Thứ năm 26/12/2024 19:46

Chuyện bây giờ mới kể: Khốc liệt cuộc chiến chống buôn lậu trên vùng biển

Cuộc chiến chống buôn lậu trên vùng biển đang diễn ra âm thầm, với những thủ đoạn, phương thức tinh vi gấp nhiều lần các vi phạm trên đất liền.

Chống hàng lậu trên từng con sóng

Nhắc đến cuộc chiến chống hàng giả trên vùng biển, chúng ta thường nghĩ đến lực lượng cảnh sát biển, bộ đội biên phòng... mà ít ai nghĩ đến, trong cuộc chiến này, còn có sự tham gia của lực lượng Quản lý thị trường. Chiều cuối cùng của năm Quý Mão, trong phòng họp nhỏ trên đường Đội Cấn (Hà Nội), ông Nguyễn Mạnh Hùng - nguyên Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (nay là Tổng cục Quản lý thị trường) đã kể lại cho chúng tôi nghe về hành trình kiểm tra, phát hiện những vụ buôn lậu “khủng” và đặc biệt nguy hiểm trên vùng biển Quảng Ninh.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - nguyên Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường

Mở đầu câu chuyện, ông Hùng cho biết, Quảng Ninh là tỉnh duy nhất có biên giới cả trên bộ và trên biển tiếp giáp với Trung Quốc. Năm 1989, Quảng Ninh mở cửa biên giới với nước bạn. Điều kiện địa lý thuận lợi giúp cho việc giao thương hàng hóa giữa hai nước phát triển, nhưng đây cũng là địa bàn thuận lợi cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại. Trên tuyến đường bộ, hầu như ngày nào các Đội Quản lý thị trường cũng kiểm tra, phát hiện, bắt giữ hàng buôn lậu với những thủ đoạn tinh vi, trắng trợn.

Trong khi đó, trên biển, tỉnh Quảng Ninh có nhiều cảng nước sâu, tàu trọng tải lớn trên 50.000 tấn có thể ra vào thuận tiện. Đây là lợi thế cho việc giao thương nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro thách thức cho công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu.

Trên vùng biển, cuộc chiến chống buôn lậu, gian lận thương mại đang diễn ra âm thầm, với những thủ đoạn, phương thức rất tinh vi

Ông Nguyễn Mạnh Hùng nhớ lại, năm 1994 trong một lần đi làm nhiệm vụ, tàu tuần tra của Đội Quản lý thị trường số 2 khi ấy phụ trách huyện Cẩm Phả đã phát hiện tại khu vực biển Cửa Vành có một tàu nghi buôn lậu. Phát lệnh kiểm tra nhưng chủ tàu không chấp hành, nổ máy chạy trốn. Ngay lập tức, tàu tuần tra của Đội số 2 đã truy đuổi, ngang Cẩm Phả mới dừng và đưa tàu về Vân Đồn xử lý. Tại đây, lực lượng phát hiện trên tàu chở rất nhiều sắt phế liệu, thuộc diện cấm xuất khẩu, đang trên đường buôn lậu sang nước bạn. Vận chuyển hàng là các thương binh nặng, tàu vận chuyển là tàu thanh lý nhưng vẫn mang biển của cơ quan chức năng. “Chúng tôi được thuê để vận chuyển hàng, bán sang nước bạn”, các thương binh khai nhận.

Vụ việc được đẩy lên cao trào khi các thương binh nặng từ tỉnh ngoài liên kết, kéo về Vân Đồn gây áp lực, đòi trả lại hàng giữa lúc Chủ tịch nước đang thăm và làm việc tại Quảng Ninh” - nguyên Phó Cục trưởng nhớ lại và cho biết, rất nhiều lần các thương binh kéo đến cổng nhà, trực chờ đòi gặp vì lúc đấy ông đang làm tại Chi Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh.

Làm việc tại trụ sở cơ quan, đội ngũ thương binh thể hiện thái độ căng thẳng, bất hợp tác liên tục hô “trả hàng, trả hàng” và cho rằng, đây là hàng họ được thuê vận chuyển, Quản lý thị trường không được thu giữ.

Nếu đối tượng chỉ là những người bình thường thì vụ việc khá đơn giản. Thế nhưng, khó khăn ở chỗ, chủ lô hàng đã thuê thương binh nặng vận chuyển bằng phương tiện thanh lý nhưng vẫn mang biển của cơ quan chức năng. Vậy là, sai phạm của vụ việc ở đối tượng vận chuyển và phương tiện vận chuyển” - ông Hùng kể lại và cho biết, vì tính chất vụ việc, đơn vị đã báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, dù đối tượng nào cũng phải xử lý nghiêm.

Thực hiện chỉ đạo, Đội Quản lý thị trường số 2 đã tịch thu toàn bộ số hàng để xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vẫn có những điều khoản khoan nhượng với các thương binh - những người có công với cách mạng. Vụ việc kết thúc, nhiều thương binh nghẹn ngào: “Cảm ơn các anh em Quản lý thị trường. Từ nay đội ngũ thương binh cam kết, từ bỏ việc đi vận chuyển thuê hàng lậu”.

Một vụ việc khác cũng không hề dễ dàng. Theo lời kể của ông Nguyễn Mạnh Hùng, năm 1996, tại đảo Cô Tô, Đội Quản lý thị trường số 2 kiểm tra, phát hiện, bắt giữ một tàu in chữ nước ngoài có dấu hiệu buôn lậu trên vùng biển Quảng Ninh. Khi ấy, Bộ đội biên phòng đã phối hợp, đưa tàu về neo đậu tại cảng Hòn Gai để xử lý. Tuy nhiên, sáng hôm sau, tàu nổ máy, tháo chạy.

Đang dự Đại hội Đảng Bộ tỉnh lần thứ X, tôi phải bỏ ngang, có mặt tại hiện trường, phối hợp cùng lực lượng biên phòng truy đuổi, chặn đứng bảo toàn được tang vật”, nguyên Phó Cục trưởng nhớ lại và cho hay hàng hóa trên tàu là cá đông lạnh có dấu hiệu nhập lậu, định đưa về Việt Nam tiêu thụ.

Hình ảnh về vụ việc vận chuyển trên 100 tấn hàng hóa là đồ điện tử của Nhật đã qua sử dụng, nhập lậu vào Việt Nam năm 1997

Tiếp đó, cuối năm 1997, Đội Quản lý thị trường số 3, phụ trách huyện Cẩm Phả khi đó đã chủ trì, phối hợp với lực lượng kiểm soát quân sự và lực lượng cảnh sát đường thủy bắt giữ tàu mang biển kiểm soát quân đội số hiệu 14-11-43 ở khu vực cảng Hóa Chất, Khe Giây, vùng biển Cửa Ông, vận chuyển trên 100 tấn hàng hóa là đồ điện tử của Nhật đã qua sử dụng, nhập lậu gồm: đầu video, xe đạp, dàn âm thanh, ti vi, đầu máy khâu... trị giá hàng hóa vi phạm lên đến trên 2 tỷ đồng. Đây là vụ việc cực kỳ lớn lúc đó.

Xét tính chất nghiêm trọng và phức tạp, UBND tỉnh đã có công văn gửi Quân khu 3, Văn phòng Chính phủ, các cơ quan liên quan. Sau đó, Cục An ninh, Bộ Quốc phòng thời điểm đó đã về làm việc với Chi cục, nhận bàn giao vụ việc gốc để điều tra, xử lý. Với vụ án này, cùng năm, Chi Cục QLTT Quảng Ninh đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba.

Thị trường như chiến trường

Nếu như trên đường bộ, các đối tượng vận chuyển hàng vi phạm bằng xe tải, xe ô tô, xe ba bánh... giấu hàng trong các bao tải, thùng carton... thì trên đường biển, để vận chuyển hàng lậu, các đối tượng thường dùng tàu cá, thậm chí tàu mang biển số của các lực lượng chức năng để trốn tránh sự kiểm tra, giám sát. Nguy hiểm và tinh vi hơn, các đối tượng buôn lậu, vận chuyển hàng lậu trên tuyến đường biển rất manh động và liều lĩnh. “Nhiều lần lực lượng Quản lý thị trường phải chạm trán, so găng, còn lực lượng cảnh sát biển phải dùng đến vũ khí “nóng” để khống chế, áp tải” - nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường chia sẻ.

Hiện nay, nhiệm vụ chính của lực lượng Quản lý thị trường là đấu tranh chống hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại trong nội địa, nhưng lực lượng luôn sẵn sàng, phối kết hợp với các lực lượng chức năng liên quan để đấu tranh, phòng chống buôn lậu trên vùng biển.

Dù đã về hưu nhiều năm, nhưng nguyên Phó Cục trưởng Nguyễn Mạnh Hùng vẫn luôn theo dõi và sẵn sàng đóng góp vào sự phát triển của lực lượng Quản lý thị trường khi có điều kiện để hoàn thành ước nguyện “Xây dựng lực lượng Quản lý thị trường theo yêu cầu chính quy, tổ chức chặt chẽ” đúng như Nghị quyết 12/NQ-TW của Bộ Chính trị.

Sự phát triển của khoa học công nghệ đã và đang đặt ra nhiều thách thức ngày càng cao cho Quản lý thị trường. Điều này đòi hỏi, lực lượng không chỉ nắm vững pháp luật, tinh thông nghiệp vụ, bản lĩnh vững vàng mà còn cần có trình độ tin học, ngoại ngữ để đấu tranh, chống lại các hành vi vi phạm trên môi trường phi truyền thống. Những thuật ngữ như “lực lượng”, “chiến sỹ” được sử dụng cho QLTT đã minh chứng cho một tổ chức có kết cấu chặt chẽ, chính quy và mỗi cán bộ QLTT như một chiến sỹ trên mặt trận cam go là “thị trường như chiến trường”” - nguyên Phó Cục trưởng chia sẻ và kỳ vọng, lực lượng Quản lý thị trường sẽ ngày càng lớn mạnh, góp phần xây dựng thị trường lành mạnh, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, cho những nhà sản xuất kinh doanh trong và ngoài nước.

Hoàng Hòa
Bài viết cùng chủ đề: Tổng cục Quản lý thị trường

Tin cùng chuyên mục

Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm

Quản lý thị trường hàng hóa trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

Ninh Bình: Xử phạt Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ THN kinh doanh hàng hóa nhập lậu

Phát huy vai trò nhân dân trong đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng

Sơn La: Xử phạt lái xe vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Nhiều kết quả nổi bật của Công đoàn Cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh trong năm 2024

Lâm Đồng: Xử phạt Công ty Như Linh hơn 584 triệu đồng vì kinh doanh phân bón vi phạm chất lượng

Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang tiêu hủy lượng lớn hàng hóa vi phạm

Ninh Bình: Một cơ sở kinh doanh điện thoại bị phạt 25 triệu đồng

Thừa Thiên Huế: Thu giữ số lượng lớn hàng hoá giả nhãn hiệu

Hà Nội: Tạm giữ nhiều thực phẩm nghi nhập lậu tại 2 cơ sở ở La Phù

Bắc Giang: Chuyển công an điều tra vụ Nguyễn Hữu Điện sản xuất thực phẩm giả

Bắc Giang: Kiểm tra hộ kinh doanh Lan Quý, tạm giữ hơn 27.000 sản phẩm mỹ phẩm

Ninh Bình: Kinh doanh thực phẩm nhập lậu, bị phạt 34,5 triệu đồng

Hà Nội: Đột kích kho hàng, tạm giữ hàng nghìn túi xách có dấu hiệu giả nhãn hiệu

Phú Thọ: Tạm giữ gần 6.000 đôi giày có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu NIKE, Adidas

Tiền Giang: Quyết liệt kiểm tra thuốc lá lậu cuối năm

Hòa Bình: Tiêu hủy gần 1 tấn nội tạng không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Năm 2024, lực lượng quản lý thị trường cả nước kiểm tra 68.280 vụ việc

Tổng cục Quản lý thị trường tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025