Chuyển dịch hạ tầng viễn thông truyền thống sang hạ tầng số
Theo đó, với chủ đề “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”, Bộ TT&TT chỉ ra các nội dung: Đề nghị xây dựng Luật Bưu chính sửa đổi và đánh giá, công bố xếp hạng chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp bưu chính; chuyển dịch hạ tầng viễn thông truyền thống sang hạ tầng số, ứng dụng số tạo động lực phát triển kinh tế số; thương mại hóa 5G, đôn đốc dừng công nghệ di động 2G theo lộ trình; xử lý sim rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo; nâng xếp hạng Chỉ số hạ tầng công nghệ thông tin lên ít nhất 3 bậc.
Ngoài ra, với chuyển đổi số, Bộ TT&TT sẽ đo lường, đánh giá, công bố xếp hạng mức độ chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh và của quốc gia.
Chuyển dịch hạ tầng viễn thông truyền thống sang hạ tầng số |
Đồng thời, hoàn thiện hành lang pháp lý bảo đảm an toàn thông tin cơ bản cho người dân trên không gian mạng. Đến năm 2025, Việt Nam thuộc nhóm 30 nước đứng đầu về Chỉ số an toàn an ninh mạng (GCI) theo đánh giá của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU). Xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016; chấn chỉnh, xử lý “báo hóa” tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí.
“Đẩy mạnh truyền thông nâng cao ý thức người dùng mạng; tăng cường tập hợp, kết nối những người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng lớn trên mạng; kịp thời khen thưởng, động viên các nhà sáng tạo nội dung số…”, Bộ TT&TT cho biết.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định số 36/QĐ-TTg quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch xác định, đối với hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, hình thành các trung tâm dữ liệu quy mô lớn, theo tiêu chuẩn xanh, bám sát quy hoạch vùng năng lượng; bảo đảm các trung tâm dữ liệu được kết nối đồng bộ, dữ liệu liên thông và có khả năng dự phòng lẫn nhau, thúc đẩy phát triển công nghiệp dữ liệu lớn; nâng cao hiệu suất và khai thác hiệu quả các trung tâm dữ liệu hiện có.
Yêu cầu đặt ra là đến năm 2025 hình thành và triển khai các trung tâm dữ liệu quốc gia là hạ tầng phục vụ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu dùng chung khác theo quy định của pháp luật; hình thành tối thiểu 03 cụm trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp quốc gia; hình thành các cụm trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp vùng.
100% cơ quan thuộc Chính phủ dùng hệ sinh thái điện toán đám mây phục vụ Chính phủ số và 70% doanh nghiệp Việt Nam sử dụng dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp trong nước cung cấp.
Hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin ưu tiên tập trung nguồn lực phát triển theo hướng làm trước, làm tốt, làm tập trung các nền tảng số có tính chất hạ tầng quy mô quốc gia phục vụ nhiều ứng dụng, dịch vụ, đóng vai trò là nền tảng số dùng chung cho nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, phục vụ các hoạt động thiết yếu của xã hội trên môi trường số.