gốm Nguyên Lĩnh, tại làng gốm Bát Tràng, Hà Nội cho biết, việc chuyển đổi thành doanh nghiệp sẽ có nhiều thuận tiện hơn như ký kết hợp đồng, được vay vốn ưu đãi, được miễn giảm thuế... Nhiều bạn hàng cũng đã đề nghị hộ kinh doanh của anh chuyển thành DN, tuy nhiên anh đã từ chối với lý do nếu trở thành DN thì phải gánh chi phí lớn quá và còn liên quan đến nhiều thủ tục rườm rà, nhân sự, bộ máy... cồng kềnh, giải quyết không nhanh gọn.

Đánh giá về vấn đề này, ông Hà Văn Lâm, Trưởng ban Hội làng nghề gốm sứ Bát Tràng cho biết: Rõ ràng, nhiều hộ kinh doanh nhìn thấy lợi ích của việc chuyển đổi thành DN, song thực tế vẫn còn tồn tại nhiều rào cản. Vì khi chuyển đổi thành DN, họ lo lắng sẽ phải nộp thuế nhiều hơn, thực hiện nghĩa vụ với người lao động cao hơn, phải thực hiện nghiêm ngặt các quy định trong sản xuất kinh doanh và nghiệp vụ kế toán, rồi áp lực thanh tra, kiểm tra nhiều hơn. Bên cạnh đó, bản thân các hộ kinh doanh cũng chưa nắm rõ quy trình, thủ tục của việc chuyển đổi. Đặc biệt, nhiều hộ kinh doanh lựa chọn mô hình này vì bài toán lợi ích - chi phí...

Cần đòn bẩy chính sách

Thực tế cho thấy, các hộ kinh doanh chỉ thực sự mặn mà với việc chuyển đổi thành DN khi nhìn thấy nhiều ưu thế hơn. Phân tích về những lợi ích khi hộ kinh doanh tham gia chuyển đổi, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quốc Hải, Viện trưởng Viện Đào tạo, tư vấn và phát triển kinh tế - IDE cho hay: Theo cá nhân tôi, các hộ kinh doanh sẽ được hưởng rất nhiều điều kiện cũng như có cơ hội khi chuyển đổi sang DN.

Thứ nhất, về thủ tục chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp hiện dễ dàng hơn rất nhiều. Nhà nước cũng đang dành rất nhiều sự ưu đãi đối với các hộ kinh doanh muốn chuyển sang loại hình doanh nghiệp như miễn phí thành lập, miễn phí đăng ký con dấu...

Thứ hai, thủ tục kê khai thuế đã được cải tiến, đơn giản, chi phí thực hiện các thủ tục về thuế hiện nay rất thấp; việc được hoàn thuế giá trị gia tăng giúp DN chủ động kế hoạch tài chính, góp phần giảm chi phí sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thứ ba, phát triển hoạt động kinh doanh với quy mô lớn hơn, dễ dàng trong việc huy động vốn, ngân sách, được tham gia các hội nghề nghiệp, được đào tạo kiến thức về DN, được tiếp cận với hệ thống quản lý kế toán hiện đại và nâng cao năng lực quản trị DN.

Thứ tư, về nguồn nhân lực hộ kinh doanh sẽ được tham gia trực tiếp giao dịch việc làm và tuyển dụng lao động theo nhu cầu của DN. Đồng thời có nhiều thuận lợi hơn trong việc tiếp cận mở rộng mặt bằng kinh doanh phát triển hoạt động kinh doanh với quy mô lớn hơn, dễ dàng trong việc huy động vốn, ngân sách...

Đặc biệt, ông Hải nhấn mạnh, đi kèm với nhiều giải pháp, bản thân mỗi hộ kinh doanh cần tự ý thức được sự chủ động nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ cùng với sự thúc đẩy của kinh tế mới có thể giúp các hộ chuyển từ những cá thể đơn lẻ trở thành cộng đồng DN, phát triển theo xu thế hội nhập và tiệm cận với nền kinh tế 4.0.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù thủ tục đã có nhiều cải cách nhưng vẫn còn rườm rà. Do vậy, để khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thì cơ quan nhà nước nên dùng đòn bẩy kinh tế hơn là mệnh lệnh hành chính. Đặc biệt, cần cơ chế thông thoáng, phù hợp với quy mô, tính chất kinh doanh của từng ngành nghề; tuyên truyền định hướng rõ làm sao để mỗi doanh nhân, hộ kinh doanh thấy được những lợi ích từ việc chuyển đổi, tự xoay chuyển để mở rộng và phát triển hơn.

Cũng theo nghiên cứu của CIEM cho thấy, một trong những "rào cản" là khung pháp luật liên quan chưa quy định nhất quán về đối tượng thuộc diện chuyển đổi, chưa quy định cho phép chuyển đổi trực tiếp giữa hộ kinh doanh và các loại hình DN, làm cho thủ tục chuyển đổi phức tạp, thiếu chế tài thực hiện chuyển đổi, chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa chưa thực sự hiệu quả, chưa đủ khuyến khích hộ kinh doanh đủ điều kiện đăng ký thành lập DN. Ngoài ra, phần lớn các hộ kinh doanh quen với tập quán kinh doanh nhỏ, lẻ, gia truyền nên ngại thay đổi.

Theo điều tra của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP), một trong những lý do khiến các hộ kinh doanh chưa muốn "lên đời" thành DN ngoài gánh nặng thủ tục, còn quá nhiều các khoản chi chính thức và không chính thức. Kết quả điều tra PCI 2017 cho thấy, 9 - 11% DN được khảo sát cho rằng chi phí không chính thức chiếm tới hơn 10% doanh thu. Bên cạnh đó, mức thuế suất áp dụng cho các DN nhỏ và vừa vẫn chưa mang tính khuyến khích, nếu trở thành DN, hộ kinh doanh vẫn phải đóng mức thuế thu nhập DN lên tới 20%.

Đỗ Nga - Quỳnh Nga

Tin cùng chuyên mục

Chính phủ thông qua dự án Nghị quyết trình UBTVQH về thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu

Đẩy nhanh tốc độ phục hồi du lịch thích ứng với tình hình mới

Kết nối, chia sẻ thông tin thị trường lao động

Phấn đấu đến năm 2025, giá trị gỗ, sản phẩm gỗ tiêu thụ nội địa đạt 5 tỷ USD

Ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025

Nhập khẩu gạo và thuốc lá khô từ Campuchia: Điều kiện nào để hưởng ưu đãi?

Bộ Công Thương: Hướng dẫn công nhận tổ chức, cá nhân thuộc mạng lưới tư vấn viên pháp luật

Thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí

Bộ Tài chính đề xuất phương án giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu

Tăng giám sát thực hiện kê khai, niêm yết giá, công khai tin về giá

Sắp xếp tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập

Nhiều chính sách kinh tế-xã hội mới có hiệu lực từ ngày 1/3

Thủ tướng Chính phủ ban hành công điện về bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam tại Ukraine

Chính sách bảo hiểm, tiền lương có hiệu lực từ tháng 3/2022

Giám sát tuân thủ đối với hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán

Đơn giản hóa thủ tục trong phát hành trái phiếu quốc tế

Lãnh đạo Chính phủ thúc sớm hoàn thiện Đề án huy động vốn hạ tầng hàng không

Quy định trách nhiệm khai, nộp thuế của chủ sàn giao dịch thương mại điện tử

Bộ Công Thương ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP

Ngành Công Thương: Cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm